Thứ Bảy, 21/09/2024 21:32 CH
Nghĩa tình Phú Yên
Thứ Ba, 29/03/2011 09:56 SA

“Quê hương mỗi người chỉ một” nhưng với riêng tôi, tôi đã coi Phú Yên như quê hương thứ hai của mình, bởi đến nơi đây tôi đã có tất cả...

 

tuy-hoa-1110329.jpg

Đường Bạch Đằng - con đường mới ven sông Đà Rằng (TP Tuy Hòa)  - Ảnh: T.THỦY

 

RỜI THÀNH PHỐ LỚN VÀO THỊ XÃ NHỎ

 

Năm 1979, tôi đặt chân đến Phú Yên. Ngày đó, Phú Yên với tôi thật xa xôi, lạ lẫm. Khi đi tôi không nghĩ rằng mình sẽ gắn bó với nơi này bởi tôi sinh ra và lớn lên ở TP Việt Trì (tỉnh Vĩnh Phú), một thành phố công nghiệp nằm ở ngã ba sông nổi tiếng với món cá lăng đặc sản.

 

Bước chân xuống tàu lúc 18g30 tại ga Nha Trang, ở lại đó một đêm, hôm sau tôi đi ôtô ngược ra Tuy Hòa. Trên đường đi, nhìn cảnh hoang tàn sau chiến tranh vẫn còn hiện rõ mồn một rồi lại phải qua một cái đèo (sau tôi biết đó là đèo Cả), đối với tôi lúc đó thật khủng khiếp. Đến Tuy Hòa vào tầm gần 1g chiều, Tuy Hòa thế này sao? Sau 5 năm giải phóng, Phú Yên vẫn còn ngổn ngang lắm, nhìn thật xơ xác và tiều tụy. Trong tôi lúc này chỉ có một nỗi lo lắng thậm chí rất sợ. Tôi không hiểu vì sao gia đình tôi lại đến mảnh đất này, dù chúng tôi có quyền được chọn cho mình nơi an cư khác tốt hơn nhiều, chẳng hạn như Nha Trang. Nha Trang ngày ấy đã là thành phố còn Tuy Hòa chỉ là một thị xã bé nhỏ. Song, cũng vì sự phân công của Đảng, cha tôi chọn mảnh đất này, nơi ông đã hoạt động ở chiến trường Phú Yên (quê ông không ở Phú Yên). Tôi nghĩ mình chỉ theo gia đình vào đây chơi thôi rồi lại quay về với Phú Thọ (trước là Vĩnh Phú) bởi từ nơi đó tôi được sinh ra và lớn lên với bao ký ức tuổi thơ.

 

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về công tác tại Công ty Phát hành sách TX Vĩnh Yên, nhưng tôi không đi mà xin ở lại Việt Trì, đã có một số nơi cho tôi chọn lựa… Nhưng run rủi thế nào tôi lại ra đi bởi hai chữ gia đình. Rời bỏ Phú Thọ đối với tôi là một quyết định khó khăn, tôi đã phải suy nghĩ và quyết định trong vòng một năm mới đi được và trong suy nghĩ của tôi lúc ấy sẽ có một ngày tôi trở lại Phú Thọ sinh sống. Tôi quay lại Phú Yên vào một ngày cuối năm 1981. Cơ quan nơi tôi về công tác ở cạnh biển nên chỉ có gió và cát, cát mênh mông, cát len lỏi khắp nơi, thậm chí cát còn có mặt trong chén cơm mình đang ăn. Đối với tôi lúc này “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, tôi bị hụt hẫng, một thời gian sau lấy lại bình tĩnh và nghĩ mọi người sống được thì mình cũng sống được. Rất may cơ quan tôi lại có rất nhiều anh chị là người miền Bắc được điều chuyển về đây. Rồi ngày tháng qua đi, cuộc sống cứ dần trôi, bao khó khăn bộn bề ngày trước cũng dần lui. Tôi có gia đình và chồng tôi là người Phú Thọ đúng như trong tâm nguyện của mình.

 

Những năm 80, Phú Yên cũng như các tỉnh khác sống ở thời kỳ bao cấp, cực khổ trăm đường. Trường tôi có lúc tưởng như không tồn tại được vì ít người đi học. Về Phú Yên đã bao năm nhưng tôi không có thời gian để bước chân lên núi Nhạn, chỉ nghe người ta nói “TX Tuy Hòa lên núi nhìn xuống đẹp lắm”. Đẹp đâu không thấy chỉ biết nơi đây những “khái niệm” đơn giản như: nước máy, đèn xanh, đèn đỏ cũng không có, điện thì bóng mờ bóng tỏ, phố xá tối om, nhất là mùa mưa, mới 7g tối phố đã vắng bóng người… Thời gian cứ thế qua đi bỗng một sớm mai thức dậy mọi thứ đã thay đổi như một giấc mơ. Thời bao cấp bị xóa bỏ, rồi tách tỉnh, Phú Yên được trở lại làm chính mình sau bao năm lẫn trong tên gọi Phú Khánh. Tôi cũng vui lây trong niềm vui hân hoan của người dân đất Phú.

 

“TRƯỞNG THÀNH” TỪ TRONG GIAN KHÓ

 

Đến với Phú Yên đã 32 năm, ngần ấy thời gian chưa phải là dài so với một đời người nhưng cũng không phải là ngắn đối với một người con xa quê, xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình “Quê hương mỗi người chỉ một” nhưng với riêng tôi, tôi đã coi nơi đây như quê hương của mình bởi đến với Phú Yên tôi đã có tất cả: sự nghiệp, gia đình lớn là cha mẹ, các em, gia đình nhỏ của tôi và chồng, các con. Nơi đây, các con tôi được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, có nghề nghiệp và đã lại quay về phục vụ. Phú Yên đã để lại trong tôi những tình cảm sâu đậm như với quê hương nơi tôi đã sinh ra thời thơ bé. Ở nơi đây tôi không cảm thấy mình là người nơi khác đến. Cả quãng đời công tác tôi đã cống hiến cùng mọi người để xây dựng Phú Yên và Phú Yên đã bao bọc, tạo điều kiện cho trường tôi phát triển, từ Trường Trung học Xây dựng số 6 rồi thành Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 và sắp tới đây sẽ là Trường Đại học Xây dựng miền Trung. Trong thời kỳ khó khăn tôi chỉ mong ước Phú Yên được như nơi tôi đã sinh ra. Mong ước ấy đã thành sự thật vì Phú Yên hôm nay như “thiếu nữ đẹp” lại được khoác trên mình tấm áo mới. Phú Yên đã đổi thay bừng dậy một sức sống mãnh liệt. Thành phố trẻ Tuy Hòa đã có những đổi thay làm ngỡ ngàng không chỉ những người dân cư ngụ lâu năm mà cả những ai đã từng đặt chân đến nơi này. Ngày trước, khó ai nghĩ đến việc Tuy Hòa sẽ có con đường Hùng Vương hiện đại, có cầu Hùng Vương nối liền hai bờ nam - bắc thành phố và hẳn nhiều người cũng không nghĩ dọc theo bờ bắc sông Đà Rằng lại có con đường Bạch Đằng đầy thơ mộng, mát rượi gió biển. Các nút giao thông chính ở Tuy Hòa đã có đèn tín hiệu giao thông, tất cả các con đường, hẻm phố đều có điện chiếu sáng… Môi trường sống trong lành, người dân đất Phú thật thà, chất phác và thân thiện.

 

Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, Phú Yên như bừng dậy sau giấc ngủ dài. Tỉnh đã có những chủ trương đúng đắn và vĩ mô để đưa tỉnh nhà đi lên. Phú Yên có nhiều danh lam thắng cảnh được công nhận là danh thắng cấp quốc gia. Tôi mong ước Phú Yên sẽ là tỉnh phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói này, sẽ có nhiều trung tâm giải trí và những đường phố đẹp chuyên bán những mặt hàng đặc trưng cho tuyến phố đó để phục vụ khách thập phương khi đến thăm Phú Yên. Hoặc tôi sẽ có dịp được giới thiệu với người thân từ miền Bắc vào về những đặc sản Phú Yên có. Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Phú Yên hôm nay đã có khách sạn 5 sao, có những khu nghỉ dưỡng, vui chơi cao cấp… và những khu kinh tế đang phát triển. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đang cùng nhau biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập.

 

HỒ THỊ MAI HOA

(Trường Cao đẳng Xây dựng số 3)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek