Thứ Bảy, 21/09/2024 21:27 CH
Dân quê tôi hưởng ứng lời Hồ Chủ tịch
Thứ Bảy, 26/03/2011 09:00 SA

Năm 1945, xã Nguyễn Chi quê tôi có 4 thôn: Phú Thuận, Phú Nhiêu, Phú Thọ và Vạn Lộc (nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa).

 

Nguyễn Chi là người quê tôi. Năm 1908, ông theo phong trào Duy Tân, cùng ông Nguyễn Hữu Dực (làng Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp) cắt bỏ mái tóc búi của đàn ông, đi biểu tình chống sưu cao thuế nặng, bị thực dân Pháp ở Sông Cầu vào xả súng bắn, đàn áp dã man. Đến nay vẫn còn lưu lại bài vè:

 

“...Cơm khô đổ xuống Trạm Gành

Người thì nằm chết, chiếu manh vẫn còn.

Người thì bỏ vợ bỏ con

Người thì bị đạp, miệng còn chửi Tây...”

 

Ông Nguyễn Chi và Nguyễn Hữu Dực đều bị sát hại lúc đó. Nay dân xã nhà tưởng nhớ, lấy tên ông đặt tên cho xã (theo lời kể của ông Nguyễn Thiền).

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi đi thiếu sinh quân về thăm nhà, bỗng thấy nhà nào cũng có một hũ gạo bằng sành, ngoài dán nhãn: “hũ gạo cứu đói”, ở quê tôi có đói bao giờ đâu? Tôi hỏi người lớn mới hay: Phát xít Nhật bắt dân miền Bắc nhổ lúa trồng đay. Đay chúng cho dệt bao tải đựng đất đá chất làm công sự, chứ dân ta đói đâu có ăn được sợi đay? Vì vậy nạn đói khủng khiếp xảy ra. Giành chính quyền xong, Hồ Chủ tịch kêu gọi chống 3 thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Bác Hồ kêu gọi toàn dân dành gạo cứu đói và Bác đã gương mẫu thực hiện trước: cứ 1 tuần lễ nhịn ăn một ngày. Ở nhà, mỗi lần nấu cơm mẹ tôi bớt ra một nắm gạo bỏ vào “hũ gạo cứu đói”.

 

Lâu lâu, các mẹ, các chị phụ nữ đến nhà tôi và các nhà khác thu gom số gạo ấy đưa về xã gửi đi cứu đói và cứu tế dân nghèo.

 

Sau đó “hũ gạo cứu đói” dần dà trở thành hũ gạo cứu quốc, nuôi quân. Tôi thấy nhà nhà tự giác vui vẻ thực hiện, “góp gió thành bão” mà đời sống của mình chẳng bị suy suyển gì.

 

Thế rồi, cuối tháng 9/1945, ngoài đình làng Phú Thuận có tiếng loa vang vang, mẹ và các chị tôi rủ nhau ra đấy. Tôi mới 13 tuổi cũng tò mò theo xem. Một cái thau to bóng loáng đặt trang trọng giữa bàn có trải khăn thật đẹp. Bên trên là bàn thờ Tổ quốc, có ảnh Cụ Hồ. Mẹ và các chị tôi vui vẻ tháo kiềng vàng, xuyến vàng, nhẫn vàng đặt vào đấy, có lẽ khoảng gần một lượng. Ba anh thư ký ngồi bên ghi tên, số lượng vàng và xin chữ ký người hiến. Thì ra, đó là Tuần lễ vàng. Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn dân đóng góp để cách mạng mua súng đạn cho chiến sĩ Vệ quốc quân bảo vệ Tổ quốc. Tôi vẫn còn nhớ câu ca dao:

 

“Đeo vàng đeo bạc nặng tay

Trong khi chiến sĩ đánh Tây chiến trường

Vàng đây, em gửi tình thương

Mua thêm súng đạn diệt phường xâm lăng...”

 

Xã Nguyễn Chi tôi chỉ là xã nhỏ có 4 thôn, khoảng 10 nghìn hộ với 40.000 người. Trong Tuần lễ vàng đã đóng góp hơn bảy lượng vàng và 8 nghìn bạc Đông Dương. Khi đó, toàn tỉnh góp được 8kg vàng và 350 nghìn bạc Đông Dương. Có câu chuyện cảm động trong thôn tôi: đôi vợ chồng trẻ mới cưới cùng vui vẻ đến tháo ra hai nhẫn cưới đóng góp cho cách mạng. Người chồng nói rằng anh đã ghi tên đi bộ đội, dặn cô vợ trẻ ở nhà chăm lo sản xuất...

 

Anh Nguyễn Thiền, một người trong nhóm thư ký của Ủy ban Cách mạng xã hồi đó kể lại: Cuối Tuần lễ vàng, Ban Tài chính cấp trên về các thôn ký nhận số vàng ấy đem nộp lên trên. Vì sau khi chính quyền về tay nhân dân, trong kho bạc Ngân hàng Pháp chỉ còn tiền rách và chẳng được bao nhiêu mà cách mạng ta hồi đó cần phải chi tiêu rất nhiều thứ. Chẳng hạn, từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở ra, tướng Lư Hán đem 20 vạn Tàu Tưởng vào tước khí giới phát xít Nhật. Ta mới giành chính quyền mà chúng ở lỳ lại Việt Nam thì nguy to cho ta lắm. Chúng lại còn xúi giục bọn Việt quốc, Việt cách phá rối ta nữa. Chính phủ cách mạng lâm thời cần có nhiều vàng để mua vũ khí.

 

Sau Tuần lễ vàng ít lâu, nhân dân xã tôi lại tham gia lạc quyên “quỹ Độc lập” làm “Tuần lễ đồng”. Nhà nhà hưởng ứng lời Hồ Chủ tịch, hăng hái đem nồi đồng, mâm thau, đồ thờ... đi đóng góp để công binh sản xuất đạn dược chống giặc ngoại xâm. Hồi đó cha mẹ và các anh chị tôi khuân vác hai bộ lư đèn, nồi lớn nồi bé đóng góp hơn 50kg đồng. Sau tuần lễ lạc quyên, xã tôi đã gom lại hơn 1.600kg đồng các loại, nộp lên cấp trên (trang 195 địa chí Phú Yên có ghi sơ lược).

 

Tôi còn nghe nói trong muôn vàn khó khăn hồi đó, Hồ Chủ tịch đã sáng suốt tiên liệu giặc Pháp sẽ chiếm nước ta lần nữa. Trong tình thế cách mạng còn non yếu thế tất phải lấy miền núi làm chỗ dựa để kháng chiến lâu dài. Mà ở miền núi quý nhất chưa phải hạt cơm hạt gạo mà là hạt muối. Cụ dặn các tỉnh mua thật nhiều muối của nông dân đem lên chiến khu. Quả nhiên, sau đó chẳng bao lâu giặc lấn chiếm dần... Ở vùng bị chiếm, cách mạng rút lên núi. Lúc này khó liên lạc với miền xuôi. Cán bộ cách mạng đến nhà đồng bào dân tộc thiểu số tặng họ một chén muối, thật không có gì quý hóa bằng! Hồi đó, ở lâu trên núi, muối dự trữ cũng cạn dần. Cán bộ giao liên kể lại: Đi công tác được nhận vài hạt muối, bỏ vào vỏ chai nhị thiên đường. Lúc mệt, lấy cái tăm nhúng vào và mút một chút.

 

Hồi 9 năm kháng chiến, dân quê tôi còn bị một năm đói: giặc ném bom nổ sập cầu máng Đồng Bò. Anh “thầy ca dao Nguyên Hồ” đã thốt ra câu:

 

“Thằng Tây phá móng, phá lù

Nước mương rút xuống, căm thù trào lên”...

 

Thế đấy, gian khổ là như vậy, nhưng dân quê tôi vẫn quật cường chiến thắng để có ngày hôm nay...

 

Với hồi ức tuổi thơ, tôi đã chứng kiến và nghe kể bao nhiêu điều. Bây giờ nhắc lại để con cháu biết: giành được độc lập, tự do cho mảnh đất quê hương không phải dễ dàng.

 

Dưới lớp đất này đã thấm đẫm bao nhiêu xương máu liệt sĩ và mồ hôi nước mắt cha ông. Ta phải trân trọng giữ gìn hơn bất cứ quý vật nào. Để ra sức bảo vệ và xây dựng, ta không xao lãng giây phút nào để làm cho quê hương Phú Yên ta thêm mạnh, thêm giàu...

 

NGÔ SAO KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú Lâm thời ấy và bây giờ
Thứ Năm, 24/03/2011 10:00 SA
Giấc mơ đã trở thành hiện thực
Thứ Năm, 24/03/2011 07:00 SA
Chóp Chài đội mũ!
Thứ Tư, 23/03/2011 10:10 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek