Thứ Bảy, 21/09/2024 21:56 CH
Gieo chữ vùng cao
Thứ Sáu, 25/03/2011 10:18 SA

Cơm lúa rẫy còn thơm mùi ký ức/ Vững niềm tin luôn tìm cách vươn lên 

Bước đầu đời ai mà không khập khiễng/ Nhờ buôn làng dìu dắt lúc chông chênh

 

Thế hệ chúng tôi bước vào đời sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Từ thời học trò tôi đã ước mơ sau này trở thành cô giáo đứng trên bục giảng và suốt đời gắn bó với tuổi thơ, lớp học, sân trường.

 

song-hinh110325.jpg

Giờ học của học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Sông Hinh - Ảnh: M.THÚY

 

Rồi tôi cũng trở thành cô giáo, nhưng không phải như hình ảnh mình ước mơ, suy tưởng trước đó. Đầu năm 1976 tôi được phòng Giáo dục huyện Tây Sơn, Phú Khánh điều động về dạy học tại xã Ea Bá (thuộc huyện Sông Hinh tỉnh Phú Yên ngày nay), là một trong 4 xã vùng cao của bà con dân tộc Ê Đê, Chăm H’Roi sinh sống, nằm phía hữu ngạn sông Ba giáp ranh tỉnh Đắk Lắk. Từ huyện về nơi công tác phải vượt sông Ba, đi bộ hơn 30km đường rừng. Lần đầu tiên trong đời đi bộ vượt suối, băng rừng với nhiều nguy hiểm. Sau gần một ngày đi đường chúng tôi đến nơi với sự ngỡ ngàng, ngỡ ngàng đến dao động. Nhà cửa bà con là những nhà sàn đơn sơ, mái lợp, líp dừng còn mới, rừng bao sát ven làng, khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi chưa có một ngôi trường hay lớp học nào cả, lác đác một vài em nhỏ nép sau lưng mẹ nhìn người lạ với vẻ sợ sệt… Đứng trước cảnh hiu quạnh bao trùm, tôi thầm hỏi lòng “không biết mình sẽ chịu đựng được bao lâu!”. Buổi tối hôm sau tất cả anh em giáo viên ngồi quây quần quanh bếp lửa trên nhà sàn vừa ăn sắn lùi vừa họp hội đồng triển khai công tác. Rồi thầy và trò cùng nhau vào rừng chặt cây, cắt tranh về dựng lớp học và nhà ở cho giáo viên, làm bàn ghế tạm thời bằng bất cứ vật liệu gì có thể. Bà con trong buôn thay phiên nhau vượt rừng về huyện gùi sách vở, học cụ lên cho các em học. Năm sau tiếp tục về khiêng bàn ghế học sinh, thật là “của một đồng, công một lượng”.

 

Bước đầu các em chưa ham thích việc học, nhiều em một bữa đi học vài ba bữa bỏ lớp, thầy cô phải đến từng nhà vận động. Có trường hợp khi thấy thầy cô đến nhà thì các em chạy trốn, hoặc các em tự nói với nhau “tao không thích đi học đâu, cái chữ không đuổi được con chim ăn lúa nhà tao”. Phần lớn các em chưa hiểu nhiều tiếng Kinh nên thầy cô phải đến tận nương rẫy học tiếng Ê Đê để phục vụ cho giảng dạy. Ngày đó giáo viên không chỉ dạy học mà còn phụ giúp bà con nhiều việc khác như may vá, nấu ăn, cắt tóc và cả chăm sóc sức khỏe.

 

Song song với việc dạy chương trình phổ thông là công tác xóa mù chữ vào ban đêm cho các anh, các chị, các Ma, các Mí (Ma: Cha, Mí: Mẹ). Lớp học không phải là địa điểm cố định mà là bất cứ chỗ nào có thể tập trung thuận tiện nhất. Giáo viên đến lớp vai mang ba lô, trong đó đựng tấm bảng simili, vài quyển sách giáo khoa, tay xách chiếc đèn bão. Vất vả hơn là lúc vào mùa thu hoạch, bà con ở hẳn ngoài rẫy nhiều ngày, giáo viên cũng ra rẫy với bà con, ban ngày phụ giúp gặt lúa, ban đêm dạy chữ. Cùng làm, cùng ăn, cùng ở với bà con, chúng tôi trở thành những người khỏe mạnh, lao động tốt, chịu thương chịu khó lúc nào không hay. Những “tiểu thư” thành phố nay đã biết mang gùi, đập lúa, không sợ nắng sạm màu da, miễn sao mỗi ngày bà con có thêm chữ là chúng tôi có thêm niềm vui.

 

Từ tâm huyết nghề nghiệp và nhiệt huyết tuổi trẻ, chúng tôi đến với bà con, với học trò bằng trái tim và tấm lòng của mình nên được bà con cưu mang giúp chúng tôi vượt được giai đoạn khó khăn ấy. Bây giờ đôi khi hoài niệm lại cái thời “nắm muối lá giang” mà tình yêu thật đầy đặn - tình yêu đồng nghiệp, tình yêu buôn làng, tình yêu thầy trò… như một sự mầu nhiệm giúp mình chịu đựng tới cùng. Nghĩ mà tự phục mình: Lương thực mỗi tháng 13kg với 60% gạo + 40% mì độn mà phải về huyện cõng lên, nên chúng tôi thương lượng với ngành lương thực nhận số lúa tương đương (hơn 10kg) tại kho lương thực Ea Bá rồi nhờ bà con giã hộ, nhưng cũng chỉ đủ ăn 10 ngày, thời gian còn lại bám vào bà con bằng cách này, cách khác! Các hàng nhu yếu phẩm khác thì về huyện mua, riêng tiêu chuẩn thịt 0,3kg/tháng thì để dồn vài ba tháng mua một lần, chỉ mua toàn thịt mỡ rồi thắng thành mỡ nước để dành ăn nhiều ngày. Bột ngọt, cá khô, mỡ và muối cộng với rau, măng rừng làm thành bản trường ca mấy năm liền.

 

Cực nhất là mùa mưa về, gió núi lạnh cắt da, buôn làng chìm trong sương mù dày đặc, nước lũ từ các khe núi đổ về suối thành cuồng lưu gầm thét cùng với tiếng rít của gió, mỗi buôn làng là một hòn đảo nằm giữa các dòng suối mênh mông nước, có khi mưa gió kéo dài cắt đứt đường về huyện nếu hết muối đành phải ăn lạt. Nhưng mỗi tối giáo viên vẫn cầm đuốc đến điểm tập trung để dạy học. Khắc phục khó khăn vật chất rồi còn phải đối đầu với bệnh sốt rét và đôi khi Foulro rập rình đâu đó.

 

Cuộc sống cứ thế mà thích nghi, công việc cứ thế mà phát triển, năm đầu có lớp 1 phổ thông, năm sau có lớp 2 rồi lớp 3… đến năm 1980 thì hoàn tất công tác xóa mù chữ, xã Ea Bá được công nhận là xã đi đầu công tác xóa mù chữ trong cụm các xã đồng bào dân tộc phía Nam huyện Tây Sơn (Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol của huyện Sông Hinh).

 

Mùa hè 1980 tôi giã từ buôn làng về công tác ở miền xuôi trong niềm lưu luyến bà con, học trò từ thuở a, b… bây giờ đã học ngữ pháp và làm toán 4 phép tính, lòng tôi thật xúc động trước những đôi mắt ngày nào trốn học nay đã thành học trò giỏi ham học đến tiễn cô giáo về quê trong niềm bịn rịn, tạm biệt các Ma, Mí với lời cám ơn và hứa sẽ trở lại thăm.

 

Nhưng rồi công việc cứ cuốn hút mình luôn đi về phía trước với bao nhiêu điều: Đi học đại học để nâng cao trình độ, rồi chồng con và gia đình, nhiều năm trôi qua vẫn chưa về thăm được, đôi khi nghĩ đến thấy mình thật có lỗi.

 

Đến năm 1985 đọc tin thấy huyện Sông Hinh được thành lập gồm các xã phía nam của huyện Tây Sơn, lòng thật vui mừng. Mãi đến những năm gần đây tôi mới về thăm được chốn xưa. Điều vui mừng đầu tiên là được nhìn thấy buôn làng thay đổi ngoài tưởng tượng của mình, nhà cửa khang trang, đời sống bà con có của ăn của để, ĐT645 từ Tuy Hòa đi Ea Kar (Đắk Lắk) chạy ngang qua Tân Lập tạo nên những khu dân cư sầm uất, vệ tinh cho các vùng lân cận. Đường bê tông chạy vào buôn làng, điện về đến tận nơi xa xôi nhất, trường học đàng hoàng, học trò áo quần tươm tất và lanh lợi, và điều vui mừng lớn hơn hết là thế hệ học trò những năm đầu giải phóng bây giờ đã trưởng thành, nhiều em là cán bộ chủ chốt của huyện, của xã, một số em làm công tác khoa học. Các em đã kế thừa sự nghiệp của cha, anh bằng trình độ được đào tạo căn bản từ những con chữ khổ cực năm nào.

 

Chúng tôi, những người gieo chữ năm xưa rất hạnh phúc khi thấy con chữ mình gieo đã đơm bông kết trái làm nhiều lợi ích cho đời.

 

Bây giờ các em có nhiều điều kiện tiếp xúc khoa học, giao lưu rộng rãi và nhiều lợi thế khác để cầu tiến. Hy vọng bằng tình yêu quê hương cộng với trình độ sẵn có các em sẽ đem hết năng lực của mình, kết hợp với tính siêng năng cần cù và khát vọng làm giàu của bà con đưa buôn làng Ea Bá cùng với huyện Sông Hinh tiến lên thành huyện giàu đẹp và văn minh hơn nữa để xứng đáng là cửa ngõ miền Tây nhiều tiềm năng của tỉnh Phú Yên trong dòng lịch sử 400 năm.

 

DIỄM PHÚC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giấc mơ đã trở thành hiện thực
Thứ Sáu, 25/03/2011 07:18 SA
Phú Lâm thời ấy và bây giờ
Thứ Năm, 24/03/2011 10:00 SA
Giấc mơ đã trở thành hiện thực
Thứ Năm, 24/03/2011 07:00 SA
Chóp Chài đội mũ!
Thứ Tư, 23/03/2011 10:10 SA
Mù sương phố núi
Thứ Ba, 22/03/2011 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek