Thứ Bảy, 21/09/2024 21:54 CH
Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 (Tiếp theo kỳ trước)
Giấc mơ đã trở thành hiện thực
Thứ Năm, 24/03/2011 07:00 SA

(Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ nhất trong thời kỳ chống Mỹ để triển khai nghị quyết 15 của Trung ương) 

 

Về cuối đông trời lành lạnh. Những đám mây xám xịt lảng vảng trên đầu núi nhiều ngày nay song chẳng ai quan tâm đến thời tiết khó chịu này, vì hiển nhiên mọi người đang sống trong cảnh dầu xôi lửa bỏng.

 

Nỗi buồn hoang vắng, trống trải từng giờ, từng phút ập đến với họ trong cơn thịnh nộ, phẫn uất đến cực độ đối với chế độ Mỹ - Diệm xuất phát từ gan ruột.

 

Ánh mắt của tôi nhìn mung lung qua những cánh đồng, qua những thôn xóm nghèo xơ xác, qua những con đường vắng vẻ. Dưới ấy tất cả đều phủ một màu đen, mưa dầm và gió chướng. Dường như trời cũng động lòng rơi nước mắt.

 

Còn vài hôm nữa tết đến mà bọn chúng cứ lê máy chém “dạo rông” khắp nơi. Súng vẫn nổ, bọn liên gia, ấp trưởng, dân vệ, lính bảo vệ cứ rình rập, lùng sục suốt ngày đêm. Lệnh cấm nghiêm ngặt mọi người không được “quần tam tụ ngũ”, hạn chế hợp chợ, kiểm soát ghe đò qua sông, thậm chí chúng tốc cả váy và bao vú đàn bà xem thử có dấu “truyền đơn” hay không? Thử có Việt cộng nằm vùng về ăn tết hay không? Hễ khả nghi dù tượng phật trong chùa chúng cũng chẳng từ.

 

Các đồng chí cán bộ hoạt động ở miền đồng bằng nằm trong vùng địch tuy căng thẳng, cuộc sống “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng có cơ sở đùm bọc che chở. Cái ăn cái mặc đỡ lo. Đối với cán bộ được phân công tác ở miền núi ít căng thẳng hơn đồng bằng nhưng cái khổ thì khỏi phải nói: đói cơm, lạt muối, áo vá quần nai, bụng to, da vàng, sưng lách… Có những lúc muốn tìm cách lén về thăm nhà “kiếm chút đỉnh” nhưng lỡ có bề gì thì chẳng những bản thân bị kỷ luật mà còn liên lụy đến cả gia đình thôn xóm. Vì vậy mà chiều ba mươi tết, nhiều đồng chí ngồi trên đỉnh núi vời vợi nhìn xuống thấy mái nhà mình thấp thoáng dưới lũy tre làng lòng bồi hồi xao xuyến biết bao.

 

Với tôi thời gian đó chưa có gia đình, xa quê hương nhưng rất đồng cảm với những đồng chí đã có vợ con hoặc cha mẹ già. Trong giờ phút nghiêng ngả này còn ngồi trong lao chịu đựng sự thử thách quyết liệt với kẻ thù hay âm thầm mở cửa chờ đón người thân! Bỗng nhiên trong lòng tôi cảm xúc lạ lùng. Ngay trong đêm giao thừa, bên bếp lửa hồng, giữa sườn dốc Mò O cách thôn Kỳ Lộ, Suối Cối khoảng 300m đường chim bay, tôi đã viết xong bài thơ “Cảm xuân 59”.

 

Bài thơ này đã được Báo Phú Yên, Báo Thống Nhất, Báo Nhân Dân, Báo Văn Nghệ in từ cuối năm 1959. Tiếp sau đó được in chung với nhiều tác giả trong các tuyển tập thơ trung ương như: Tiếng hát miền Nam, Mùa xuân chiến sĩ, Đảng cho ta mùa xuân, Thơ chọn lọc miền Nam, miền Trung.

 

Đến nay bài thơ này vừa trọn năm mươi năm. Ngồi ngẫm lại cái thời trai trẻ của tôi cũng như bao đồng chí cùng lứa tuổi, cùng hoạt động với tôi trong giai đoạn ấy vẫn còn động lại trong bài thơ “Cảm xuân 59”.

 

Mười bốn năm rồi phải không anh?

Tóc lâm râm bạc mái đầu xanh

Chân đi đạp nát đường gai gốc

Ta lớn lên cùng cuộc đấu tranh

...

Năm tết rồi em năm tết qua

Rặng dừa trước ngõ phải đành xa

Ngồi trên đỉnh núi vời trông xuống

Thấp thoáng bờ tre ló nóc nhà

...

Anh em cán bộ giao liên trạm Ma Choi, Ma Dú chúng tôi đang họp chi bộ bên bờ suối Hà Đang thì gặp anh Năm Phổ Bí thư tỉnh cùng đi với một cậu bảo vệ trên đường ra Khu họp lần thứ II. Anh ghé trạm giao liên Ma Choi. Mừng quá! Chẳng mấy khi được gặp bí thư, trạm giao liên tổ chức đánh cá chiêu đãi.

 

Chờ anh Năm ăn uống nghỉ ngơi xong, tôi mới tìm cách “moi” ảnh tình hình có gì mới lạ không? Anh Năm Phổ mỉm cười, chẳng hé ra một điều gì cả. Anh chỉ góp một số ý về phong trào của địa phương và căn dặn một số công tác bảo mật đường dây mà thôi. Có lẽ ông này ngại mấy “cha nội” hay bép xép.

 

Tôi hỏi nhỏ với anh Năm:

 

- Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời rồi phải không anh Năm? Bọn tôi mừng quá anh ơi!

 

- Ai nói với cậu Nghị quyết 15 ra đời?

 

- Anh Năm! Tôi nghe mấy cậu cán bộ giao liên các đầu mối Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk nó kháo nhau anh ạ! Có không anh? Hay là bọn nó muốn quá nên bọn nói bậy? Bọn nó nói ở miền tây Quảng Ngãi, Quảng Nam và cả Gia Lai đã có nhiều vùng quần chúng nổi dậy giành chính quyền, Trung ương đang chuẩn bị làm đường vượt Trường Sơn nữa anh ạ!

 

Anh Năm trả lời:

 

- Chưa có gì đâu! Biết anh Năm giữ bí mật bọn tôi không hỏi tiếp.

 

Khoảng 10/1959, anh Trần Suyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy đi lên phía Đắk Lắk nghe đại diện Khu ủy Khu V truyền đạt trực tiếp Nghị quyết 15 cho tỉnh biết trước chủ động triển khai sớm cho kịp. Anh Sáu Suyền ghé vào trạm giao liên Thồ Lồ lấy người dẫn đường. Anh Sáu quyết định lấy anh Dung, anh Toại và tôi cùng đi.

 

Anh Sáu nghỉ lại một đêm, anh em chúng tôi đi thả lưới bắt cá làm lương khô cho ảnh.

Bọn tôi xúm lại vây quanh anh Sáu hỏi thăm tình hình.

 

- Anh Sáu! Cho bọn tôi biết cụ thể Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ta nghe anh?

Anh Suyền cười hiền hậu:

 

- Ủa? Các cậu nghe ở đâu?

 

- Thì bọn tôi nghe lõm bỏm mấy tháng rồi! Tin này từ Gia Lai chuyển xuống. Sao tỉnh ta chưa nghe rục rịch gì cả anh?

 

- Đi về hẵng hay!

 

Hôm trở về, Chi bộ mời anh ở lại một ngày “bồi dưỡng sức” sẽ xuống sau. Anh Sáu Suyền căn dặn:

 

- Vừa qua Chi bộ Thồ Lồ có chủ trương diệt ác, phá kiềm, vận động phương châm đấu tranh chống dồn dân giành quyền làm chủ với địch như vậy là đúng hướng. Biết vận dụng sách lược tranh thủ lôi kéo dân làng, phát động quần chúng, chủ động làm rẫy cách mạng để có lương thực dự trữ, bố phòng chống địch.

 

- Về công tác giao liên các cậu đảm bảo công tác an toàn. Sắp tới phải cố gắng hơn nữa, chuẩn bị lương thực, muối để đón khách, khách sẽ vào dồn dập liên tiếp đấy.

 

Đầu tháng 11/1959, tỉnh họp Hội nghị phổ biến Nghị quyết 15 tại Suối Heo (xã Phước Tân). Chi bộ Thồ Lồ cũng được mời đi dự họp. Một cuộc họp có tính chất lịch sử mà chỉ trên mười đại biểu gồm các đồng chí của huyện Sơn Hòa, Khu B về dự. Các huyện khác tỉnh phải trực tiếp đi truyền đạt. Cán bộ chủ chốt lúc ấy đến bây giờ chẳng còn mấy người. Huyện Đồng Xuân chỉ còn Tư Rề, Tuy Hòa chỉ còn Công Minh, Chín Cao, Bùi Tân, anh Nhật, Sông Cầu có anh Hai Tín phụ trách nhưng bị đứt liên lạc, Tuy An còn anh Hà Phùng.

 

Nội dung nghị quyết tôi đã học thuộc câu “Lấy sức mạnh quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

 

(Còn nữa)

Hồi ký VĂN CÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek