Chủ Nhật, 22/09/2024 00:43 SA
Chí Thán - quê hương anh hùng
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:00 SA

Còn nhớ một ngày tháng 11/1990, khi gà vừa gáy sáng, bố mẹ tôi đã thức dậy chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho một chuyến đi xa. Lơ mơ tỉnh giấc, chưa kịp hỏi, mẹ tôi đã lên tiếng: “Hôm nay nhà mình về Chí Thán giỗ bà nội!”. Hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in chuyến hành trình về quê nội hôm ấy và ký ức về một Chí Thán (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) anh hùng trong chiến tranh qua lời kể của cha ông còn theo tôi đến tận bây giờ.

 

chithan110312.jpg

Đường về thôn Chí Thán hôm nay. - Ảnh: N.HUY

 

Từ thị trấn Hai Riêng, cả gia đình tôi đèo nhau trên hai chiếc xe đạp, mất gần 3 giờ đồng hồ mới về đến thôn Chí Thán. Tôi nhớ lần đó bố chở tôi trên chiếc xe đạp màu xanh nhạt đã cũ, còn mẹ đi chiếc xe đạp mini màu đỏ của Trung Quốc, được xem là hàng quý của thị trấn Hai Riêng vào thời điểm ấy, theo sau. Đang mùa mưa, con đường đất dẫn về thôn Chí Thán khó đi hơn bởi những vũng nước ngập sâu và những đoạn dốc quanh co, trơn trượt. Hai bên đường chỉ toàn cây xanh và tiếng chim tu hú gọi nhau, hầu như không thấy một bóng người. Ngồi sau xe bố, chốc chốc tôi phải đứng hẳn lên hai thanh gác chân cho đỡ xóc, tay không quên xoa xoa vùng mông ê ẩm. Tuy nhiên, về đến đầu thôn Chí Thán mọi cảm giác mệt mỏi trong suốt hành trình dường như tan biến. Khi ấy lần đầu tiên, một đứa bé 7 tuổi như tôi được ngắm những cánh đồng lúa nước xanh mát trải dài và những khung cảnh vùng ven sông Ba đẹp y hệt trong các bài luận ở sách giáo khoa mô tả.

 

Vào đến nhà nội, đón chúng tôi có rất đông người thân trong gia đình và hàng xóm, ai nấy đều tay bắt mặt mừng. Cuối ngày hôm ấy, khi ráng chiều nhuộm đỏ bờ sông cũng là lúc mọi người quây quần bên nhau nhâm nhi ly rượu gạo cùng với món cá rối nấu mẳn quen thuộc của người dân chài thôn Chí Thán. Sau những thăm hỏi động viên nhau về cuộc mưu sinh, những người lớn tuổi trên chiếu rượu hôm ấy nhắc rất nhiều về những kỷ niệm thời kháng chiến chống Mỹ. Ngồi chung với nội tôi (Trần Lự, Bí thư Đảng ủy xã đầu tiên của Đức Bình Đông) còn có ông Nguyễn Xuân Long (ba Long), Phạm Minh (bảy Đầm), Nguyễn Châu, Phạm Thị Hồng... những người từng vào sinh ra tử với vùng đất Chí Thán. Ký ức về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt dường như vẫn cháy trong những đôi mắt đầy nếp nhăn tuổi tác, nhọc nhằn. Tôi ngồi bên nội vừa hóng chuyện, vừa tranh thủ thưởng thức món cá rối ngon lạ kỳ…

 

Chuyện kể về một trận đánh oai hùng trên đất Chí Thán. Năm 1973, xác định địch được trang bị vũ khí tối tân và lực lượng đông hơn ta nhiều, nên Ban chỉ đạo kháng chiến, Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Tây Nam (cũ) cùng lực lượng du kích tại thôn Chí Thán đã chia ra làm hai mũi tấn công nhằm đánh lạc hướng và phân chia lực lượng của địch. Mũi thứ nhất tấn công vào buôn Quang Dù, mũi thứ hai tấn công vào thôn Mã Vôi. Mặc dù địch được hỗ trợ của các chiến hào, quan sát thuận lợi hơn và lực lượng kháng chiến cũng có một số đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhưng với sự dũng cảm, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng, cả hai mũi tấn công đều làm cho quân địch hoảng sợ và gây ra những thiệt hại nặng nề cho quân địch. Ông Nguyễn Xuân Long, người từng làm mũi phó mũi tấn công thôn Mã Vôi khi ấy, vừa kể chuyện, vừa chỉ tay về hướng thôn Mã Vôi, đâu là Quang Dù, địch hướng nào, ta hướng nào… làm câu chuyện kháng chiến năm xưa của cha ông như càng thêm sinh động, khiến tôi nhớ mãi.

 

Khi những câu chuyện chiến tranh vừa dứt, với suy nghĩ của một đứa trẻ chưa bao giờ được gặp mặt bà nội, tôi không ngần ngại hỏi ông nội: “Thế hồi đó bà nội cũng bị giặc bắn chết hả ông?”. Không vội trả lời, nội chậm rãi kể: Năm 1960, trong khi tham gia cách mạng, một lần nội bị giặc bắt. Vì không đủ chứng cứ buộc tội nên chúng phải thả nội ra, nhưng sau đó theo dõi gắt gao. Để dễ dàng trong việc hoạt động cách mạng, nội đã có một quyết định rất khó khăn là đưa cả nhà lên núi, khi đó là những ngọn núi cao thuộc xã Hà Roi (nay là xã Sông Hinh). Trong những ngày gian khổ ấy, bà nội tôi đã qua đời, khiến bố tôi và các cô chú mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ. Đến đây, mọi người ai nấy đều cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của nội. Nhưng chiến tranh luôn khiến cho mỗi người phải có những quyết định mang tính sống còn. Với nội và những người đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, sự hy sinh cá nhân đã được đền đáp một cách xứng đáng, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

 

Nội tôi và những người cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ với ông, bây giờ đã lần lượt về cõi vĩnh hằng, nhưng lịch sử vẫn mãi ghi danh họ, những con người đã đóng góp một phần xương máu cho Tổ quốc. Thôn Chí Thán vì thế vẫn được mọi người biết đến như một trong những cái nôi của phòng trào cách mạng của huyện Sông Hinh. Năm 2010, xã Đức Bình (nay là Đức Bình Đông và Đức Bình Tây) đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó như một lời nhắc nhở với các thế hệ con cháu phấn đấu vượt qua những khó khăn để phát triển kinh tế, xứng danh là một vùng đất anh hùng trong thời chiến và cả trong thời bình. Anh Nguyễn Đình Quốc, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, một người con của thôn Chí Thán, cho biết: “Dù ở thế hệ nào đi nữa, Chí Thán vẫn luôn là tấm gương và là điểm tựa về tinh thần cho các thế hệ trẻ của xã Đức Bình Đông vươn lên trong cuộc sống và phát triển về kinh tế, xã hội”.

 

Đường về Chí Thán hôm nay dễ dàng hơn trước rất nhiều, bởi con đường đất lầy lội, lởm chởm năm nào đã được trải nhựa và từ đó rẽ ra nhiều nhánh đường bê tông vào đến cổng nhà. Người ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng mía, sắn đang mùa thu hoạch và những đàn bò no cỏ. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự quyết tâm của nhân dân và Đảng bộ xã Đức Bình Đông nói chung và thôn Chí Thán nói riêng mà các chỉ tiêu về kinh tế trong những năm qua đều đạt được những con số ấn tượng. Chí Thán đã góp phần không nhỏ để tổng giá trị sản xuất các ngành trong năm 2010 của Đức Bình Đông đạt 59 tỉ đồng (đạt 107% so với kế hoạch); tổng diện tích gieo trồng thực hiện 3.003 ha (đạt 108% so với kế hoạch); tỉ lệ hộ nghèo hiện nay giảm 2% so với năm 2009.

 

Dù đang xa quê và chưa đóng góp gì nhiều cho quê hương, nhưng Chí Thán vẫn luôn trong tim tôi. Đó không chỉ là vùng đất đã in một phần xương máu của các thế hệ cha ông mà còn là nơi tôi đã gửi gắm nhiều ký ức đẹp về tuổi thơ.

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek