Chủ Nhật, 22/09/2024 00:20 SA
Truyền thống chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Phú Yên trước năm 1945 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 12/03/2011 09:00 SA

Từ đó, Tây Nguyên và cả miền Tây các tỉnh Duyên hải miền Trung đều thuộc quyền bảo hộ của thực dân Pháp.

 

Ở miền Tây Phú Yên, ngày 15/2/1900, toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập đại lý hành chính Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), Ma-đơ-răk (huyện miền núi Đăclăk giáp với miền Tây Phú Yên). Đồng bào các xã Ebia, Eba, Etrol, Nam Sông Ba, trực thuộc công sứ tỉnh Đăclăk, do đồn trưởng quận Ma-đơ-răk kiểm soát. Đồng bào các xã dân tộc từ Bắc Sông Ba ra đến ga Mục Thịnh (giáp với huyện Vân Canh tỉnh Bình Định) do công sứ Phú Yên quản lý. Đồn trưởng đồn Tân An và đồn trưởng đồn La Hai kiểm soát. Riêng vùng Thồ Lồ, công sứ Bình Định giao cho đồn trưởng huyện Vân Canh kiểm soát.

 

Với chính sách mua chuộc, ve vãn, dụ dỗ, lừa gạt… dưới chiêu bài “đất Thượng của người Thượng”, chúng thẳng tay vơ vét, bóc lột, gây chia rẽ giữa đồng bào Thượng với đồng bào Thượng, giữa đồng bào Thượng với đồng bào Kinh.

 

Trước họa lớn của dân tộc, bè lũ phong kiến ươn hèn, vẫn cam tâm cúi đầu quy hàng giặc. Thế nhưng, nhân dân ta với tinh thần yêu nước, ý chí quật cường thà chết đứng còn hơn sống quỳ, lòng tự hào dân tộc sẵn un đúc từ lâu, lại trỗi dậy mạnh mẽ. Dòng máu con rồng cháu tiên không hề nhạt phai. Những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kế tiếp nổi lên khắp nơi trong nước, lúc bộc phát, lúc âm ỉ.

Chịu ảnh hưởng các phong trào yêu nước nói trên, vào thời điểm đó có cụ Ma Bí và cụ phó Đẩy (dân tộc Chăm-hơ-roi) sinh ra và lớn lên trên vùng rừng núi Đá Mài, đã cùng với một số chủ làng các buôn Suối Đá, Phước Tân, Mò O, Suối Trưởng lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống sưu, chống nạp thuế, chống đi phu làm đường, phát động quần chúng đấu tranh bất hợp tác với giặc Pháp.

 

Hai năm sau (1892) cũng ở mảnh đất này, có cụ Bá sự – một sĩ phu yêu nước người Kinh ở thôn Phú Xuân (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) gây dựng cơ sở, bắt mối liên lạc với đồng bào các dân tộc quanh vùng, phát động phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp.

Bước sang năm 1900, cuộc khởi nghĩa vũ trang của cụ Võ Trứ lại được phát triển lên một mức độ cao hơn. Cụ có tài thuyết phục và tập hợp đông đảo lực lượng quần chúng để ủng hộ phong trào. Đồng bào dân tộc các vùng cây Vùng, Phú Giang, làng len, làng Đồng, làng Thoại, làng Xí (xã Phú Mỡ), Suối Cát, Ma Kheo, Ma Quân (xã Thồ Lồ) đều kính phục và tin tưởng cụ. Lớp lớp thanh niên xung phong gia nhập nghĩa binh, trang bị đầy đủ vũ khí thô sơ, sẵn sàng lên đường chiến tiến quân đánh Pháp. Núi La Hiên và khu rừng Chăn băng đều là căn cứ địa để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.(1)

 

Hai cuộc khởi nghĩa do cụ Bá Sự và cụ Võ Trứ lãnh đạo đều bị thất bại. Thất bại vì đường lối, mục tiêu không rõ ràng, các chính sách không được cụ thể, thực lực không cân xứng. Đã thế mà lại còn nóng vội muốn đánh nhanh, thắng nhanh, mất cảnh giác, lộ bí mật để bộc lộ lực lượng.

 

Hai cuộc khởi nghĩa tuy không thành công nhưng các cụ đã nêu cao tấm gương anh dụng tuyệt vời, chiến đấu với giặc đến giọt máu cuối cùng, để lại tiếng thơm muôn thuở.

 

Nói về cuộc khởi nghĩa của cụ Võ Trứ, trong báo cáo của tên công sứ Phú Yên (Blain Ville) gởi cho khâm sứ Trung kỳ hồi ấy có đoạn viết: “Võ Trứ đến Phú Yên trong vòng hai năm, lúc đầu dựa vào người “Mọi” ở Thồ lồ, làng Xí, làng Đồng, làng Thoại, Phú Giang, Cây Vừng làm căn cứ la Hiên, sau mở rộng ra đến người An Nam. Ngày 15/5/1900, Võ Trứ kéo quân xuống Sông Cầu, có khoảng 600 người, gồm 200 người dân tộc thiểu số là đội quân chủ lực với vũ khí chủ yếu là dao rựa. Từ đó các làng Xí, làng Thoại, làng Đồng, làng Len… trở thành đối tượng đáng gờm của chúng. Song với một quê hương dám bình Tây nổi trống, dám đương đầu với cái chết vì chính nghĩa thì làm sao giặc Pháp có thể khuất phục được”.

 

Sau phong trào nổi dậy chống Pháp của cụ Võ Trứ, tiếp đến thanh niên yêu nước của làng Chăm Riêng bao vây giết gọn một trung đội lính do tên Quan hai người Pháp chỉ huy. Bà con làng Đồng, làng Len kể lại: “Sau khi cụ Võ Trứ bị Pháp giết, Pháp biết làng Thoại, làng Xí, làng Đồng, làng Len…” là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ, che chở nghĩa quân. Một hôm bọn Pháp hành quân hành quân lên, nhưng sợ các buôn nói trên, chúng không dám vào, mà kéo quân qua làng Chăm riêng cách đó vài cây số để nghỉ ngơi. Dân làng mật bàn với nhau:  tổ chức tiệc rượu khoảng 30 ché, chọn một số chị em có nhăn sắc ngồi tiếp rượu cho bọn chúng uống say sưa. Tất cả thanh niên cầm dao mác ra phục ngoài rừng. Cứ thả cho bọn quan lính ở trong đùa cợt với phụ nữ. Khi nào bọn chúng say bí tỉ, lực lượng thanh niên bất thần ập vào giết sạch, phi tang. Đúng như kế hoạch đã bàn, khi bọn chúng say sưa ngả nghiêng, đám thanh niên vũ trang ùa vào, quyết tóm gọn, giết gọn. Thế nhưng rủi thay trong đám lính có thằng Tây uống ít rượu, tỉnh cơn say đã tẩu thoát về tỉnh lỵ Sông Cầu cấp báo. Tên công sứ Phú Yên lệnh điều hai tiểu đội lính Pháp lên, định đốt phá, hủy diệt làng Chăm Riêng để trả thù. Thế nhưng làm gì chúng có thể tiêu diệt hết được một bộ tộc đang bừng bừng khí thế! Nước dòng suối Gấm có thể cạn, nhưng tinh thần yêu nước của đồng bào Chăm Riêng như cổ thụ đại ngàn, bốn mùa vẫn tươi tốt. Họ dự đoán biết trước nên đã chủ động có kế hoạch phân tán nhỏ từng hộ gia đình, sang ở các làng khác, để tránh khủng bố. Pháp có thể đốt buôn, phá rẫy, nhưng lòng người dân Chăm Riêng vẫn vững vàng như dỉnh núi La Hiên hùng vĩ.

 

(Còn nữa)

 

---------------------------

(1) Hiện còn cái hang Võ Trứ ở làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân và Sân Sĩ rèn đúc vũ khí thô sơ của Bá Sự tại buôn Suối Ré xã Đá Mài huyện Đồng Xuân.

 

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek