Chủ Nhật, 22/09/2024 00:28 SA
Thương lắm những chiếc cầu
Thứ Tư, 09/03/2011 10:00 SA

Mỗi người khi nhớ về Phú Yên đều có một vùng ký ức riêng để nhắc và nặng nợ. Với tôi, hình ảnh của những cây cầu quê hương đã trở thành một dấu ấn và là niềm thao thức đặc biệt.

 

songchua110309.jpg

Chiều sông Chùa. - Ảnh: K.DUY

 

NHỮNG CÂY CẦU TRONG KÝ ỨC

 

Người dân làng quê Lò Gõ (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) của tôi sinh ra và lớn lên bên những cây cầu bắc qua con mương nhỏ để dẫn vào nhà. Đó là những cây cầu được bắc vội bằng tre, có khi là cây cầu dừa, hoặc thân cây bạch đàn chông chênh một thanh sào làm tay vịn, trông khẳng khiu và mỏng manh lắm. Có người đi không quen, không những qua cầu bằng hai chân, mà cả bằng hai tay nữa, nên cầu mới có tên là cầu khỉ. Ngày còn nhỏ, nhìn cây cầu chênh vênh cạnh nhà, tôi chẳng dám qua. Mỗi lần đi học mẫu giáo là tôi phụng phịu đòi ba, má cõng qua cây cầu đó. Lần đầu tiên tự đi, tôi... rớt xuống mương, vùng vẫy một hồi, lóp ngóp bò vào đến bờ thì bụng đã đầy nước. Dần cũng quen, tôi bắt đầu tự đi qua cầu bằng cách ngồi lên cầu và nhích từng chút một. Rồi thì tôi cũng tự đi được bằng đôi chân trên những cây cầu khỉ một cách thành thạo. Thân cầu xù xì như những mảnh ghép của năm tháng đã qua, để lại màu nâu xỉn in hằn những dấu chân đi về.

 

Ngày ấy, vùng quê tôi còn nghèo, không có cầu bê tông, chỉ có những cây cầu khỉ chung thủy với mảnh đất này. Đi dọc con kênh Bắc hệ thống thủy nông Đồng Cam (mà người dân quê tôi quen gọi là kênh Lò Gõ) đi đâu cũng thấy bóng dáng khẳng khiu của những cây cầu chênh vênh trên sóng nước, đẹp đến lạ. Khi đó, tối nào, tôi cũng cùng đám bạn ra ngồi vắt vẻo trên cây cầu nhỏ xinh cạnh nhà. Đêm trăng sáng vằng vặc nơi miền quê, văng vẳng tiếng ru của má đưa em ngủ từ trong nhà vọng ra: “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời”… Cả bọn đong đưa thả chân xuống nước, đá những trảng lục bình hờ hững trôi ngang, gió hiu hiu thổi thấy quê hương yên bình quá đỗi.

 

Nhớ những mùa mưa, nước dâng ngập con mương, tràn ngập cả con đường vào nhà. Cây cầu khỉ bị nước ngập lâu ngày, trở nên trơn trợt. Lũ học trò chúng tôi mỗi lần đi học, một tay vịn thành cầu, tay kia cứ khư khư cặp đôi dép bên hông mà chẳng dám mang, sợ chẳng may trượt chân, bị nước cuốn.

 

Nhưng, đó là chuyện của những ngày tôi còn nhỏ, buổi trưa thường không ngủ, trốn mẹ ra cầu câu cua cùng lũ bạn trong xóm. Năm tôi lên lớp hai, nhiều gia đình trong xóm đã trở nên khá giả. Ba tôi mua lại chiếc xe máy 67 của một người bạn để đi làm trên xã và tiện chở má đi chợ lấy hàng về bán. Mọi người góp sức dựng lại cây cầu mới – một cây cầu được ghép bằng những thân gỗ bạch đàn chắc chắn, có lớp đất ruộng dày phủ lên trên bề mặt và có bốn cây cột chống ở bốn góc. Cứ cách khoảng năm ngôi nhà là lại có một cây cầu như thế mọc lên. Cây cầu được dựng chung cho nhiều hộ gia đình cùng sử dụng. Từ ngày có cây cầu mới, lũ nhóc chúng tôi không phải lo trời mưa đi học qua cầu trơn trợt, té ngã. Mọi người trong xóm cũng thi nhau tậu xe, chở gạch, sửa nhà. Trâu bò cũng được lùa qua cầu để sang cánh đồng bên kia gặm cỏ.

 

Thời đó, người dân quê chưa có nhiều kiến thức về vệ sinh môi trường, nên bất kể cái gì là rác, là đồ phế thải, họ đều tống xuống mương cho tiện. Vậy là nước cứ cuốn rác trôi cuồn cuộn, vậy là rác cứ thế mà vướng phải bốn chân cầu. Vì thế, ông nội tôi chiều nào cũng ra đứng trên cầu, lấy cây thọt vào chân cầu, đẩy cho rác trôi theo dòng nước cuốn.

 

Tối đến, ba tôi và những người đàn ông trong xóm hay trải chiếu trên cầu, làm chén trà, ly rượu bàn về chuyện đồng áng, chuyện xã, chuyện làng. Lũ nhóc chúng tôi thì ngồi đong đưa chân, tóe nước, bàn chuyện ngày mai sẽ chơi gì, câu cua hay là tán dép. Đêm đến, gió man mát, không gian tĩnh lặng, nghe được cả tiếng nước chảy dưới thân cầu róc rách. Từ ngày có cây cầu mới, xóm tôi thi vị và rộn rã hẳn lên.

 

NHỮNG CÂY CẦU HÔM NAY

 

Năm tôi lên lớp sáu, cả nhà chuyển xuống TX Tuy Hòa (bây giờ là TP Tuy Hòa) sống. Nhà mới của tôi là một căn phòng tập thể của Đài Phát thanh cũ, gần sông Chùa. Những năm 1998-1999, TX Tuy Hòa chưa có nhiều con đường, khu phố đẹp và hiện đại như bây giờ. Chiều nào, tôi cũng ra bờ sông Chùa, thả diều cùng lũ nhóc trong khu tập thể. Đường Bạch Đằng khang trang và đẹp đẽ bây giờ, ngày ấy là những bờ cát nhỏ nằm dọc theo sông. Nhà bên sông Chùa ngày ấy còn nghèo lắm, đa số là những ngôi nhà tạm bợ, mái lợp bằng lá dừa và bạt. Nhiều hộ gia đình còn nuôi heo và thả gà chạy loạn cả lên. Bờ bên kia sông Chùa là Bình Ngọc với những rặng tre xanh um và lác đác vài mái nhà đã ngả vàng. Không có cây cầu nào nối phía nam giữa bên này và bên kia. Chiều nào cũng có vài con thuyền chạy qua chạy lại chuyển hàng.

 

Khi đó cây cầu duy nhất nối liền hai bờ là cầu Đà Rằng. Cầu Đà Rằng rất dài và đẹp. Số tuổi của cầu còn nhiều gấp đôi số nhịp. Tôi thích đứng trên núi Nhạn, góc có cây si già nghiêng bóng để có thể nhìn được trọn vẹn cây cầu dài hai mươi mốt nhịp ấy. Xe cộ muốn lưu thông từ Bắc vào Nam phải đi qua cây cầu này. Cho nên, những lần muốn qua thăm cô giáo chủ nhiệm ở Phú Lâm, chúng tôi phải rướn người đạp xe thật nhanh để lội qua dòng phương tiện đông đúc trên cầu.

 

Năm tôi vào lớp 10 cũng là lúc cây cầu Đà Rằng mới trên tuyến tránh quốc lộ 1A được khởi công. Chỉ hơn 1 năm sau, cây cầu Đà Rằng mới cũng được hoàn thành. Mặc dù không hiểu mấy lời ba tôi đọc trên đài phát thanh rằng: “Đà Rằng, cây cầu không chỉ là mơ ước của bao người dân mà còn là động lực để thúc đẩy nền kinh tế Phú Yên phát triển. Nơi đây đang được tỉnh Phú Yên đầu tư xây dựng thành một vùng kinh tế trọng điểm với Khu công nghiệp Hòa Hiệp, sân bay Đông Tác, cảng Vũng Rô”, nhưng tôi cũng vui lắm vì quê hương mình đã có thêm một cây cầu dài và đẹp. Cho đến khi vào đại học, lần nào từ Sài Gòn về thăm nhà, mỗi lần xe đi ngang qua cầu Đà Rằng mới, lòng tôi lại rạo rực và tự hào: “Mình đang đi trên cây câu dài nhất miền Trung”.

 

Nhưng niềm vui chỉ thực sự vỡ òa trong tôi khi lần đầu được thong dong thả bộ trên cây cầu Hùng Vương mơ ước. Thật khó để nói hết cảm xúc khi đứng giữa lòng cầu, nhìn bốn bề đang dần đổi thay của quê hương: một bên là biển với những chuyến tàu ngược xuôi đánh bắt hải sản, một bên là thành phố thân yêu đang dần thay áo mới, ngày một hiện đại hơn, kìa là khu công nghiệp phía Nam thành phố đã bắt đầu thành hình… Hễ cứ nghĩ đến mỗi con đường, góc phố, dòng sông và cây cầu trên quê hương, tôi lại thấy lòng mình ấm lạ.

 

Thời sinh viên, cô bạn chung phòng trọ hay nói tôi nghe mơ ước về một cây cầu. Quê bạn, nơi miền Tây mênh mông sông nước, có được một chiếc cầu để nối nhịp đôi bờ luôn là một niềm mong mỏi thiết tha. Tôi chưa qua phà nên cũng không hiểu hết nỗi khổ của những chuyến phà ngày tết. Nhưng nhờ bạn, tôi biết mình thật may mắn vì đã có những cây cầu gắn bó suốt tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành. Bến phà Rạch Miễu quê cô bạn tôi giờ đây đã lộng lẫy xuất hiện một cây cầu như bạn từng ao ước… Bạn viết cho tôi trong niềm vui thấm đẫm trên từng con chữ: “Hạnh phúc làm sao khi đặt chân trên cây cầu mới xây, cảm giác dòng sông như thu lại dưới chân mình…”. Tôi vui chung trong niềm vui của bạn vì dòng sông Chùa đổ ra biển cũng đã thu lại dưới chân tôi mỗi lần đứng trên cầu Hùng Vương nhìn xuống. 

 

Trong những câu chuyện của bọn sinh viên xa quê chúng tôi, mỗi lần nhắc về đất Phú Yên là rất nhiều tin yêu lẫn tự hào. Tôi đã đọc đâu đó một lời nhắn trên facebook của một cô bạn rời Tuy Hòa đã lâu để ra Bắc cùng gia đình: “Về thăm quê đi mày, Tuy Hòa nay đẹp lắm”. Tôi đã nghe đâu đó những lời bàn luận của các bạn sinh viên Phú Yên vừa tốt nghiệp: “Nhất định phải về quê lập nghiệp và cống hiến”. Và tôi đã mời đầy tự tin những người bạn ở lớp đại học của mình: “Nhớ về Phú Yên chơi nhé”.

 

Tôi đã đi qua những cây cầu của tuổi thơ và đang bước trên những cây cầu khác của cuộc đời. Quê hương tôi rồi sẽ đổi thay, và nhiều hơn nữa những cây cầu sẽ mọc. Và chắc chắn những cây cầu ấy rồi sẽ nối liền những bờ vui với nhau, nối liền giữa ký ức và ước vọng về một vùng đất Phú cường Yên định.

 

HÀ KIỀU MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek