Chủ Nhật, 22/09/2024 00:05 SA
Phú Yên từ đầu thế kỷ XX đến khi có Đảng (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 10/03/2011 10:00 SA

Tầng lớp tiểu tư sản bao gồm đội ngũ tiểu thương, thợ thủ công, trí thức, học sinh tăng nhanh do quá trình mở rộng đầu tư mở mang các đô thị, phát triển kinh tế và giáo dục. Ở Phú Yên tầng lớp này được bổ sung liên tục qua quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đã hợp thành một tầng lớp khá đông đảo trong xã hội.

 

Số lượng sĩ phu, trí thức ở Phú Yên chiếm tỷ lệ nhỏ trong cư dân, vai trò xã hội chưa biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên, kể từ sau phong trào vận động Duy tân và chống siêu thuế, tầng lớp này ở Phú Yên đã có những thay đổi về nhận thức xã hội, xuất hiện xu hướng thoát ly ảnh hưởng văn hóa, giáo dục Nho giáo. Trong những năm đầu thế kỷ XX, đội ngũ trí thức Tân học bắt đầu hình thành ở Phú Yên.

 

Thợ thủ công thời kỳ này cũng có những thay đổi do tác động của chính sách khai thác, vơ vét hàng hóa để xuất khẩu, một bộ phận thợ thủ công tách khỏi khu vực sản xuất nông nghiệp đã được hình thành.

 

Thương nhân ở Phú Yên thời kỳ này chủ yếu là người Hoa. Đội ngũ tiểu thương người Việt chủ yếu buôn bán nhỏ ở khu vực nông thôn và thành thị, việc buôn bán gắn liền với sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và ngư nghiệp. Tuy vậy, trong thời kỳ này, một bộ phận nhỏ bắt đầu tách ra khỏi lĩnh vực sản xuất trên, hoạt động độc lập trong lĩnh vực thương nghiệp.

 

Với chính sách khai thác thuộc địa và bóc lột của thực dân Pháp, đời sống của nhân dân, nhất là của nông dân Phú Yên ngày càng bị bần cùng hóa. Nguyên nhân cơ bản là do nạn chiếm hữu ruộng đất của địa chủ ngày càng trầm trọng hơn cùng với việc thỏa mãn nhu cầu nhân công ngày càng lớn của công cuộc khai thác thuộc địa quy mô lớn, thực dân Pháp ngày càng xúc tiến việc bần cùng hóa nông dân bằng mọi thủ đoạn. Chúng phát triển các loại thuế trực thu và gián thu, vơ vét lúa gạo xuất khẩu. Cùng với sự chuyển biến về kinh tế đã nêu trên, các tầng lớp, giai cấp trong dân cư Phú Yên cũng có sự biến đổi và theo đó là sự phân hóa trong đời sống, mặc dù sự biến đổi diễn ra chậm chạp.

 

4. Văn hóa, xã hội ở Phú Yên thời kỳ này có sự chuyển biến rõ rệt

 

Trong giai đoạn này, Phú Yên có sự tồn tại giao thoa, cùng đan xen văn hóa truyền thống với văn hóa phương Tây; văn hóa nô dịch của tư sản thực dân với một nền văn hóa mới đang nảy sinh và dần dần phát triển, đặc biệt là ở những trung tâm lớn như tỉnh lỵ, phủ lỵ, huyện lỵ.

 

Về tồn giáo, cùng với sự phát triển của Phật giáo, Công giáo, đạo Cao Đài đã du nhập vào Phú Yên. Với giáo lý phần nào đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người lao động, đạo Cao Đài đã thu hút được một lực lượng quần chúng mà chủ yếu là nông dân tham gia, đông nhất là ở các địa phương Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa.

 

Văn học chữ viết đầu thế kỷ XX ở Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng bắt đầu chuyển sang dùng chữ quốc ngữ. Đa số các nhà văn dùng chữ quốc ngữ để sáng tác. Hoạt động của những trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, đã thu hút nhiều trí thức trẻ của các tỉnh tham gia, trong đó có Phú Yên.

 

Giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN VĂN NHẬT

Viện trưởng Viện Sử học

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek