Chủ Nhật, 22/09/2024 00:01 SA
Nhịp sống mới ở làng biển Đông Tác
Thứ Sáu, 11/03/2011 09:00 SA

Nhiều năm nay, tôi như đứa con xa nhà, chỉ thỉnh thoảng ghé về Đông Tác khi có việc. Vậy mà, mỗi lần được về với bà con nơi xóm chài này, được vùi chân trên bãi cát mịn êm, hít thở mùi vị tanh nồng quen thuộc của biển, nghe chuyện đời, chuyện nghề, cảm nhận những thay da đổi thịt từng ngày của xóm làng, tôi thấy lòng mình rộn lên bao niềm hạnh phúc.

 

nddt110311.jpg

Ngư dân Đông Tác tổ chức lễ cầu ngư. - Ảnh: P.OANH

 

Tôi trở lại làng biển Đông Tác một đêm trước ngày diễn ra lễ hội cầu ngư. Đã thành thông lệ, mùa lễ hội năm nào, các cụ già trong làng cũng gọi tôi về thăm lại làng xóm. “Nghề biển làng mình hai, ba năm rồi trúng lớn. Theo nguyện vọng của bà con, năm nay, ban lạch làng tổ chức lễ hội cầu ngư thật to, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, ghe thuyền tiếp tục ăn nên làm ra, mong cả làng được bình yên, no ấm mãi”- Bác Tám Long hào hứng cho tôi hay qua điện thoại.

 

Năm 1995, tôi rời Nha Trang ra Phú Yên với tâm trạng âu lo bởi nhiều điều lạ lẫm. Nhận công tác tại Đồn Biên phòng đóng quân ở Đông Tác, tôi trở thành công dân đất “Phú” ngay tại làng chài mà trong tiềm thức đã bị ám ảnh về sự heo hút qua những câu chuyện người thân kể trước đó.

 

Ngày ấy, để đến Đông tác, chỉ có một con đường duy nhất từ ngả ba trên quốc lộ 1A đi thẳng về hướng biển. Chiếc xe đạp cứ nhảy cọc cạch suốt ba cây số trên quãng đường đá cấp phối đầy cát bụi đưa tôi xuống những xóm làng nằm kề ven biển. Với diện tích hơn 2km2, phần lớn đất Đông Tác là những cồn cát hoang hóa với bạt ngàn rừng dương và gai bàn chải mọc dày trên mặt đất. Làng có hai cụm dân cư khá riêng biệt. Khu xóm cạnh bờ nam sông Đà Rằng là những chòm nhà ngói cũ, rêu phong, khuất dưới vườn dừa. Một cụm dân cư mới nằm bên khu rừng dương ở phía nam sân bay Đông Tác với vài chục căn nhà lụp xụp, tựa vào nhau bằng những bức vách bằng gỗ, ván ép chắp nối nhìn liêu xiêu, tạm bợ.

 

Thấy tôi lóng ngóng thăm dò tìm lối đi, một phụ nữ lớn tuổi chỉ tay về phía trước: “Ở đây không có đường sá gì đâu, cứ nhìn theo hướng nhà rồi bước qua hàng rào, lội qua cát mà đi, cẩn thận kẻo đạp gai bàn chải”. Tôi dắt xe đạp, hì hục lội qua những trảng cát lún ngập bàn chân, lần dò từng bước, né những hàng rào bàn chải giăng mắc dọc ngang mà thấm thía cụm từ “ốc đảo Đông Tác”. Buổi sáng đầy nắng nhưng mọi hoạt động ở đây dường như chùng lại, cả làng không mấy người ra biển. Trên một đoạn đường chạy ra bãi tắm, từng tốp những đứa trẻ mặt mũi nhem nhuốc đang ngụp lặn, vùi người trong cát. Đi vài chục mét, lại gặp một cụm vài người tụ tập bên những ly trà, chén rượu, mãi mê tranh cãi, luận bàn chuyện thời giá, cơm, áo, gạo tiền và muôn trùng những câu chuyện “lằng nhằng” trên trời dưới biển.

 

“Hồi đó, cuộc sống của bà con làng mình nhiều năm cứ ì ạch, lặng lẽ như vậy và chấp nhận thua kém, thiếu thốn. Không điện, không đường, làng  có đến 70% hộ nghèo và cũng chừng ấy gia đình sống trong những căn nhà tôn, vách ván xập xệ. Một năm có khi tới bốn, năm tháng thiếu ăn. Số dân nơi này đến hơn ba ngàn mà trẻ con đến trường đếm chưa hết bàn tay. Bọn nhỏ sinh ra nheo nhóc, rồi cứ vùi mình trong cát mà sống, mà lớn lên. Với chiều dài ven mép nước đến gần 3 cây số nhưng cả làng chỉ có vài chiếc xuồng nhỏ đi nghề câu, giăng lưới, làm mành trủ ven bờ. Một ít gia đình khá hơn thì gắn vào chiếc máy nhỏ, nhưng cũng chỉ đủ chạy loanh quanh với nghề giả cào”. Bên tách trà ấm nóng trước mặt sân lăng ông, ký ức về một thời khốn khó đã trỗi dậy trong tâm trí của mọi người. 

 

Năm 1996, chủ trương của Nhà nước về việc đầu tư cho hoạt động khai thác thủy sản đã bắt đầu đưa Đông Tác lên những bước phát triển từ nghề đánh cá truyền thống. Những hợp tác xã nghề cá của Đông Tác được hình thành với các tên: Quyết Tâm, Tân Thành, Quyết Thắng, Hải Phú. Trên cơ sở đồng vốn của Nhà nước đầu tư cho các dự án đánh bắt thủy sản, Đông Tác đã đóng mới được hơn hai mươi chiếc tàu công suất từ 60-90 mã lực, bắt đầu tiến quân ra ngư trường xa hơn. Những chuyến ra khơi trở về của ngư dân trong làng đã có khoang thuyền đầy cá. Bên cạnh cái ăn thường ngày, bà con cũng dành được một phần tích góp nhỏ. Mấy năm sau, các hợp tác xã nghề cá dần tan rã, ngư dân trong làng tự lập thành nhóm tổ, hùn vốn để đầu tư đóng mới tàu, tiếp tục vươn khơi. Những trại đóng tàu cũng được dựng lên ngay trên bờ biển Đông Tác.

 

Năm 2001, những chiếc tàu công suất lớn đầu tiên do ngư dân Đông Tác đóng đã ra đời. Thời điểm này, bà con cũng bắt đầu tiếp cận với nghề câu cá ngừ đại dương. Những chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên trên những tàu cá từ 45-90 mã lực. Đặc biệt, từ năm 2005 về sau, phong trào đóng tàu công suất lớn ở Đông Tác càng phát triển rầm rộ, ban đầu chỉ là chiếc 60 mã lực, sau tăng dần đến 90 rồi 160 mã lực. Hiện nay, làng có đến 80% số hộ sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Số tàu thuyền của Đông Tác đã có trên 240 chiếc với tổng công suất hơn 20 ngàn mã lực và khoảng 2.500 lao động chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương trên những con tàu xa bờ. Sản lượng khai thác thủy sản của Đông Tác đạt trên 10.000 tấn/năm. “Vừa học nghề, vừa làm, vừa mày mò tích lũy kinh nghiệm cùng sự bền bỉ, kiên trì quyết tâm bám biển, đến nay ngư dân Đông tác đã thực sự là những người thành công trong công cuộc chinh phục biển xa. Các anh Lương Công Đông, Lương Công Đồng, Trần Như, Nguyễn Văn Hùng cùng rất nhiều ngư dân Đông Tác đều có thu nhập từ 400-500 triệu đồng từ mỗi chuyến biển. Họ cũng nổi tiếng khắp đất nước và được vinh danh trong những hội nghị điển hình nông dân làm kinh tế giỏi”- Ông Đinh Tia, khu phố phó khu phố 6 (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) phấn khởi thổ lộ.

 

Những khao khát, ước mong một thời của người dân Đông Tác, giờ đã lần lượt có tất cả. Năm 1997, những trụ điện đầu tiên đã được dựng lên. Rồi, lần lượt, điện được kéo về tỏa sáng khắp khu phố. Con đường đá cấp phối nối từ Quốc lộ 1A xuống Đông Tác đã được Nhà nước đầu tư, trải nhựa bằng phẳng. Cũng từ nguồn vốn “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những con đường trong các ngõ xóm dần dần được tu sửa, nâng cấp bê tông, làm cho bộ mặt thôn xóm ngày một khang trang hơn. Khu vực bến cá một thời xơ xác, hoang vắng, đầy gai bàn chải đã phong quang hơn với xưởng đóng tàu có quy mô lớn, những trại thu mua cá ngừ đại dương, trạm cung cấp xăng dầu luôn tấp nập người đến. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe đông lạnh ra vào bến cảng để thu mua cá. Tiếng máy bơm dầu, bơm nước, máy xay đá ướp cá xoèn xoẹt suốt cả ngày khiến cho Đông Tác luôn rộn ràng như một công trường lớn.

 

Từ nhiều năm nay, những căn nhà vách ván, mái tôn, cót ép chắp nối đã gần như mất dạng. Cùng với những ngôi nhà ngói mới, nhà cao tầng được xây dựng lên là nhiều trang thiết bị của một cuộc sống hiện đại như ti vi, tủ lạnh, xe máy... Sự tiếp cận thông tin, những cuộc giao lưu, các hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra thường xuyên đã giúp cho tinh thần của bà con ngày càng phấn khởi, mở mang hơn. “Cũng gần mười năm qua Đông Tác không còn chuyện trẻ em bỏ học. Các thế hệ học sinh nơi đây đã lần lượt tốt nghiệp cấp hai, cấp ba rồi lên đại học. Mấy năm gần đây mỗi năm Đông tác có từ 30-40 học sinh đậu vào đại học. Đáng kể có những em có thành tích rất cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia” – Ông Đinh Tia tự hào khi khoe với tôi về thành quả vươn lên những đỉnh cao tri thức của người dân Đông Tác.

  

Đêm về khuya, tôi ngắm ánh đèn điện rực rỡ sắc màu được giăng lên khắp các ngả đường trong khu phố để chào đón lễ hội mà thấy bồi hồi. Nhớ những buổi tối ngày trước, tôi ngồi ở bến cá bên này, nhìn qua bờ Bắc sông Đà Rằng, lòng se lại khi nghe mấy em nhỏ bộc bạch niềm khao khát: “Chỉ 1 cây số đường chim bay, vậy mà bên này của mình tối đen không thấy mặt nhau. Nhìn bên kia đường phố sáng trưng, sao mà thèm có điện quá”. Mười lăm năm, Đông tác bây giờ không chỉ có đầy đủ những điều các em từng khao khát mà còn có cầu Hùng Vương nối liền bờ Bắc với bờ Nam sông Đà Rằng. “Từ Đông Tác qua trung tâm TP Tuy Hòa không đầy 10 phút chạy xe máy. Sân bay Đông Tác gần kề cũng hoạt động trở lại từ nhiều năm nay tạo điều kiện cho những chuyến đi ra bắc vào nam dễ dàng. Rồi, nay mai, những chuyến thu mua cá ngừ đại dương sẽ đi bằng đường hàng không. Lúc đó chuyện giao thương, buôn bán ở Đông Tác ngày càng thuận lợi hơn nhiều. Người dân Đông Tác lại có thêm điều kiện tốt để tiếp tục vươn lên hơn nữa và giàu có bền vững…”. Những câu chuyện đan xen từ quá khứ và hiện tại cùng những dự ước đầy phấn khởi về một ngày mai của Đông Tác trong đêm lễ hội này làm tôi vững tin: Đông tác sẽ còn tiếp tục vươn lên với những bước thật dài trong tương lai không xa.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek