Chủ Nhật, 22/09/2024 00:28 SA
Truyền thống chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Phú Yên trước năm 1945
Thứ Sáu, 11/03/2011 10:00 SA

LTS: Lá cờ Đảng Cộng sản phất phới trên bầu trời Phú Yên ngày 5/10/1930. Những người cộng sản cùng nhân dân Phú Yên đã viết tiếp bản hùng ca dựng nước, giữ nước, giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đó là trang sử rất vẻ vang trong bề dày lịch sử 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu những bài viết của các đồng chí cách mạng lão thành chứng nhân lịch sử...  chiêm nghiệm và đúc kết một giai đoạn lịch sử hào hùng. Mở đầu là loạt bài của đồng chí Cao Xuân Thiêm (nhà thơ Văn Công) - người gắn bó với tỉnh Phú Yên 66 năm qua, đã từng kinh qua các cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh.

 

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Phú Yên với tinh thần yêu nước nồng nàn và bản lĩnh kiên cường đã viết nên những trang sử vẻ vang góp phần xứng đáng vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

 

Dưới triều đại phong kiến, bọn vua quan gọi đồng bào dân tộc ít người là “man”. Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, thực dân Pháp gọi đồng bào các dân tộc ít người là “mọi”. Thế nhưng bọn chúng không thể ngờ rằng, khi có Đảng và Bác Hồ về, khi cả nước vùng lên giành độc lập, tự do, chính những người bị gọi là “man” hoặc “mọi” ấy, lại trở thành “những cánh ná thiên thần”, cùng với đồng bào cả nước đánh cho tơi bời, tan tác các thế lực phản động nhất, nhấn chìm cả thầy lẫn tớ xuống bùn đen vạn kiếp.

 

Một số tài liệu xưa để lại và không ít câu chuyện dân gian đã nói về truyền thống đấu tranh của đồng bào các dân tộc ít người miền Trung Trung bộ. Truyền thống oai hùng đó có cả đồng bào các dân tộc ít người miền Tây Phú Yên tham gia. Có nhiều sự kiện lịch sử đã minh chứng hùng hồn cho điều này.

 

Nhiều lần chúa Nguyễn cử đại quan chỉ huy các đạo quân hùng hùng, hổ hổ kéo từ Quảng Ngãi vào, phối hợp với hai phủ Quy Nhơn và Phú Yên đi đàn áp đồng bào các dân tộc ít người. Chúng hạ lệnh cho quân sĩ dưới trướng cấm chỉ miền xuôi quan hệ với miền ngược, người Kinh giao dịch với người “man” và đem quân lính đi cướp phá khắp nơi. Binh lính của chúng đi đến đâu đều vấp phải sự chống cự mãnh liệt của nhân dân địa phương đến đó.

 

Khi ngọn cờ đại nghĩa của Tây Sơn phấp phới bay, đồng bào dân tộc các huyện Đắc Bớt, An Khê, Vĩnh Thạnh – vốn là nguồn gốc bộ tộc Thồ Lồ đều đứng lên hưởng ứng. Đồng bào Chăm-hơ-roi, Ba Na ở các xã Đá Mài, Phú Mỡ cũng nhiệt tình hăng hái động viên bà con trong vùng đem trâu, bò, thóc gạo ủng hộ nghĩa quân. Các đạo quân của tướng Trần Phước Thành bị nghĩa quân Tây Sơn và dân binh địa phương đánh bại. Nhân dân các nguồn đứng lên tự lo liệu tổ chức phòng thủ. Họ tuyển chọn những người tài giỏi từ trong số thổ hào, thổ mục, để điều hành mọi công việc của buôn làng. Đến bây giờ, các vùng có nơi vẫn gọi những người đứng đầu là “chủ làng” hoặc “tù trưởng”.

 

Đầu năm 1773, trận đại thắng đầu tiên của quân Tây Sơn hạ thành Quy Nhơn diễn ra trong một đêm. Quan quân Chúa Nguyễn – một số bị bắt, bị giết, một số bỏ ấn tín chạy tháo thân vào Phú Yên. Đại quân Tây Sơn tiếp tục hành quân truy kích, đóng đại bản doanh tại khu vực đèo Xuân Đài, Gành Đỏ (xã Xuân Thọ huyện Sông Cầu). Đồng bào các xã Đá Mài, Phú Mỡ nghe đại quân Tây Sơn chiến thắng kẻ thù, liền báo tin cho nhau biết. Người góp công, người góp của, cử các già làng xuống trực tiếp nơi đóng quân của Nguyễn Huệ, chúc mừng và xin cho thanh niên được gia nhập nghĩa quân đánh giặc giữ làng.

 

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, quan quân nhà Nguyễn vẫn phải tiếp tục đối phó với các phong trào đấu tranh của nông dân khắp nơi. Quân nhà Nguyễn lùng sục đến đâu cũng đều vấp phải lối đánh du kích thiên biến vạn hóa, không sao lường nổi. Chúng vừa bị thương bị chết, vừa bị thiếu thốn trăm bề. Đã thế, lâu ngày ở miền núi, chúng còn bị sốt rét và đau ốm liên miên. Chịu không nổi cảnh rừng sâu nước độc, chúng chết dần chết mòn. Một số vất cung, tên, gươm giáo, tìm cách lẩn trốn về nhà, hoặc lần mò đến một nơi heo hút chẳng ai tìm ra để sống yên thên. Những chiếc lăng khiên làm bằng gỗ để đỡ tên hồi ấy, đồng bào Thồ Lồ vẫn còn giữ mãi đến bây giờ. Họ coi chúng như những báu vật của ông cha lưu lại, mà đàn con cháu phải bảo tồn không cho lọt vào tay bộ tộc khác.

 

Để bảo vệ ngai vàng thối nát của chúng, nhà Nguyễn đã cõng rắn cắn gà nhà, mở đường cho thực dân Pháp nhảy vào xâm lược nước ta. Tấm thảm kịch của người dân mất nước ngót gần thế kỷ bắt đầu từ đó. Sau hàng ước Giáp Thân (1884), thực dân Pháp chính thức chiếm nước ta và bắt đầu áp dụng chính sách “chia để trị”. Chúng chia cắt đất nước ta thành nhiều vùng, với nhiều chế độ chính trị khác nhau. Năm 1893, thực dân Pháp bắt buộc triều đình nhà Nguyễn để cho chúng tiếp tục nắm và kiểm soát trọn Tây Nguyên. Ngày 16/10/1898, Khâm sứ Trung kỳ Bu-lơ-sơ yêu cầu triều đình Huế để cho người Pháp độc quyền chính trị, kinh tế vùng Tây Nguyên. Triều đình Huế tuân theo lệnh chủ, nhận tất cả yêu sách của chúng.

 

(Còn nữa)

 

CAO XUÂN THIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek