Chủ Nhật, 22/09/2024 00:05 SA
Phú Yên từ đầu thế kỷ XX đến khi có Đảng (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 09/03/2011 09:00 SA

Thương nghiệp thực hiện chính sách độc quyền, về ngoại thương và nội thương, thực dân Pháp đặt các phòng quản lý xuất khẩu ở Xuân Đài và Cù Mông. Mọi hoạt động trao đổi buôn bán do nhà cầm quyền quyết định với những biểu thuế đặc biệt. Chính quyền thực dân chú ý đầu tư xây dựng cảng thị. Thời kỳ này Cù Mông và Vũng Lấm trở thành hải cảng “thương mại và xuất khẩu” quan trọng ở xứ Trung Kỳ.

 

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hoạt động ngoại thương ở Phú Yên không ngừng phát triển. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở Phú Yên trong thời kỳ này gồm gia súc, muối, đường mật, cau, dừa khô, da động vật, lúa gạo, cá khô, nước mắm, đồ gốm, gỗ và các loại đậu đỗ, trong đó mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất là gia súc mà chủ yếu là ngựa và trâu, bò.

 

Hàng hóa nhập khẩu trong thời kỳ này gồm cá khô và thịt muối, gạo, thóc, đồ gốm, trà, vải và chỉ tổng hợp, đồ gỗ... chủ yếu là từ Nam Kỳ. Ngoài ra, Phú Yên còn nhập khẩu một số mặt hàng như xi măng, sắt thép và những trang thiết bị phục vụ việc xây dựng cầu cống, công sở, dinh thự. Hầu hết những mặt hàng nhập khẩu đã qua chế biến, là sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại.

Trong thời kỳ này, hệ thống chợ ở Phú Yên phát triển rộng khắp từ tỉnh lỵ đến các xã, thôn và đã hình thành một số trung tâm giao dịch giữa các địa phương trong tỉnh. Theo thống kê, đến năm 1937, ở Phú Yên có khoảng 52 chợ, trong đó phủ Tuy An chiếm nhiều nhất với 23 chợ.

 

Thương mại Phú Yên thời kỳ này đã có những chuyển biến lớn, nhất là lĩnh vực ngoại thương. Sự phát triển của thương mại đã từng bước đưa Phú Yên hội nhập và giao lưu kinh tế với các vùng miền trong nước và khu vực Đông Nam Á. Mặt khác, hoạt động xuất nhập khẩu đã thúc đẩy giá trị của các sản phẩm thủ công nghiệp, nông nghiệp ngày càng tăng, góp phần kích thích phát triển sản xuất ở một số ngành của nền kinh tế Phú Yên.

 

Giao thông, vận tải của Phú Yên thời kỳ này được đầu tư và khá phát triển.

 

Về giao thông đường bộ, chính quyền thực dân tiếp tục tu sửa các con đường quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện và xây dựng hệ thống các cây cầu bê tông cốt sắt thay thế những cây cầu gỗ lạc hậu qua các sông lớn, như sông Cái (Tuy An), sông Đà Rằng, sông Con và sông Bàn Thạch, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ Phú Yên. Về tuyến đường liên tỉnh, đáng chú ý nhất là việc xây dựng con đường từ Tuy Hòa đi Cheo Reo (quốc lộ 25) nối tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên, cửa ngõ giao lưu và trao đổi, vận chuyển hàng hóa giữa vùng Tây Nguyên đến các cảng biển ở Phú Yên.

 

Đường thủy so với thời kỳ trước có nhiều chuyển biến. Đây là loại hình giao thông chính yếu ở Phú Yên trong giai đoạn này. Đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân đã đẩy mạnh đầu tư khai thác các cửa biển ở Phú Yên, phát triển quy mô cảng Cù Mông, Vũng Lấm, Sông Cầu trở thành các “cảng trung gian” vận chuyển hàng hóa không chỉ ở Việt Nam mà vươn ra tận khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

 

Đường sắt ở Phú Yên được khởi công năm 1928, nhưng mãi đến ngày 29/9/1936 mới hoàn thành và đi vào vận hành.

 

Về thông tin, liên lạc, chính quyền thực dân cho thành lập các bưu cục thay cho các trạm dịch để làm nhiệm vụ chuyển thư tín, công văn, bưu phẩm, tiền bạc. Đầu thế kỷ XX, toàn tỉnh Phú Yên có hai bưu cục lớn đặt ở Sông Cầu và Tuy Hòa và hai bưu cục nhỏ đặt tại Thạch Thành và Củng Sơn.

 

3. Trong 30 năm đầu thế kỷ XX, các giai tầng xã hội ở Phú Yên có nhiều biến đổi.

 

Giai cấp nông dân Phú Yên phân hóa mạnh mẽ với nhiều bộ phận, nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng tựu trung đều có cuộc sống cơ cực, thiếu tư liệu sản xuất. Một bộ phận rời bỏ nông thôn ra thành thị kiếm sống, bộ phận khác gia nhập tầng lớp tá điền lĩnh canh ruộng đất của địa chủ. Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý dân cư, thêm vào đó là những cơ sở kinh tế công nghiệp của Phú Yên kém phát triển nên giai cấp nông dân vẫn là thành phần chiếm đại đa số trong xã hội.

 

Tầng lớp phú nông phát triển rất chậm, lực lượng kinh tế nhỏ yếu và chịu sự chi phối nặng nề của các quan hệ sản xuất phong kiến trong nông nghiệp.

 

Giai cấp địa chủ cũng có sự phân hóa. Một số địa chủ có thế lực được sự che chở của thực dân Pháp đã phát triển lớn mạnh hơn trước, thông qua sự tập trung ngày càng cao ruộng đất và tư liệu sản xuất. Một số khác do tiềm lực kinh tế và thế lực chính trị còn yếu nên thế lực ngày càng bị suy giảm.

 

Giai cấp công nhân ra đời gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của tư bản Pháp, được hình thành từ bộ phận lao động làm thuê tự do ở đồn điền và thành thị. Thành phần công nhân ở Phú Yên bao gồm: công nhân đồn điền, công nhân các nhà máy, công nhân lao động ở công trường, công nhân làm thuê theo mùa vụ ở đô thị… Hầu hết công nhân ở Phú Yên xuất thân từ tầng lớp nông dân nên trình độ văn hóa thấp, chỉ một số ít được đào tạo kỹ thuật đơn giản trong nhà máy Đường Đồng Bò.

 

Giai cấp tư sản được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Dưới tác động của chính sách khai thác thuộc địa, tư sản ở Phú Yên bắt đầu tiến hành đầu tư kinh doanh, chủ yếu ở lĩnh vực thầu khoán và dịch vụ vận chuyển; ngoài ra một bộ phận mở các cửa hàng ở đô thị Tuy Hòa và Sông Cầu. Nhìn chung, tầng lớp tư sản ở Phú Yên đang trong quá trình tích lũy vốn, tiềm năng kinh tế còn nhỏ bé, nên chưa có khả năng mở những xí nghiệp hoặc công ty riêng.

 

(Còn nữa)

 

Giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN VĂN NHẬT

Viện trưởng Viện Sử học

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek