Thứ Bảy, 21/09/2024 23:58 CH
Khởi sắc Hòa Bình 2
Thứ Ba, 08/03/2011 10:00 SA

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, Phú Vinh (Hòa Bình 2) là huyện lỵ đầu tiên của huyện Tuy Hòa. Trùng hợp 394 năm sau, ngày 1/5/2005, Hòa Bình 2 lại là huyện lỵ huyện Tây Hòa (tách ra từ huyện Tuy Hòa).

 

tay-hoa-110308.jpg

Một góc thôn Phú Thứ (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa). – Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Năm Mậu Dần 1578, Lê Quang Hưng năm thứ nhất cử Trấn biên quan Quận công dinh Trấn Biên (Phú Yên ngày nay). Lương Văn Chánh, người Thanh Nghệ, tỉnh Thanh Hóa (*) nguyên Tri huyện huyện Tuy Viễn (Tuy Phước, Bình Định ngày nay) chiêu tập lưu dân miền Thuận Quảng  vào đây khai hoang lập ấp. Năm Tân Hợi 1611, tỉnh Phú Yên thành lập gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa (trong đó có Phú Vinh, tức xã Hòa Bình 2 tồn tại cho đến ngày nay).

 

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhân dân các làng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, của Việt Minh về cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Tin về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền thắng lợi ở tất cả các tỉnh, thành. Họ đã cùng với nhân dân khắp nơi nổi dậy mang cờ, gậy gộc biểu tình ngày 18/8/1945, xuống thị xã Tuy Hòa hô vang các khẩu hiệu chống thực dân, phong kiến. Đến ngày 23/8/1945 cuộc biểu tình thứ hai làm cho kẻ thù càng thêm hoảng hốt. Tại thôn Phước Thịnh, tên chánh tổng Võ Quang Khanh sợ hãi chạy trốn.

 

Ngày 25/8/1945 cuộc họp quan trọng gồm nhiều đại biểu cốt cán của 25 thôn được tổ chức tại nhà thương Phú Thứ, bầu ra Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tổng Hòa Lạc gồm 15 người, do đồng chí Lê Đồng làm chủ tịch (trong đó có tôi - Nguyễn Chu là ủy viên). Đồng chí Huỳnh Húc được cử làm Chủ tịch Ủy ban Việt Minh tổng Hòa Lạc. Sau đó, các làng bầu Ủy ban Việt Minh thôn, các đoàn thể và UBND thôn.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng: “Sắm vũ khí, đuổi thù chung”, nhân dân đã xây dựng các chướng ngại vật ở tỉnh lộ 1 (đường 5, ĐT645 ngày nay) bằng cách đắp các ụ đất trên đường, chặt cây ngã cản đường, đào hầm nanh sấu, chữ chi... Nhờ thế, đến ngày 26/8/1945, sau khi nhận thông báo cấp trên: “Có một đoàn xe Nhật chở lương thực từ thị xã Tuy Hòa lên tiếp tế Đồng Bò”, các làng huy động nhân dân ra phá đường, chặn xe. Ta đã chặn và làm cản trở đoàn xe 11 chiếc của quân Nhật chở gạo tiếp tế cho đồng bọn lên Nhà máy Đường Đồng Bò. Bọn chúng phải loay hoay dỡ ván các cầu và lấy ván đóng hòm của ông Hồ Bửu (nhà gần đường) để lát đường, củng cố lại những đoạn đường bị ta phá hoại với những lo lắng phập phồng và cảnh giác đề phòng ta tấn công. Các lò rèn trong xã ngày đêm lo rèn dao găm.

 

Ngày 2/9/1945, một số người dân xuống thị xã Tuy Hòa nghe phóng thanh lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch diệt ba thứ giặc: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Lúc này, cả nước chỉ có 5% dân số biết chữ. Tất cả người dân đều lao vào học bình dân học vụ. Đến năm 1948 xã Hòa Thắng (thuộc huyện Phú Hòa nay) là xã đầu tiên của tỉnh Phú Yên xóa nạn mù chữ. Rồi đến xã An Hòa, xã Hòa Bình… Thiếu dầu lửa, tối đến nhân dân đem đèn chai, đèn dầu cà ná, đèn dầu phộng đi học như hội hoa đăng.

 

Ngày 23/9/1945, quân Pháp núp dưới bóng quân Anh, quay lại xâm chiếm Nam Bộ. Đầu tháng 10/1945 thực dân Pháp tấn công ra Khánh Hòa, trực tiếp uy hiếp Phú Yên. Các đoàn quân Nam tiến đến Phú Yên. Đặc biệt, mờ sáng ngày mùng một Tết Bính Tuất (2/2/1946), nhân dân các làng Mỹ Lệ, Phú Thứ… mở cửa đón khách thể hiện sự nhường cơm sẻ áo với tấm lòng căm thù giặc sâu sắc. Nếu không có tình đồng đội, nghĩa đồng bào thì làm sao giải quyết hàng vạn bộ đội, hàng ngàn thương bệnh binh và nhân dân từ Khánh Hòa, Dốc Mõ theo đường tiến quân tản cư ra.

 

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không phân chia đảng phái, tôn giáo, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp cứu Tổ quốc, ai có súng thì dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc… Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”. Nhiều thanh niên các làng quê náo nức xung phong tòng quân giết giặc, quyết tâm kháng chiến.

 

Xã Hòa Bình là nơi các cơ quan huyện đứng chân, là nơi trú quân của các trung đoàn 80-83, 84 điều dưỡng, học tập, luyện tập và giúp đỡ cán bộ, nhân dân Khánh Hòa tản cư từ những ngày đầu kháng chiến, đã đăng cai mở trường Đảng Phạm Văn Đồng giúp đỡ các tỉnh cực Nam ra học tập.

 

Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận vừa bị địch đánh chiếm, thanh niên xã Hòa Bình người xếp bút nghiên, người rời cây cuốc lên đường. Nghe giặc Pháp kéo đến đánh Lào, Campuchia, những người con trai Hòa Bình liền băng đèo vượt suối đến đó. Trong trận Trường Lạc, bảo vệ đập Đồng Cam, bộ đội ta hy sinh 60 người. Ngày 26/5/1952, địch thả bom làm sập một nhịp cầu máng Đồng Bò. Từ đó, nguồn nước tưới cho các cánh đồng trong huyện Tuy Hòa bị cắt đứt trong lúc lúa đang thì con gái bị khô cháy.

 

Thằng Tây phá máng Đồng Bò

Lòng mương nước rút, lòng dân hận trào

Lòng ao càng vét càng sâu

Lòng dân oán hận càng lâu càng đầy.

 

Ngày 20/1/1954 (16 tháng Chạp năm Quý Tỵ), địch mở chiến dịch Át-lăng với 24 tiểu đoàn chia ba hướng tấn công lên 52 xã toàn tỉnh Phú Yên (trong đó có Hòa Bình). Quân dân Phú Yên chia lửa (nhất là ở ga Gò Mầm và các nơi khác) với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử 7/5/1954 chấn động địa cầu.

 

*

*    *

 

Trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, quân dân Hòa Bình phối hợp với bộ đội huyện, tỉnh, Tiểu đoàn 365 Trung đoàn 80-83, 84 đấu tranh 2 chân 3 mũi giáp công. Trong các tháng đầu năm 1975, quân dân Hòa Bình còn phối hợp đánh địch và chặn đoàn quân Tây Nguyên rút chạy xuống đường 5 góp phần giải phóng tỉnh Phú Yên 1/4/1975, góp phần trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà 30/4/1975.

 

Hòa Bình lập lại, nhân dân tản cư các nơi gồng gánh về lo hàn gắn vết thương chiến tranh. Cuối năm 1975, tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa hợp nhất thành tỉnh Phú Khánh. Năm 1977 UBND tỉnh Phú Khánh ra quyết định chọn xã Diên An, huyện Diên Khánh và xã Hòa Bình, huyện Tuy Hòa xây dựng điểm hợp tác xã điển hình đầu tiên của tỉnh là hết sức mới mẻ đối với cán bộ và nhân dân trong xã.

 

HTXNN Hòa Bình chia làm hai hợp tác xã: HTXNN Hòa Bình 1 và HTXNN Hòa Bình 2. HTXNN Hòa Bình 1 sau này được phong tặng danh hiệu “HTXNN anh hùng”. Đến năm 1982, Quyết định số 100 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 30/9/1981 và Quyết định số 1905/QĐUB ngày 6/10/1981 của UBND tỉnh Phú Khánh đã chia xã Hòa Bình thành hai xã: xã Hòa Bình 1 và xã Hòa Bình 2.

 

Xã Hòa Bình 2 có 5 thôn: Phước Thịnh, Phú Thứ (Phú Vinh), Mỹ Lệ Tây, Mỹ Lệ Đông và Phước Mỹ. 30 năm chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, quân dân xã Hòa Bình anh dũng kiên cường được Chính phủ phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Toàn xã Hòa Bình 2 có 3.760 hộ, 14.001 khẩu, 209 liệt sĩ, 12 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hộ nghèo còn 472 hộ (theo tiêu chí mới) chiếm 12,5%, phấn đấu giảm hộ nghèo còn 5% vào năm 2015. Trụ sở xã Hòa Bình 2 đã xây dựng nhà tầng. Hữu ngạn kênh nam thuộc khu vực thôn Mỹ Lệ Tây, Mỹ Lệ Đông xây dựng nhiều nhà tầng, phố buôn bán sầm uất bên chợ mới Phú Thứ khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

 

Đường chính 5 thôn đã được bê tông hóa, ô tô có thể đến trung tâm xã và các thôn, trường học. Công tác an ninh chính trị được giữ vững. Địa phương phấn đấu đạt phổ cập trung học phổ thông (2015). Trung tâm học tập cộng đồng và hội khuyến học đi vào hoạt động có hiệu quả. Trạm xá xã có bác sĩ, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế  vào năm 2015.

 

Trong dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011, nhân dân Hòa Bình 2 phát huy truyền thống cách mạng, xã anh hùng, đoàn kết, có ý chí tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động... Địa phương triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm thị trấn Phú Thứ. Mọi người hy vọng các dự án sớm được triển khai như: ĐT645 sẽ chuyển thành quốc lộ 29, đường sắt từ ga Hòa Hiệp lên Đắk Lắk tạo điều kiện giao lưu hàng hóa từ đồng bằng lên Tây Nguyên và ngược lại hàng hóa từ Tây Nguyên đưa xuống đồng bằng và xuất khẩu các tỉnh khác, nước khác. Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho bộ mặt địa phương ngày thêm khởi sắc và kinh tế có điều kiện phát triển.

 

(*) Có tài liệu ghi người Tuy Hòa.

 

Nhà giáo ưu tú NGUYỄN CHU (NAM ĐÀ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek