Chủ Nhật, 22/09/2024 00:14 SA
Phú Yên từ đầu thế kỷ XX đến khi có Đảng
Thứ Ba, 08/03/2011 09:00 SA

Từ cuối thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm lược nước ta mang theo phương thức sản xuất mới, và đất nước Việt Nam đã có nhiều biến đổi với chế độ thống trị của chủ nghĩa thực dân.

 

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Phú Yên đã có những thay đổi trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến đời sống xã hội.

 

1. Khi thực dân Pháp thiết lập bộ máy thống trị của chúng trên đất nước ta, theo Hiệp ước giữa Pháp và triều đình Huế (ký ngày 6-6-1884 thì Phú Yên thuộc Trung Kỳ, là khu vực hành chính đặt dưới quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Ở các tỉnh Trung Kỳ, bên cạnh bộ máy chính quyền của triều đình Huế, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị thực dân để điều khiển và kiểm soát các hoạt động của bộ máy chính quyền Nam triều.

 

Năm 1887, sau khi dập tắt phong trào Cần Vương, thực dân Pháp thành lập chính quyền thực dân ở Phú Yên và đặt chức Công sứ. Sau nhiều lần thay đổi, tháng 10 năm 1921, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lập lại tỉnh Phú Yên. Từ đây, Phú Yên có thêm một tổ chức chính quyền do thực dân Pháp lập ra và chính bộ máy chính quyền này mới có quyền quyết định cao nhất về mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trên đất Phú Yên. Trên thực tế, chính quyền nhà Nguyễn vẫn duy trì tổ chức bộ máy từ tỉnh đến làng xã, nhưng việc điều hành và chỉ huy, thực thi quyền lực Nhà nước hoàn toàn do người Pháp quyết định.

 

Nhìn chung, bộ máy hành chính ở Phú Yên vào đầu thế kỷ XX (1900 – 1930) có 4 cấp: tỉnh, phủ (huyện), tổng và xã (thôn, buôn,...). Cơ cấu tổ chức ở cấp tỉnh, cấp xã có khác nhau qua hai giai đoạn: trước 1921, bộ máy hành chính cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo của Công sứ Quy Nhơn và Tổng đốc Bình Phú, ở Phú Yên không có Hội đồng hàng tỉnh. Từ sau năm 1921 khi tỉnh Phú Yên được lập lại, Tòa Công sứ được tái lập, có các chức Công sứ, Phó sứ; bộ máy quan lại của triều đình Huế đứng đầu là Tuần vũ. Phú Yên có vùng núi, nhưng không thành lập “châu” chỉ có hai cấp phủ và huyện. Hệ thống quan lại ở tỉnh, phủ (huyện) đều do triều đình Huế bổ nhiệm với sự chuẩn y của Khâm sứ Pháp. Đội ngũ quan lại này chỉ là công cụ của Pháp với nhiệm vụ thu thuế và duy trì an ninh, tất cả quyền hành đều nằm trong tay chính quyền thực dân. Thông qua bộ máy quan lại, chính quyền thực dân với tay tới tận làng xã.

 

2. Trong 30 năm đầu thế kỷ XX, tình hình kinh tế Phú Yên có nhiều thay đổi.

 

Về nông nghiệp, ngay từ cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mở rộng quá trình chiếm đất với mục đích là xây dựng các cơ quan hành chính và lập đồn điền. Quá trình khẩn hoang chiếm đất lập đồn điền của tư bản Pháp đã làm cho diện tích ruộng đất canh tác ở Phú Yên ngày càng mở rộng, diện tích đất hoang ngày càng thu hẹp. Đồn điền ở Phú Yên có quy mô vừa và nhỏ, đồn điền “xen canh” nhiều loại cây trồng hoặc kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi, diện tích đồn điền manh mún, phân tán.

 

So với thời kỳ trước, tình hình sản xuất lúa ở Phú Yên phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong 30 năm đầu thế kỷ XX, diện tích lúa ở Phú Yên không ngừng mở rộng, trung bình mỗi năm tăng khoảng 725ha.

 

Đồng thời với việc mở rộng diện tích trồng lúa, diện tích trồng các loại cây lương thực và cây ăn trái khác cũng không ngừng được tăng lên. Ngoài quả xoài Đá Trắng nổi tiếng từ thế kỷ XIX, cây cau lấy quả và cây mía là loại cây trồng có diện tích lớn thứ hai sau diện tích lúa. Bên cạnh các loại cây trồng trên, các loại cây trồng khác như cây thuốc lá, cây dừa, cây bông lấy sợi, cây dâu cũng có những chuyển biến đáng kể về diện tích, sản lượng và năng suất.

 

Phú Yên có nhiều đồng cỏ chăn thả và nguồn thức ăn phong phú, nên chăn nuôi phát triển thuận lợi cả miền núi và miền xuôi. Loại gia súc lớn được chăn nuôi theo bầy đàn phổ biến ở Phú Yên là trâu, bò và ngựa. Gia súc nhỏ và gia cầm cũng được chú trọng, chủ yếu là gà, heo, vịt. Việc nuôi tằm cũng được phát triển mạnh.

 

Nhìn chung, chăn nuôi là một ngành kinh tế quan trọng, vừa cung cấp sức kéo, phân bón cho nông nghiệp, vừa cung cấp một phần thực phẩm, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân.

 

Ở Phú Yên, từ năm 1904 thực dân Pháp đã lập đề án nghiên cứu xây dựng một hệ thống thủy nông trên sông Đà Rằng. Đặc biệt, vào cuối tháng 11-1930, hệ thống thủy nông Đồng Cam khánh thành và đưa vào sử dụng đã có ý nghĩa to lớn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân vùng đồng bằng Tuy Hòa nói riêng và cả tỉnh Phú Yên nói chung.

 

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

 

Công nghiệp ở Phú Yên thời kỳ này không có gì nổi bật, ngoài việc thực dân Pháp tập trung khai khác các khoáng sản kim loại quý như vàng, bạc, nhôm, đồng thời tiến hành khai thác đá phục vụ xây dựng và trang trí.

 

Công nghiệp chế biến ở Phú Yên cũng được đẩy mạnh, chủ yếu ba nhóm chính: chế biến đường, sản xuất rượu và xay xát, trong đó đáng chú ý là nhà máy đường ở Tuy Hòa được thành lập vào năm 1923.

 

Đồng thời thực dân Pháp cũng mở rộng một số ngành tiểu thủ công nghiệp. Trong thời kỳ này Phú Yên có khoảng 18 nghề thủ công, bao gồm: dệt vải, lụa và gấm; nấu đường, ép dầu phụng, làm bánh tráng, đóng ghe thuyền, làm muối, chế biến nước mắm, dệt chiếu, nhuộm vải... Trong số các ngành thủ công trên, dệt lụa, nấu đường mật và làm muối giữ vai trò then chốt phục vụ xuất khẩu.

 

(Còn nữa)

 

Giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN VĂN NHẬT

Viện trưởng Viện Sử học

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek