Chủ Nhật, 22/09/2024 00:26 SA
Lê Trung Lập và việc khai phá tổng Hòa Lộc vào cuối thế kỷ XIX (Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 07/03/2011 09:00 SA

Trên cơ sở đã ổn định về mặt sản xuất, những xóm làng mới cũng được hình thành ven chân núi, đời sống nhân dân ngày càng sung túc. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), tổng Tuy Lộc được thành lập, ông Lê Trung Lập được quan Bố chính và quan Án sát tỉnh Phú Yên bổ nhiệm làm Chánh tổng. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), tổng Tuy Lộc đổi tên thành tổng Hòa Lộc gồm 8 thôn: Mỹ Thành, Mỹ Điền, Mỹ Lâm, Mỹ Cảnh, Mỹ Tường, Mỹ Định, Đa Nông, Tuy Đa(1).

 

CU110307.jpg
Di ảnh ông Lê Trung Lập.
Hòa Lộc là một trong bảy tổng của phủ Tuy Hòa, được thành lập sau các tổng Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, và trước các tổng Hòa Tường, Hòa Đồng. Trước đây, nhân dân địa phương quen gọi tổng Hòa Lộc là tổng Mộ. Tên gọi này phần nào nói lên đặc điểm của một tổng có lịch sử hình thành từ quá trình mộ dân khẩn hoang.

 

Trong số các thôn thuộc tổng Hòa Lộc, hiện nay một số còn giữ nguyên thôn hiệu như: Mỹ Điền, Mỹ Lâm, Mỹ Cảnh (thuộc xã Hòa Thịnh); Mỹ Thành (thuộc xã Hòa Mỹ Tây). Các thôn còn lại đã qua nhiều lần tách nhập, thay đổi tên gọi như: Đa Nông, Tuy Đa sáp nhập thôn Mỹ Long vào năm 1901 (nay là một phần của thôn Phước Lộc, xã Hòa Tâm); Mỹ Tường sau năm 1975 sáp nhập với Quảng Tường, lấy tên là thôn Quảng Mỹ (nay thuộc xã Hòa Mỹ Tây); Mỹ Định không còn tên thôn (phần đất thuộc xã Hòa Tân Tây).

 

Cũng trong năm 1899, ông Lê Trung Lập thiết lập thêm một thôn nữa là thôn Hội Khánh, nhập vào tổng Hòa Lạc. Sau khi thiết lập thôn Hội Khánh, Lê Trung Lập đưa gia đình về đây sinh sống và phát triển thêm một chi phái họ Lê ở thôn này. Thôn Hội Khánh sau sáp nhập với các thôn Phú Quý, Phú Lạc lấy tên là Phú Khánh. Đây chính là thôn Phú Khánh ở xã Hòa Tân Tây hiện nay.

Diện tích đất sản xuất của tổng Hòa Lộc và thôn Hội Khánh lúc mới thành lập là 2.160 mẫu (tương đương 1.057ha hiện nay). Trong tổng, thôn có 84 suất đinh. Trong số đó, chức ấp 1 người, sai miễn 9 người, thực nộp thuế 74 người. Cộng các loại thuế thu được trong năm là 1.225 đồng(2).

 

Ông Lê Trung Lập làm chánh tổng trong 6 năm, đến năm Thành Thái thứ 13 (1901), ông xin nghỉ vì tuổi già. Trong 6 năm thi hành công vụ, ông đã có những đóng góp vào việc ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, xây dựng đình miếu, hướng sinh hoạt tinh thần dân chúng theo quy củ. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn thường quan tâm khuyên bảo những người kế nhiệm điều hành công việc trong thôn, tổng.

 

Để ghi nhận và biểu dương người có công trong việc thực hiện chính sách khẩn hoang, năm Khải Định thứ 4 (1919), triều đình thưởng thụ cho Lê Trung Lập hàm Chánh Bát phẩm văn giai. Một người con của ông là Lê Phụng Các cũng được phong tặng Chánh Cửu phẩm văn giai.

 

Ngày 14 tháng 7 năm Kỷ Mùi (1919), ông Lê Trung Lập qua đời tại thôn Hội Khánh. Năm Khải Định thứ 9 (1924), ông được triều đình ban sắc phong là Khai canh chi thần, giao cho thôn Hội Khánh phụng sự. Tại các thôn trong tổng Hòa Lộc, nhân dân tôn ông là Tiền hiền và thờ cúng tại các đình làng. Mộ ông lúc đầu ở phía tây nam núi Một, trên triền núi. Sau năm 1954, hậu duệ họ Lê đã cải táng về phía chân núi, cách vị trí cũ khoảng 70m về phía tây nam, nằm giữa khu mộ của dân làng.

 

van-ban110307.jpg

Văn bản của quan tỉnh Phú Yên cấp bằng Quản mộ cho ông Lê Trung Lập vào năm Tự Đức thứ 36 (1883).

 

Nhà thờ Lê Trung Lập ở thôn Phú Khánh, xã Hòa Tân Tây được xây dựng lại sau năm 1975, trên nền cũ của di tích gốc đã bị sụp đổ trong chiến tranh chống Mỹ. Tuy trải qua nhiều biến cố, nhưng nhờ được gìn giữ và bảo quản cẩn trọng nên một số di vật của ông Lê Trung Lập và một vài vật dụng trong di tích nhà thờ còn được lưu lại cho đến nay. Trong đó, có bản sắc phong của vua Khải Định và nhiều văn bản bằng chữ Hán, là nguồn tư liệu rất quan trọng, làm cơ sở để tìm hiểu về nhân vật Lê Trung Lập và quá trình khai phá, thành lập tổng Hòa Lộc.

 

Nhà thờ Lê Trung Lập đang được ngành chức năng của tỉnh hoàn thành hồ sơ trình xếp hạng di tích. Trên cơ sở đó, có giải pháp phục hồi và phát huy giá trị, nhằm ghi nhận và tôn vinh danh nhân Lê Trung Lập tương xứng với công lao của ông. Đồng thời, đây cũng là nơi để hậu duệ họ Lê phụng sự tổ tiên, tổ chức các sinh hoạt văn hóa trong tộc họ.

 

-------------------------------

(1), (2): Căn cứ vào tờ khai công tích của ông Lê Trung Lập, viết năm 1918. Tài liệu bằng chữ Hán, được lưu giữ tại nhà thờ Lê Trung Lập.

 

NGUYỄN HỮU AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek