Chủ Nhật, 22/09/2024 00:26 SA
Sông Hinh - vùng đất hứa
Thứ Hai, 07/03/2011 10:00 SA

Năm 1978, tôi nhận quyết định về công tác tại Phòng Thống kê huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh), nay là hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), được phân công phụ trách các xã: Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol, Sông Hinh và Đức Bình (các xã thuộc huyện Sông Hinh ngày nay). Chỉ mỗi xã Đức Bình tập trung bà con người Kinh sinh sống, các xã còn lại hầu hết là địa bàn cư trú của bà con Ê Đê và một số ít đồng bào Chăm H’Roi.

 

Ngày ấy, giao thông còn nhiều khó khăn, các xã phía nam huyện Tây Sơn (Sông Hinh ngày nay) như một ốc đảo bởi sự bao bọc của sông Ba và sông Hinh. Từ huyện đi công tác về các xã phần lớn là đi trên đường mòn xuyên qua rừng rậm, từ buôn này sang buôn kia phải mất vài giờ, tâm trạng luôn nghĩ đến chuyện cọp beo và FULRO rập rình đâu đó.

 

Những năm đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, vùng sâu, vùng xa càng khó khăn gấp bội nhưng ai cũng thấy vui. Chính quyền cách mạng phải nỗ lực giải quyết nạn đói, xóa mù chữ và chăm sóc sức khỏe người dân.

 

Mỗi lần về địa bàn công tác, tôi thấy toàn cảnh bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội… Lương thực chỉ dựa vào cây lúa rẫy ăn nước trời mỗi năm một vụ, thiếu đói giáp hạt triền miên, khó có thể khắc phục một sớm một chiều. Gia súc, gia cầm  được chăn nuôi theo cung cách tự phát, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên đầy bất trắc. Cứ mỗi lần dịch bệnh đi qua thì đàn bò sụt giảm một cách đau lòng, cán bộ thú y huyện không thể nào cứu chữa kịp thời, bởi địa bàn quá rộng, trắc trở đường đi và thiếu thốn trầm trọng thuốc thú y, phương tiện.

 

Ô tô là phương tiện giao thông xa lạ với trẻ con nơi đây vì xe không thể qua sông, mà có qua cũng chẳng có đường đi, chỉ một chiếc ô tô đậu cạnh sông Ba đợi mùa nước cạn vượt sông khai thác gỗ. Vì thế nên chỉ cần một ca sinh khó hoặc đau ruột thừa mà không cấp cứu kịp là dẫn đến tử vong.

 

Hồi đó cứ mỗi lần về địa bàn công tác, tôi thường ở chung với các anh chị em giáo viên từ miền xuôi lên đây dạy học. Tự đáy lòng tôi rất khâm phục các bạn đã rời thành phố lên đây và thích nghi với hoàn cảnh thiếu thốn đủ điều này, nhất là các bạn nữ. Đêm đến, chúng tôi thường tổ chức những “tiết mục” vui nho nhỏ như pha bình trà nhâm nhi khoai mì luộc chấm muối ớt, dịp nào thong thả thì hùn nhau mua con gà nấu cháo… Cứ thế mà chuyện trò rôm rả đến khi gà gáy. Phần lớn câu chuyện đều xoay quanh nỗi ưu tư của chúng tôi với đời sống bà con buôn làng, kỳ vọng về một cuộc sống đủ cơm, đủ áo và thấy được ánh điện. Chúng tôi xót xa cho thế hệ trẻ thơ, đi học chỉ để biết chữ và chẳng ước mơ gì lớn. Học sinh bỏ học, thầy cô phải đến từng nhà vận động, thuyết phục các em trở lại trường. Và còn bao nhiêu thứ chênh lệch thua kém khác so với miền xuôi. Nhiệt huyết tuổi trẻ chúng tôi là thế, ước mơ thật nhiều, cố gắng thật nhiều nhưng thực tại không thể thoát ra khỏi khó khăn.

 

Năm 1981, tôi rời huyện Tây Sơn về công tác ở một huyện miền xuôi, tạm biệt địa bàn công tác trong niềm lưu luyến và ưu tư còn vương vấn. Mấy năm sau đọc báo, chúng tôi vui mừng khi đọc thông tin Thủ tướng Chính phủ thẩm định và phê duyệt dự án Thủy điện Sông Hinh, công trình thế kỷ của tỉnh Phú Khánh lúc bấy giờ, rồi huyện Sông Hinh được thành lập, rồi Nhà máy thủy điện Sông Hinh đi vào hoạt động, và còn nhiều tin vui khác… Tôi rất mừng cho vùng đất mà mình đã gắn bó và cống hiến một thời trai trẻ, “đêm nằm như năm ở”.

 

25 năm bồng bềnh theo dòng đời, tôi trở về Sơn Hòa sống phần đời còn lại, dành một tuần đi hết địa bàn công tác cũ bằng xe gắn máy để thăm lại cảnh cũ người xưa và tận mắt nhìn nhận những đổi thay của ngày hôm nay so với ký ức.

 

Ngỡ ngàng vui mừng quá, một ốc đảo cách biệt bởi hai dòng sông bây giờ đã nằm trên trục ĐT645 Tuy Hòa - Ea Kar (Đắk Lắk) và qua cầu Sông Ba về Sơn Hòa nhập với QL25 đi các nơi. Cụm từ “điện, đường, trường, trạm” bây giờ đã hoàn toàn là sự thật. Cây lúa nước thay cho lúa rẫy đảm bảo lương thực hàng năm, hơn thế nữa các cây công nghiệp: cà phê, cao su cũng đang phát triển trên vùng đất bazan. Nông trường và các nông trại xanh mướt đã tạo sức sống đầy quyến rũ của một vùng đất. Có lẽ đây là huyện duy nhất của cả nước nằm trong lòng tam giác của 3 nhà máy thủy điện (Sông Hinh, Krông Năng, Sông Ba Hạ). Dòng sông hóa ánh điện đã trả lời trọn vẹn câu hỏi ngày xưa của chúng tôi: bao giờ bà con nơi đây có điện. Về dạo chơi trên đồi Hai Riêng, nơi mà một thời qua đây nơm nớp sợ cọp và FULRO, bây giờ tôi cứ ngỡ mình đang dạo trên một thành phố cao nguyên nào đó.

 

Những ngày sau Tết Tân Mão về Sông Hinh tham gia đêm thơ xuân, tôi bắt gặp và rất tâm đắc với bài thơ của một cây bút nữ chưa quen:

 

“Vùng đất hứa hơn phần tư thế kỷ/ Khoe với đời dòng điện nước Sông Hinh/ Khoe với đời cây lúa nước Sông Hinh/ Xóa tục du canh phá rừng làm rẫy”/ ...“Đất bazan bao người gọi đất lành/ Rừng cao su hóa đất thành vàng trắng/ Vùng tiềm năng giữa ba dòng thủy điện/ Một tương lai đầy hứa hẹn yên bình”/ ... “Chiều phố núi con đường cong cánh võng/ Nhà rông, rượu cần mây cõng trăng lên”.

 

Chúc Sông Hinh bước vào tuổi 26 trên đà phát triển mới, đạt nhiều thành tựu mới với lợi thế của mình. Một cửa ngõ phía tây nhiều tiềm năng và đầy hứa hẹn của tỉnh Phú Yên đang bừng sáng trong dòng chảy lịch sử 400 năm mở đất, hình thành, phát triển.

 

LƯU PHÚC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek