Chủ Nhật, 22/09/2024 00:35 SA
Lê Trung Lập và việc khai phá tổng Hòa Lộc vào cuối thế kỷ XIX
Chủ Nhật, 06/03/2011 07:30 SA

Cách nay 4 thế kỷ, người Việt đã đến khai phá, xây dựng cuộc sống trên vùng đất Phú Yên. Tuy nhiên, để có được một diện mạo của Phú Yên như hôm nay, thì trong khoảng thời gian 4 thế kỷ qua, những thế hệ người Phú Yên đã nối tiếp nhau không ngừng ra sức mở mang đất đai, tạo lập cơ nghiệp. Sự ra đời của tổng Hòa Lộc trên cơ sở những làng mới hình thành vào cuối thế kỷ XIX, tại địa bàn phía nam của tỉnh, gắn với công chiêu mộ khai khẩn của ông Lê Trung Lập, là một đóng góp quan trọng vào quá trình khẩn hoang lập làng ở Phú Yên.

 

cu110306.jpg

Di ảnh ông Lê Trung Lập

Lê Trung Lập lúc nhỏ có tên là Lê Trung Vĩnh, sinh năm Giáp Thìn 1844, tại thôn Hội Cư, tổng Hòa Lạc, huyện Tuy Hòa, nay là thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Theo gia phả họ Lê ở Hội Cư, tổ 5 đời của Lê Trung Lập là Lê Văn Trà đã đến định cư tại địa bàn này. Các thế hệ tiếp theo là Lê Văn Tình, Lê Văn Xiêm, Lê Văn Nguyên. Ông Lê Văn Nguyên và bà Nguyễn Thị Hiệp (thân phụ và thân mẫu của Lê Trung Lập) sinh 11 người con, Lê Trung Lập là con thứ 10.

 

Lê Trung Lập xuất thân trong một gia tộc đã qua nhiều đời định cư tại địa phương và có một nền tảng kinh tế khá vững chắc. Thời trẻ, ông có học chữ Nho nhưng không theo con đường khoa cử, mà lấy việc khai khẩn mở mang đất đai, phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho những người nghèo khổ ổn định cuộc sống làm con đường tạo lập cơ nghiệp.

 

Thuở bắt đầu sự nghiệp, Lê Trung Lập theo phụ giúp cho ông Trần Lãng mộ dân khẩn hoang nhiều vùng thuộc các tổng Hòa Mỹ và Sơn Lạc. Đến năm Tự Đức thứ 36 (1883), Lê Trung Lập được quan Bố chính tỉnh Phú Yên cấp bằng Quản mộ. Ông tự xuất tiền nhà, chiêu mộ và tổ chức dân chúng, phần lớn là những người không có đất đai, sản nghiệp, những lưu dân phiêu bạt từ nhiều phương, tiến hành khai khẩn những vùng đất dọc theo chân núi tại dãy núi phía nam của phủ Tuy Hòa (nay gọi là dãy đèo Cả). Đây là những vùng đất hoang vu, những thung lũng núi, đầm lầy,… xa cách các trung tâm dân cư, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhiều thú dữ… mà quá trình khai phá của những lớp người đi trước chưa chinh phục được.

 

Nhờ uy tín và khả năng quy tụ nhân dân, biện pháp tổ chức khẩn hoang có hiệu quả của ông Lê Trung Lập, cùng với chính sách khuyến khích của nhà nước đương thời, nên việc khẩn hoang được xúc tiến mạnh mẽ. Những vùng đất hoang vu rừng rậm dần trở thành những khu vực sản xuất hoa màu, những đồng ruộng trù phú.

 

Phương thức tổ chức khẩn hoang được tiến hành ở thời kỳ này là: Trên một khu vực đất hoang, tiến hành phân ra từng khoảnh rồi giao cho các cá nhân tùy thuộc vào khả năng của mình nhận để khai phá. Khi đã thành đất sản xuất, người lĩnh khai phá được nhận một nửa diện tích, nửa diện tích còn lại sung làm đất công (Thi công khai phá thành điền, nhất bán vi tư nhất bán vi công). Phần đất thuộc sở hữu tư nhân cũng được phân thành các loại khác nhau theo hiệu quả sản xuất mà nó mang lại, để thu thuế.

 

vb110306.jpg

Văn bản cấp bằng Chánh tổng cho ông Lê Trung Lập vào năm Thành Thái thứ 8 (1896).

 

Cùng với hoạt động khẩn hoang, công việc làm thủy lợi cũng được chú trọng. Đó là việc khai đào những mương dẫn nước có tác dụng tưới tiêu. Đặc biệt là những công trình thủy lợi lớn, là những đập ngăn sông suối để đưa nước vào đồng ruộng trong mùa nắng hạn. Những đập nước này đòi hỏi rất nhiều công sức để thực hiện, phải huy động cả cộng đồng tham gia. Người xưa đắp đập bằng vật liệu chủ yếu là cây rừng cắm xuống lòng sông suối rồi đổ đất ngăn dòng chảy để đưa nước vào những kênh mương, gọi là đập bổi. Việc đắp đập thường được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng, tháng hai sau Tết Nguyên đán và đến tháng bảy, tháng tám khi bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa thì tháo dỡ để thoát lũ. Những đập lớn còn được lưu tên đến ngày nay như đập Suối Lạnh, đập Bầu Đá, đập Đồng Lau, đập Đồng Tranh, đập Bà Phó,… Trong đó, nhiều đập đã được thay thế bằng vật liệu kiên cố và vẫn phát huy hiệu quả sử dụng.   

          

 (Còn nữa)

NGUYỄN HỮU AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek