Chủ Nhật, 22/09/2024 00:34 SA
Sức bật của một vùng đất
Chủ Nhật, 06/03/2011 10:30 SA

Từ một xã chia thành 2 xã, rồi 3 xã với hơn 80% dân số do tăng cơ học; từ một vùng đất hoang hóa thành vùng cây công nghiệp đa dạng, tạo sản phẩm hàng hóa giá trị lớn. Thành quả của 25 năm đổi mới đó hiện hữu ở vùng đất đỏ bazan phía tây Sông Hinh, khởi nguồn từ sự ra đời của Nông trường Cà phê Ea Bá.

 

ca-phe110306.jpg

Cà phê ở Ea Bá cho năng suất xấp xỉ 2 tấn nhân/ha, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương   - Ảnh: N.T

 

CHUYỆN CỦA NGƯỜI MỞ ĐẤT

 

Người dân sinh sống trong khu vực thuộc nông trường cà phê Ea Bá (nay là Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá) không mấy ai không biết ông. Ông là Lê Văn Trung song mọi người thường gọi ông bằng cái tên đầy kính trọng “Già Trung”, như cách gọi của đồng bào dân tộc thiểu số dành cho người có uy tín, đứng đầu buôn làng. Uy tín của Già Trung không chỉ là bậc cao niên có 77 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, là bộ đội Cụ Hồ từng ra Bắc vào Nam; mà hơn thế nữa vì ông là người cầm lái dẫn dắt họ khai phá vùng đất này, cùng họ tạo lập cuộc sống mới ấm no. Câu chuyện thời mở đất lập nông trường được ông kể lại làm tôi liên tưởng đến Kỳ thoại hầu Lương Văn Chánh chiêu mộ cư dân khai khẩn đất hoang, lập ấp mở ra vùng đất Phú Yên cách đây 400 năm…

 

“Khi huyện Tây Sơn chia thành 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh thì vùng đất 884,6km2 phía bờ nam sông Ba thành huyện Sông Hinh (tháng 2/1985). Lúc đó, Sông Hinh có 6 xã với hơn 16.800 người dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49,5%. Riêng vùng đất rộng lớn hơn 23.000ha ở phía tây huyện thuộc xã Ea Bá, nơi tiếp giáp với Tây Nguyên, một thời là vùng căn cứ địa cách mạng, còn rất hoang vắng, chỉ có vài buôn làng đồng bào Ê Đê sống du canh du cư, “đói cơm, lạt muối” quanh năm. Những người lãnh đạo huyện ngày ấy xác định hướng phát triển của huyện là trồng cây công nghiệp, song cũng chưa thể nghĩ đến cây cà phê hoặc cây cao su như sau này mà tập trung vào “ba B” (bắp, bông, bò).

 

Giữa lúc ấy, chúng tôi được Tỉnh ủy Phú Khánh giao nhiệm vụ thành lập tại đây một nông trường trồng cà phê để thực hiện hiệp định với Ba Lan. Ngày đầu đến khảo sát vùng đất “không có dấu chân người” này, trong tay chỉ có một tấm bản đồ quân sự 1/50.000, chúng tôi phải nhờ thanh niên dân tộc Ê Đê phát lối mở đường, trèo lên những cây cao để xác định vị trí và chúng tôi chọn vùng đất bazan phía đông suối Ea M’bar này cho sự ra đời của nông trường cà phê Ea Bá. Lúc đó, tỉnh có chủ trương chỉ tuyển người địa phương nhưng họ đến nông trường chỉ qua một đêm là “biến mất”. Đất đai khai hoang đã xong, cây giống cũng đã sẵn sàng nhưng lao động để trồng cà phê lại thiếu trầm trọng. Không chịu bó tay, chúng tôi thầm lặng “xé rào”, cử cán bộ ra Thanh Chương (Nghệ An), Nghĩa Hưng (Nam Định) tuyển được hơn 350 thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi. Họ là những hạt giống thực hiện sứ mệnh của người mở đất, đưa cây cà phê bén rễ vững chắc thay rừng hoang, mở ra hướng phát triển cho vùng đất tây Sông Hinh”

 

Những ngày đầu mở đất được Già Trung kể lại ngắn gọn như vậy. Nhưng chúng tôi biết, để “trụ” được trên vùng đất mới, lớp thanh niên ngày ấy chẳng những kiên trì đương đầu trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà có người mãi nằm xuống vì muỗi rừng và bệnh sốt rét ác tính mà họ còn phải vượt qua những thời kỳ “tự bơi” để tồn tại. Anh Dương Quang Quý, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá, quê huyện Nghĩa Hưng, Nam Định đến nông trường thời mở đất, nhớ lại: “Khó khăn nhất là những năm khủng khoảng chính trị ở Đông Âu 1989-1990, vốn tài trợ của Ba Lan không còn, hằng năm trời chúng tôi không có lương. Góp nhặt được đồng nào từ cấp trên ứng xuống chỉ để mua gạo. Gian nan, vất vả là vậy, song sức trẻ đầy tự tin đã giúp chúng tôi vượt qua. Vị đắng của cà phê là quả ngọt cho chúng tôi hôm nay”.

 

Năm 1992, xã Ea Bar được thành lập, đã có hơn 4.300 dân; trong đó khu vực nông trường có 3 thôn với 390 hộ, gần 2.000 dân. Nhờ 500ha cà phê mỗi năm cho thu nhập 70-80 triệu đồng/ha mà cuộc sống của lớp người mở đất ngày nào đã ổn định, và sung túc nữa; có người vừa nuôi 2 con học đại học và sắm cả ô tô du lịch.

 

ẤN TƯỢNG EA LY

 

Màu xanh của cây cà phê từ nông trường Ea Bá bắt đầu lan rộng qua nhiều vùng đồi núi trong xã, cũng là lúc dòng người khắp nơi tìm về vùng đất giàu tiềm năng này lập nghiệp. Vùng đất phía tây nông trường, giáp ranh với huyện Ea Kar (Đắk Lắk) trở thành “vùng đất hứa” của dân di cư tự do. Năm 1993, vùng kinh tế mới Tân Lập ra đời làm nhiệm vụ tổ chức lại cuộc sống định canh định cư của dân di cư, nhưng điều đó lại càng hút dòng người di cư từ miền núi phía bắc vào khai phá vùng đất màu mỡ này. Với hơn 3.400 người, trong đó 80% dân số do tăng cơ học có cuộc sống ổn định là cơ sở để hình thành xã mới Ea Ly (tháng 10/2003).

 

Cách đây chừng 10 năm, để đến được Tân Lập, chúng tôi phải vật lộn với con đường nhão nhoẹt bùn đất lầy lội vào mùa mưa, mịt mù bụi đỏ vào mùa nắng. Còn hôm nay, là con đường nhựa phẳng lì kéo dài đến QL 14 tại TX Buôn Hồ; đang được 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk kiến nghị nâng cấp thành quốc lộ. Dọc đường qua xã Ea Bá, Ea Bar, Ea Ly, hiện ra một vùng bình nguyên mênh mông với những sườn đồi thoai thoải hình bát úp, xanh ngút ngàn của ruộng mía, nương bắp, vườn cà phê, cao su...  Lúc này, mía đang vào mùa thu hoạch rộ, trên đường không ngớt những chiếc xe tải đầy ắp mía hướng về nhà máy. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ly Đinh Văn Dạn phấn khởi bảo: “Chưa vụ mía nào người dân “được mùa, được giá” như vụ này. Chỉ riêng vụ mía này, bà con thu khoảng 40-45 tỉ đồng, nhiều gia đình đổi xe tay ga, ti vi màn hình LCD…”

 

Đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi, phù hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế đang được khai thác có hiệu quả nơi đây. Quả thật, chưa vùng đất nào ở Phú Yên có cây công nghiệp phong phú như các xã phía tây huyện Sông Hinh. Chỉ riêng xã Ea Ly đã có  287ha cao su, 180ha cà phê chè, 52ha điều, 254ha bắp, 530ha sắn, 800ha mía.

 

“Đất lành chim đậu”, số hộ ăn nên làm ra, có “của ăn của để” ngày càng nhiều. Không ít người đến Ea Ly từ hai bàn tay trắng nay đã thành trang trại nắm trong tay cả chục ha đất, tài sản lên đến hàng tỉ đồng, tiêu biểu như Lương Văn Pếu, Hứa Văn Sláy ở thôn Tân Lập, Bàn Nguyên Thành ở thôn Tân Bình, Triệu Văn Lá ở thôn Tân Sơn… Vợ chồng anh Triệu Văn Lá, dân tộc Tày, từ Lạng Sơn đến lập nghiệp trên vùng đất mới này từ năm 1992, hiện là chủ nhân của một trang trại có 16ha đất canh tác, trong đó 10ha cao su. Chị Triệu Thị Miền, vợ anh Lá giãi bày: Đất đai khai phá lúc đầu chỉ biết trồng lúa rẫy, mè, đậu, nhưng nhờ có dự án Đa dạng hóa nông nghiệp mà gia đình trồng được 2ha cao su, sau đó tự mua giống và trồng thêm 8ha nữa. 2ha trồng năm đầu tiên đã khai thác mủ, mỗi ngày thu 2 triệu đồng”.

 

Còn thôn Tân Yên của vùng kinh tế mới Tân Lập ngày nào, giờ trở thành trung tâm xã Ea Ly, có dáng dấp của một đô thị với những dãy nhà san sát, cao tầng kiến trúc hiện đại, hàng quán thương mại, dịch vụ khá đa dạng hoạt động nhộn nhịp ngày đêm. Ở đây không thiếu những cửa hàng cơ khí, điện tử, điện máy đắt tiền. Từ khi tuyến ĐT645 thông với Ban Ma Thuột, lưu lượng xe qua lại tăng nhanh, đoạn qua khu vực trung tâm xã Ea Ly trở nên chật chội. Với độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, nơi đây có khí hậu mát mẻ được cánh lái xe chọn làm điểm dừng chân sau chặng đường dài từ Ban Ma Thuột xuống hay từ Tuy Hòa lên, càng “góp phần” cho thị tứ vùng cao thêm sôi động. 

 

Trong khi đó, tuyến đường Đông Trường Sơn đang triển khai thi công sẽ đi qua giữa 2 xã Ea Ly và Ea Bar nối dài đến xứ sở ngàn thông Lâm Đồng. Khi con đường trọng yếu đó hình thành thì nơi cửa ngõ lên Tây Nguyên này sẽ hình thành một thị trấn miền núi sầm uất của Phú Yên.

 

LỜI KẾT

 

Tại trụ sở UBND xã Ea Bar, chúng tôi gặp chàng trai 21 tuổi, được sinh ra và lớn lên tại Nông trường Cà phê Ea Bá. Đó là Nguyễn Tuấn Anh, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nha Trang, chuyên ngành Quản trị văn phòng, đang là cán bộ văn phòng xã Ea Bar. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh tâm sự: “Thế hệ của ba mẹ cháu vất vả, thiếu thốn nhiều nhưng vẫn lo cho cháu học hành đến nơi đến chốn, hai em cháu còn đang theo học đại học. Chúng cháu là thế hệ 8X được vùng đất này nuôi dưỡng trưởng thành phải làm được điều gì đó để nối tiếp công sức của lớp người đi trước; cho mọi người không còn nghèo khổ, quê hương thêm mạnh giàu”.

Còn “Già Trung”, đã qua 15 năm rời nhiệm vụ lãnh đạo nông trường, nhưng đất và người nơi đây như có ma lực níu chân ông, dù người con trai của ông đang giảng dạy ở Trường Đại học Đà Nẵng luôn nài nỉ ông về quê sum họp gia đình. Không chỉ vì ở đây yên tĩnh, không khí trong lành hợp với tuổi già và đầy ắp những kỷ niệm một thời “không thể nào quên” mà có lẽ trong tâm thức, ông còn muốn được chứng kiến thế hệ nối bước ông như Nguyễn Anh Tuấn viết tiếp bài ca mở đất, biến vị đắng của cà phê thành quả ngọt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek