Chủ Nhật, 22/09/2024 03:08 SA
Nghĩ về một tỉnh “hai nhất”
Thứ Bảy, 05/03/2011 10:00 SA

1. Bây giờ đang là giữa mùa xuân, bầu trời cả tỉnh Phú Yên nắng đẹp, gió hiu hiu vừa đủ làm cho cỏ cây, hoa lá mới đầm chồi nẩy lộc nhẹ nhàng rung rinh khoe sắc, vươn mình, khiến cảnh vật và lòng người trở nên tươi tỉnh, dễ chịu. Ngoài kia, lớp lớp thanh niên, học sinh đang hăng say lao động làm sạch đẹp bãi biển TP Tuy Hòa và bàn tán rôm rả xung quanh câu chuyện tỉnh nhà đang tập trung chuẩn bị đại lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển. Lãnh đạo tỉnh cùng nhiều ban ngành chức năng đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực phục vụ đại lễ gắn với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 có quy mô, tầm vóc lớn hơn nhiều so với trước đây.

 

ca110305.jpg
Cá ngừ đại dương về bến. - Ảnh: A.NGỌC

 

Tất cả đang toát lên một bầu không khí nhộn nhịp, vui tươi, làm phấn chấn lòng người trước một sự kiện có ý nghĩa mà bất cứ ai, dù tâm trạng thế nào cũng vui vẻ nhập cuộc để cùng quan sát, cảm nhận và suy nghĩ trước bao điều tốt lành đã và đang diễn ra trên mảnh đất quê hương.

 

Với riêng tôi, một người tuy đang gánh nặng cái tuổi “cổ lai hy”, vậy mà căn bệnh nghề nghiệp cùng chút lửa còn sót lại vẫn âm ỉ cháy trong tim, sự nhiệt tình và cái tính vốn cả nghĩ gần như bản năng của một con người đã gắn trọn đời mình cho lý tưởng cách mạng và đi với cách mạng, từng chứng kiến, trải nghiệm biết bao sự thăng trầm của quê hương, xứ sở, cảm thấy tự đáy lòng đang trỗi dậy những trăn trở, suy tư không thể nào cưỡng lại được. Mọi thứ cứ hiển hiện, buộc phải nhớ, phải nghĩ về chặng đường đã qua và sắp tới. Đó là hình ảnh tuổi ấu thơ của chú mục đồng ngày hai buổi quẩn quanh trên đồng cỏ, ao làng và đường truông, bến nước cùng bạn bè trang lứa một thời chẳng thể nào quên. Đến lúc lớn lên với cuộc kháng chiến chín năm rồi hòa bình ngắn ngủi, mong manh, đất nước tạm chia làm hai miền kẻ ở, người đi, ra Bắc vào Nam với cảnh bom rơi, đạn nổ cực kỳ tàn khốc, bệnh sốt rét rừng cùng cảnh đói no, chết sống chỉ bằng gang tấc mà cuộc đời vẫn đẹp, vẫn vui cùng nhân dân, đồng đội.

 

Thời gian cứ lặng lẽ, âm thầm trôi qua cho đến một ngày quê hương không còn bóng giặc, đất nước hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp, rồi trong bỗng chốc phải đứng trước cả núi công việc mới và một trời thử thách mà không làm sao có thể từ chối, tránh né, buộc phải lao vào với sự tự nguyện cùng cái ý chí vốn có “làm chết bỏ”, để từ đây, ngày ngày đối mặt với không biết bao nhiêu nghịch cảnh của muôn mặt đời sống xã hội, nếm trải đủ mùi vị: vui buồn, ngọt bùi, chua chát và cả đắng cay… Vậy mà lòng không chút giận, hờn, bởi đó là môi trường cọ xát, chiêm nghiệm để rút ra bài học về đối nhân, xử thế của người đời, nó giống như một cuộc trường chinh bất tận.

 

Dùng dằng mãi rồi cũng đến lúc vượt qua cái tuổi “tri thiên mệnh” trở về với đời thường mà vẫn chưa nguôi khát vọng. Cái bản tính cả nghĩ vẫn cứ đeo đẳng, nghĩ và nghĩ…

 

Lòng mừng vui trước những thay đổi kỳ diệu của đất nước và băn khoăn, lo lắng trước bao chuyện oái ăm không thể nào giải thích nổi!

 

Với quê hương, nơi mình được sinh ra, được nuôi dưỡng, đùm bọc cho đến khôn lớn, trưởng thành thì càng nghĩ càng miên man, sâu lắng, mong tìm ra một điều gì đó thật ý nghĩa vào dịp tỉnh nhà kỷ niệm 400 năm. Dòng suy nghĩ cùng sự trăn trở kéo dài lê thê cho đến khi bắt gặp một thực tế sống động làm vỡ òa niềm vui! Thực tế đó là có thể xây dựng tỉnh Phú Yên thành một tỉnh “hai nhất”, chí ít là vào lúc này và những năm tiếp theo.

 

Lại nghĩ và tự nhủ, phải thật tỉnh táo để nhận thức vấn đề được phát hiện, đặt nó trong sự vận động có tính quy luật chứ không hồ đồ, chủ quan, vì bối cảnh đất nước đang thay đổi chóng mặt như hiện nay thì một địa phương nào đó đạt được một cái nhất đã vô cùng khó, trong khi tỉnh Phú Yên đang đứng ở ngưỡng một tỉnh trung bình nghèo so với cả nước thì làm sao trở thành tỉnh “hai nhất”? Liệu ý nghĩ này có rơi vào duy ý chí, ngộ nhận hay hàm chứa trong đó động cơ thiếu lành mạnh, thiếu trong sáng dễ bị phê phán hoặc biến thành trò cười cho thiên hạ! Biết vậy nhưng đã nghĩ vậy rồi, hơn nữa nó còn được nghĩ đi nghĩ lại nên cứ nói, cứ viết ra xem sao?

 

Nghĩ và nói đến cái nhất ở đây không hề bao gồm kỳ tích, di tích và truyền thống do lịch sử để lại mà phải cái nhất do chính bàn tay, khối óc của con người sáng tạo nên. Từ góc độ này nhìn nhận và phân tích sẽ thấy rõ một tỉnh Phú Yên “hai nhất” là đích thực, luôn luôn được tiếp tục phấn đấu, bồi bổ để không ngừng phát triển, hoàn thiện chứ không được phép thỏa mãn dừng lại.

 

Thực tế là ở đây và lý luận cũng chính tại chỗ này.

 

2. Tỉnh Phú Yên “hai nhất” là: Chinh phục biển Đông, khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương, một loại thủy sản quý hiếm, có giá trị lớn và phát triển sản xuất ngành mía đường vào loại hàng đầu so với cả nước.

 

Sẽ có người, thậm chí là nhiều người cho rằng “hai nhất” nêu trên là sự cường điệu, là thổi phồng quá mức những chuyện bình thường thì tôi cũng trả lời ngay rằng đó là hai cái nhất thật sự đáng trân trọng, tôn vinh. Vì một lẽ nào đó mà chúng ta chưa thấy hết tầm vóc, giá trị của mỗi cái nhất, nó hàm chứa trong đó nỗi gian lao, vất vả, sự dũng cảm, sáng tạo tuyệt vời của người lao động Phú Yên ở hai lĩnh vực này. Hãy thử điểm lại sẽ thấy rõ giá trị và tầm cao của nó.

 

mia110305.jpg

Nông dân Sơn Hòa đưa mía lên xe về nhà máy đường. - Ảnh: N.CHUNG

 

Trong khoảng mười năm qua, Phú Yên là một trong những tỉnh ven biển có công đầu trong khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương và giữ vững vai trò đi hàng đầu của mình liên tục nhiều năm liền, sản lượng, giá trị năm sau cao hơn năm trước. Mức khai thác, đánh bắt năm 2010 đạt trên 5.000 tấn và hoàn toàn có khả năng đạt cao hơn nếu nghề ra khơi đặc thù này của ngư dân được nhà nước quan tâm đầu tư giúp đỡ nhiều hơn.

 

Công cuộc chinh phục đại dương, làm chủ biển Đông đâu phải chỉ có hô hào hay chờ đợi những dự án to lớn còn nằm trên giấy mà chính là con người dũng cảm, thông minh cùng với kinh nghiệm và tay nghề thuần thục của họ. Chính họ chứ không ai khác đang gánh vác trách nhiệm thực hiện phương hướng chiến lược “tiến ra biển làm giàu” của Đảng đề ra. Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ hỗ trợ một phần của nhà nước qua tín dụng ngân hàng và sự nỗ lực phi thường của chính mình mà đội ngũ hàng vạn ngư dân cùng với hàng ngàn phương tiện ghe thuyền có công suất lớn tiến ra biển Đông, tăng nghề khơi, giảm nghề lộng, dần dần thu hẹp tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản quanh quẩn ven bờ để bảo vệ nguồn lợi biển lâu dài cho thế hệ con cháu mai sau là một sự thay đổi cực kỳ to lớn, có tính bước ngoặt của nghề cá trên biển. Ra khơi khai thác đại dương cùng với đầu tư khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy đặc sản đang biến thế mạnh ở dạng tiềm năng của quê hương đất nước thành một lực lượng sản xuất không thể xem thường. Thành tựu ra khơi chinh phục biển Đông, làm chủ đại dương có ý nghĩa cả kinh tế và quốc phòng là việc không dễ nhưng ngư dân nhiều vùng biển Phú Yên đã làm được mà chúng ta không thể và không có quyền đánh giá thấp.

 

Vấn đề còn lại đang rất day dứt hiện nay là khâu đầu tư thu mua, chế biến, xuất khẩu, tăng tỉ lệ phẩm cấp hàng hóa để không ngừng tăng thu nhập cho ngư dân và tăng kim ngạch xuất khẩu. Những vấn đề đang đặt ra rất cần những chủ trương, giải pháp mạnh, có tính bền vững, khoa học và đồng bộ để ngành kinh tế mũi nhọn này tiếp tục phát huy tác dụng, là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà.

 

Nhất trong khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương là vậy, còn nhất về sản xuất mía đường ở Phú Yên thì sao?

 

Những ai quan tâm và có theo dõi việc này sẽ thấy một vài con số cùng các dữ kiện đáng chú ý: Đến cuối 2010, tỉnh ta định hình trồng 18.000ha mía với khoảng 1/2 diện tích đã được thay giống mía mới, đạt năng suất bình quân khoảng 40 tấn mía cây nguyên liệu trên 1ha, đủ cung cấp cho các nhà máy đường hiện có. Tính cả đường sản xuất công nghiệp và đường thủ công do các vùng xa xôi do dân tự chế biến quy ra đường kết tinh thì sản lượng đường đạt khoảng 60.000-70.000 tấn mỗi năm, trong khi đường sản xuất trong cả nước đạt khoảng dưới 1 triệu tấn. So với nhu cầu thị trường tiêu dùng và sản xuất thực phẩm công nghiệp và dược phẩm thì hằng năm phải nhập khẩu thêm khoảng 300.000 tấn đường cả chính ngạch và tiểu ngạch.

 

Phân tích chưa đầy đủ cho thấy hiện tại tỉnh Phú Yên mới sản xuất được khoảng 7-8% sản lượng đường mía trong cả nước nhưng là một trong những tỉnh đạt sản lượng mía đường vào loại nhất, nhì, trong khi 1/2 diện tích mía trong số 18.000ha chưa được thay giống mía mới và chưa được đầu tư các biện pháp thâm canh kỹ thuật cao, trong đó diện tích mía được tưới nước còn rất thấp.

 

Nếu đặt vị trí mía đường đúng mức, coi mía đường là một hướng cải thiện đời sống và làm giàu với một bộ phận đông đảo nông dân - người trồng mía, thì tập trung chỉ đạo đầu tư kỹ thuật thâm canh và mở rộng thêm diện tích những vùng đất đai có khả năng trồng mía thì hoàn toàn có khả năng tăng 10-15% sản lượng đi đôi với mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp mía đường, đạt trên dưới 10% sản lượng đường được sản xuất trong nước là chuyện không quá khó với Phú Yên.

 

Hiện tại tỉnh ta thuộc tốp địa phương dẫn đầu ngành mía đường, thời gian sắp tới nếu chú ý tập trung hơn thì Phú Yên trở thành tỉnh số một về sản xuất mía đường đang nằm trong tầm tay.

 

Cần nói thêm rằng nhờ phát triển ngành mía đường mà một số vùng dân cư trồng mía trở nên khá giả, và còn nhiều vùng cũng có thể trở thành khá giả, giàu có từ trồng mía và phát triển công nghiệp mía đường gắn với xây dựng nông thôn mới đang chờ đợi những quyết sách đúng đắn, mạnh dạn, đủ cơ sở khoa học và có tính đột phá của lãnh đạo địa phương.

 

Việc phát triển mía đường sẽ không dừng lại mà tạo điều kiện, tiền đề cho mở rộng ngành nghề sản xuất từ mía đường như công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo, cồn rượu, khí ga CO, phân vi sinh… và các nhà máy lớn còn có thể sản xuất điện năng từ nguồn chất đốt bã mía.

 

Cái nhất về kinh tế mía đường đã hình thành và tất yếu cái nhất này sẽ được củng cố, hoàn thiện.

 

Chúng ta đã từng nói với nhau và từng nghe thấy chuyện muốn làm giàu phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng đó là một quá trình không thể đốt cháy giai đoạn. Nhà máy lọc hóa dầu và cụm công nghiệp Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi đang phát huy tác dụng, cổ vũ, khuyến khích chúng ta kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp. Tuy vậy, chúng ta cũng cần biết thêm, để có được một Dung Quất như hôm nay, không phải chỉ có tỉnh Quảng Ngãi mà đó là nguồn lực, trí tuệ của cả nước, từ Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã vào cuộc, và một quá trình không dưới 10 năm, vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại cùng với các quyết định táo bạo có tính lịch sử mới được như hôm nay chứ không hề giản đơn. Bản thân tỉnh ta cũng từng có dự án và cũng đã có kinh nghiệm xung quanh vấn đề này.

 

Điều có thể rút ra là sự lựa chọn. Việc củng cố, bồi bổ, hoàn thiện hai cái nhất đang xuất hiện là cái chúng ta đang nắm trong tay. Hai nhất này phát huy tác dụng càng lớn thì chẳng những không cản trở mà còn là tác nhân tích cực để tỉnh ta kêu gọi dự án đầu tư, phát triển công nghiệp như chương trình, kế hoạch đã đề ra.

 

Cũng cần nói thêm, hiện tại vấn đề đào tạo nghề cho nông dân là rất cấp bách, trong khi tại tỉnh ta, người nông dân, ngư dân trên hai lĩnh vực này đang có sẵn tay nghề thuần thục, có thể nói khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương và trồng mía để sản xuất chế biến đường đang được người lao động thực hiện như những nghệ sĩ, đây là thế mạnh tuyệt đối để tỉnh ta củng cố vị trí “hai nhất” một cách sáng tạo, vững bền.

 

* * *

 

Mong rằng vị trí “hai nhất” sẽ liên tục được củng cố phát huy, tạo đòn bẩy tác động về mọi mặt để tỉnh Phú Yên sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh và đẹp đẽ trong suốt quá trình phát triển đi lên của mình.

 

NGUYỄN TƯỜNG THUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek