Chủ Nhật, 22/09/2024 02:42 SA
Ước vọng và trách nhiệm với quê hương
Thứ Năm, 03/03/2011 10:30 SA

Cách đây 2 năm, chúng tôi có dịp đưa nhà giáo lão thành Bùi Xuân Các về nhà con gái ông ở Nha Trang sau chuyến ra thăm Phú Yên. Trên chuyến tàu đêm, chúng tôi nghe ông kể về một thời hoạt động cách mạng gắn bó với vùng đất Phú Yên. Những kỷ niệm ùa về cùng với niềm tin mà thầy gửi gắm vào những học trò thế hệ sau của trường Lương Văn Chánh nói riêng và nhân dân Phú Yên nói chung, sẽ có một ngày làm rạng danh đất Phú.

 

thay-cac110302.gif

Phóng viên Báo Phú Yên và các cựu học sinh Trường Lương Văn Chánh đón thầy Bùi Xuân Các (thứ hai từ trái sang) về thăm Phú Yên – Ảnh: T.Q

 

Nhà giáo lão thành Bùi Xuân Các, sinh năm 1928, quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là một trong những học trò ưu tú của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là đảng viên Cộng sản từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Trong thời gian hoạt động ở Phú Yên (3/1946 – 1952) “ông nghè bút thiếp” Bùi Xuân Các từng giữ các cương vị Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Phú Yên; Tổng Biên tập báo Chiến Thắng, tiền thân của Báo Phú Yên ngày nay; người xây dựng Trường trung học Lương Văn Chánh thời kháng chiến chống Pháp, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng học sinh và phụ huynh nhiều thế hệ.

Câu chuyện giữa chúng tôi và nhà giáo lão thành Bùi Xuân Các bắt đầu từ những ngày đầu năm 1946 khi ông mới đặt chân vào đất Phú Yên. Kỷ niệm một thời chợt ùa về. Giọng Quảng Bình của ông cứ trầm bổng theo tiếng xập xình của bánh tàu qua đường ray như một thứ âm nhạc đặc biệt.

 

Ông kể và khẳng định: “Trong suốt quá trình công tác ở Phú Yên, tôi đi đến nhiều nhà dân, ai cũng đón tiếp rất nồng hậu và tình cảm. Một thứ tình cảm rất sâu sắc và chân thật. Họ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ. Người Phú Yên giàu lòng nhân ái, nghĩa tình và hiếu học”!

 

Đó là bà cụ Lành ở An Thổ (huyện Tuy An), mắt bị mù nhưng lòng sáng và đầy nhân ái. Đó là vợ chồng bà cụ Liền ở Phong Niên, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), người không quen biết nhưng đã cưu mang cả gia đình tôi khi lần thứ hai trở lại Tuy Hòa. Hay vợ chồng ông Bảy Tuân, một phụ huynh học sinh trường Lương Văn Chánh hiến cả tấm mặt bàn bằng cẩm thạch để gia đình tôi làm kế sinh nhai mà không một chút tính toán… Người Phú Yên mà tôi biết rất tình cảm nhưng cũng rất dứt khoát, thấy cái lợi chung là họ làm ngay mà không do dự, suy nghĩ. Tính cách ấy có ảnh hưởng đến một quyết định mang tính bước ngoặt của tôi sau này về việc thay đổi kiểu viết chữ quốc ngữ.

 

Ông tiếp tục câu chuyện một thời của mình đầy tự hào: Tôi vốn có năng khiếu viết chữ đẹp. Đến một người cầu kỳ, nghiêm cẩn với cái đẹp như nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải ngưỡng mộ mà thốt lên, đề bút  “Kính tặng ông nghè bút thiếp thời nay”.

 

Khi bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, tôi đã suy nghĩ và mạnh dạn viết thư ra Quốc hội đề nghị trình bày Hiến pháp bằng chữ viết tay của mình. Xem nét chữ trong thư, Quốc hội chấp thuận ngay. Sau đó, vì chiến tranh, tâm nguyện trên không được thực hiện. Nhưng tôi không bỏ cuộc, mà vẫn dành thời gian trình bày bản Tuyên ngôn độc lập đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 năm 1946. Bản Tuyên ngôn độc lập viết bằng bút thiếp ấy được đưa vào Viện Bảo tàng.

 

Sau khi rời trường Lương Văn Chánh một thời gian, tôi được điều về Bộ Giáo dục. Một trong những nhiệm vụ lúc bấy giờ là viết một cuốn sách hướng dẫn cho học sinh cấp I cách tập viết chữ quốc ngữ (lúc đó chưa có sách hướng dẫn tập viết chữ nên chữ viết học trò rất xấu). Và khi sách ra đời, chữ viết của nhiều học sinh cấp I toàn miền Bắc đã đẹp hẳn lên.

 

Kiểu chữ “mềm mại, bay bướm” ngay lập tức được đón nhận và ăn sâu vào nét bút nhiều thế hệ học trò. Sau ngày giải phóng, đất nước hết chiến tranh thì chính tôi lại đề nghị thay đổi kiểu chữ viết. Lý do: “Kiểu chữ cũ phải viết bằng bút lông, bút lá tre, nét thanh nét đậm, uốn lượn nhẩn nha, viết mất nhiều thời gian. Trong khi, hoàn cảnh thay đổi, đã qua thời của bút lá tre, đến thời của bút bi rồi. Người ta cũng không có nhiều thời gian để nắn nót nét chữ”. Ai mà chẳng luyến tiếc khi bỏ đi “một đứa con tinh thần”. Nhưng vì cái lợi chung của đất nước, của nhiều thế hệ sau, nên mình phải dứt khoát. Đó là một quyết định khó khăn, nhưng tôi đã dứt khoát là vì tôi học được đức tính của người Phú Yên vậy.

 

Tàu vào đường hầm đèo Cả. Tối om, chỉ còn ánh điện trong toa. Thầy Các trầm ngâm: “Trong khó khăn mà mọi người vẫn mở rộng tấm lòng. Trước cái lợi riêng mà không bị cám dỗ thì đúng thật là…”. Thầy Các bỏ dở câu nói lúc tàu ra khỏi đường hầm. Âm thanh xập xình của bánh tàu như lan tỏa xa hơn, vang vọng hơn. Thầy Các kể tiếp:

 

Khi mới vào Phú Yên, tôi được phân công làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền. Sau đó, năm 1948 do điều kiện cách mạng yêu cầu chuyển sang làm công tác xây dựng lại trường Lương Văn Chánh sau một thời gian bị thu hẹp, tản cư, trường cấp hai đầu tiên của tỉnh Phú Yên, tiền thân trường chuyên Lương Văn Chánh ngày nay.

 

Ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, thời điểm mà Phú Yên và cả nước rất khó khăn vừa lo xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức kháng chiến nhưng vẫn chăm lo đến sự nghiệp trồng người, tạo nguồn nhân lực để kiến thiết tỉnh nhà. Đó là một tư tưởng lớn, có tầm chiến lược. Chính những lớp học trò đầu tiên của trường Lương Văn Chánh đã tiếp nối giữ các vị trí quan trọng của tỉnh sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Ngày nay, tôi biết nhiều người là học sinh ngôi trường mang tên vị Thành hầu họ Lương đang rất thành công, hoạt động ở nhiều lĩnh vực và giữ nhiều vị trí quan trọng trên khắp cả nước.

 

Học sinh Phú Yên thông minh, hiếu học và có tinh thần tôn sư trọng đạo, nghĩa tình đậm đà, bền chặt hiếm có. Tinh thần ấy không một trường nào kể cả các trường lớn rất có tiếng tăm như Quốc học Huế, Đồng Khánh Huế, Trường Bưởi… có được. Minh chứng là việc trường đã tổ chức và duy trì Hội Thầy trò Lương Văn Chánh, một hội có tôn chỉ mục đích là thành viên chính thức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Hội không chỉ hoạt động trong phạm vi Phú Yên mà có chi hội tại 12 tỉnh, từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, riêng Phú Yên có 11 chi hội ở các huyện, thị xã, thành phố với gần 10.000 hội viên!

 

Giọng Quảng Bình của thầy Các vẫn nhỏ nhẹ mà như rút từ ruột gan khi nói về ngôi trường mà trong kháng chiến thầy là một trong những người gầy dựng. Rồi ông đặt cho chúng tôi một câu hỏi: “Các cháu có nghĩ một vùng đất mà sản sinh ra những con người trọng nghĩa tình, giàu lòng nhân ái và hiếu học, thông minh sẽ thế nào không? Câu hỏi hơi bất ngờ và vấn đề rộng quá làm chúng tôi lúng túng. Thầy Các ôn tồn nói hai chữ đó là “kỳ vọng”.

 

Tôi sống và làm việc ở Phú Yên chỉ vỏn vẹn 6 năm. Nhưng Phú Yên đã là quê hương thứ hai của mình rồi.

 

Ngày trước các đồng chí lãnh đạo cách mạng Phú Yên đã sáng suốt và có tầm nhìn chiến lược khi quyết định đầu tư cho trồng người; đã dũng cảm khi cắt cử bố trí cán bộ để lo cho việc dựng trường trong khi công cuộc kháng chiến còn rất gian khổ và cần người. Qua đó thể hiện tầm nhìn xa, sự kỳ vọng và cách dùng người của những vị lãnh đạo lúc bấy giờ. Thật tự hào trong hai cuộc kháng chiến người Phú Yên với tấm lòng son sắt, kiên trung với cách mạng. Thời bình, thật vui mừng và kỳ vọng khi nhiều trí trức trẻ Phú Yên đã và đang khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên, kinh tế, xã hội không chỉ trên miền quê đất Phú mà của cả nước Việt Nam và thế giới.

 

Trong tương lai không xa, tỉnh Phú Yên với những con người giàu lòng nhân nghĩa và thông minh, nhất định sẽ xây dựng quê hương Phú Yên giàu đẹp.

 

Chuyến tàu đêm đến Nha Trang như nhanh hơn khi câu chuyện với thầy Bùi Xuân Các vẫn còn dài lắm. Qua chừng ấy mẩu chuyện và suy ngẫm của nhà giáo lão thành đất Quảng Bình tôi cảm thấy mình có trách nhiệm hơn. Mà không, cả thế hệ trẻ chúng tôi cần có ước vọng, có trách nhiệm hơn, góp sức mình xây dựng quê hương phồn thịnh như kỳ vọng của cha ông khi đặt tên cho địa danh này: “Đất Phú trời Yên”.

 

TRẦN QUỚI - HẠO NHIÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek