Chủ Nhật, 22/09/2024 03:12 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 28/02/2011 10:00 SA

Vũ khí của nghĩa quân Võ Trứ chủ yếu là giáo mác, lao làm bằng cây lồ ô, cây giang vạt nhọn rất sắc bén. Dân binh miền núi trang bị nỏ bắn tên thuốc độc, dao bảy, lăng khiên; người Kinh thì sử dụng rựa cán dài (do đó thực dân Pháp gọi nghĩa quân là “giặc rựa”). Ngoài ra, khẩu đại bác nhỏ bằng đồng là vũ khí duy nhất trong đội pháo binh của Võ Trứ. Một thứ vũ khí quan trọng mà nghĩa quân mỗi người mang trong mình lúc xung trận là “lá bùa hộ mệnh”, với niềm tin vào sức mạnh vô biên của bùa tiên là “gươm chém không đứt, đạn bắn không trúng, có trúng cũng không bị thương”.

 

Đánh giá về Võ Trứ và những hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa, công sứ Blainville viết: “Võ Trứ không phải là một nhân vật tầm thường. Hắn có ảnh hưởng thật sự chẳng những đối với người mọi mà cả người Annam ở Phú Yên cũng kính phục hắn. Khi đặt niềm tin vào mục tiêu nào đó, hắn âm thầm tìm hiểu và tìm những cộng sự đáng tin cậy giữa những người cuồng tín. Khi sống với dân, hắn đã biết khơi dậy những vấn đề bất mãn của họ như thuế thổ trạch, thuế thân, thuế phụ thu… cho đến bây giờ phần lớn họ đang chờ đợi một sự kiện diễn ra, tuy không cần tuyên bố rằng Võ Trứ ở đâu, mặc kệ, họ chỉ biết họ không bỏ hắn, hắn vẫn còn sự ngưỡng mộ âm thầm của họ”(1).

 

III. Diễn biến cuộc khởi nghĩa

 

Sau một thời gian chiêu tập lực lượng, xây dựng căn cứ, ngày rằm tháng 7 năm Kỷ Hợi (1899), Võ Trứ triệu tập cuộc họp tại chùa Đá Trắng gồm các thân hào, nhân sĩ, nhà sư gần 30 người, có cả đại biểu người dân tộc ít người để bàn việc mở rộng tổ chức, chia nhau mua sắm khí giới và ban hành kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến. Trong sách Võ nhân Bình Định, Quách Tấn miêu tả quang cảnh và nội dung của hội nghị này: “Bên ngoài thì làm chay, múa lục cúng… bên trong thì nghĩa đảng mở hội nghị. Chỉ huy các cấp Thượng và Kinh đều có mặt. Ngoài Võ Trứ và Trần Cao Vân là hai vị lãnh đạo tối cao, còn có Nguyễn Khỏe, Huỳnh Cự - một người Thiên Chúa giáo ngoan đạo, gia nhập đảng từ lúc sơ khai. Lại có các ông Lê Tợ, Trần Ký, Hồ Châu - ba Phật tử thuần thành, đã cúng hết tài sản cho nghĩa quân và nguyện xả thân vì nước, vì đạo. Toàn thể hội nghị đồng thanh tôn Võ Trứ làm Minh Trai chủ tể, Trần Cao Vân làm Quân sư, Nguyễn Khỏe làm Đại tướng, Cai Năm làm Phó tướng… Còn các người khác thì tùy khả năng phân công. Hội nghị quyết định hưng binh trong vòng tháng giêng năm Canh Tý (1900), đánh chiếm tỉnh lỵ Sông Cầu làm căn cứ, lấy súng đạn của trại lính khố xanh để trang bị cho chủ lực chiến đấu, rồi dùng thượng đạo ra tập kích Quy Nhơn”.

 

Trong lúc công tác chuẩn bị khởi nghĩa đang tiến hành khẩn trương thì một số cơ sở bị lộ. Chánh tổng Xuân Sơn Thượng là Nguyễn Trứ và Tri phủ Tuy An là Nguyễn Khải đã báo cáo các hoạt động của nghĩa quân cho Công sứ Sông Cầu. Thực dân Pháp bắt đầu cho người ráo riết theo dõi. Cuối năm 1899, khi nghe tin Võ Trứ thường lui tới vùng Phú Giang, Kỳ Lộ, Blainville phái thanh tra Triguet núp dưới danh nghĩa là người khai thác và thu thập tin tức xâm nhập khu vực này để điều tra. Pháp còn dự tính sẽ thiết lập một đồn binh tại vùng này để kiểm soát hoạt động của nghĩa quân mà chúng nghi ngờ. Tuy nhiên, bọn chúng không dò la được hành tung về nghĩa quân Võ Trứ. Các lý hương thì quả quyết rằng không hề biết Võ Trứ mà cũng không hề nghe tên, còn đồng bào thì bảo có biết Võ Trứ nhưng lâu lắm rồi không còn thấy tới lui. Tuy vậy, quân Pháp vẫn tiếp tục việc do thám và lùng sục ở các khu vực chúng khả nghi.

 

Tình hình Phú Yên đến đầu tháng 5/1900 có nhiều chuyển biến quan trọng, cho phép Võ Trứ phát động cuộc khởi nghĩa không thể trì hoãn nữa. Trong dân gian lưu truyền câu sấm tiên đoán thời cơ cho cuộc nổi dậy:

 

“Chừng nào Thánh xuống Hòn Vàng

Thì dân ta sẽ hoàn toàn tự do”

 

Bên cạnh việc truy lùng, bố ráp Võ Trứ của thực dân Pháp gia tăng, thì lúc này sự căm phẫn của nhân dân đối với chính phủ bảo hộ lên cao hơn bao giờ hết vì nạn sưu cao thuế nặng, sự ức hiếp của cường hào, nạn đói đang hoành hành… Các nơi trong tỉnh đều sẵn sàng đứng dậy khởi nghĩa khi có hiệu lệnh phát ra từ Bộ chỉ huy nghĩa quân. Mặc dù trong kế hoạch cuộc khởi nghĩa sẽ có sự phối hợp với Thủy Xá, Hỏa Xá nhưng chưa liên lạc kịp. Tuy vậy, Võ Trứ vẫn quyết định phát động khởi nghĩa vì một số cơ sở bị lộ, để chậm giặc Pháp sẽ đàn áp. Hơn nữa phải nắm lấy cơ hội lúc nhân dân đang sục sôi căm thù giặc Pháp, họ sẵn sàng hưởng ứng.

 

Theo kế hoạch, trước hết quân khởi nghĩa sẽ đánh vào đồn lính tập, ở đây có một số chỉ huy đã bí mật liên lạc với nghĩa quân làm nội ứng, lấy vũ khí trang bị cho dân binh, sau đó chiếm tỉnh lỵ Sông Cầu. Đồng thời một toán nghĩa quân khoảng 12 người sẽ bí mật đi thuyền đến tòa Công sứ đột nhập giết quan đầu tỉnh và gia đình cùng với viên thanh tra rồi chiếm trại lính(2).

 

Đầu tháng 5/1900, Võ Trứ tập hợp lực lượng quân khởi nghĩa tại căn cứ trung tâm làng Đồng, đồng thời phái người xuống Tuy An, Tuy Hòa củng cố và sắp đặt lực lượng nội ứng chuẩn bị khởi sự. Thực dân Pháp nắm được tin này nên cho lính bố ráp khắp vùng núi, vùng quê, nhưng bị lý hương và dân chúng đánh lạc hướng, không tìm thấy dấu vết của nghĩa quân.

 

(Còn nữa)

 

------------------------

(1) Rapport politique-Song Cau, le 29 Juillet 1900..,. Sđd

(2) A.Laborde,  La province de Phu -Yen (Tỉnh Phú Yên), Sđd, tr.396.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek