Chủ Nhật, 22/09/2024 02:30 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 02/03/2011 10:00 SA

Như vậy, ngay từ khi Võ Trứ rời khỏi bản quán dấn thân trên con đường cứu nước theo tư tưởng mới, thì trong nhận thức của thực dân Pháp-ông là đối tượng cực kỳ nguy hiểm cho an ninh của chúng. Do đó, từ Khâm sứ Trung Kỳ đến Công sứ hai tỉnh Phú Yên, Bình Định, huyện viên, tri phủ, nha lại những nơi Trứ đến đều lo lắng, đốc thúc việc theo dõi và truy nã. Trong những vùng Võ Trứ đến hoạt động, dù ông mang các tên gọi khác nhau như Võ Thản, Trứu Lô, Nguyễn Trứ, Võ Văn Trứ… nhưng qua sưu tra, thực dân Pháp xác định vẫn chỉ là một Võ Trứ đang làm “ngụy” mưu phản.

 

Việc truy lùng Võ Trứ ngày càng ráo riết khi chính quyền bảo hộ phát hiện nghĩa quân lập căn cứ ở Di Lang Phá (huyện Sơn Hòa). Để triệt phá căn cứ này, Công sứ Sông Cầu huy động nhiều thành phần: lãnh binh Phạm Tấn, tri huyện Sơn Hòa Trần Kỳ Phong, tri phủ Tuy An Nguyễn Khải và lính tập lẫn biền binh hình thành lực lượng ngụy quan, ngụy quân đông đảo hành quân từ xứ Kỷ Tối đến Di Lang Phá. Mật trình của Bố chánh Phú Yên ngày 20/2/1899 tường thuật rõ về cuộc tảo thanh này: “Giờ Mẹo đốc suất kiểm chỉnh binh lính, khí giới cùng lãnh binh Phạm Tấn qua đến thôn Hà Trung, khoảng cơm nước xong thì thấy huyện viên Sơn Hòa là Trần Kỳ Phong đến nơi sức dân Phú Yên lặng chuẩn bị gánh gồng đợi viên phủ Tuy An là Nguyễn Khải cùng biền binh tiếp đến, cơm trưa xong liền cùng nhau lên đường. Chiều giờ Dậu đến kho thôn Phú Xuân ăn cơm tối và chuẩn bị cơm sáng mang theo. Giờ Tý đêm 17 chia toán (lãnh binh viên toán trước, phủ viên toán giữa, mỗi toán có 8 lính tập, thiểm phiên toán đi sau có 4 lính tập, lính tỉnh thì tùy lượng chia cho các toán) cùng với người dẫn đường đương đêm (ngựa không đeo lục lạc, không khua trống) đi cho đến sáng đến phường Tổng Binh tạm dừng lại do thám thì đoán chừng y (Võ Trứ-ĐNK) đóng trại tại Di Lang Phá.Vừa trông thấy ba bốn người trong đó có tăng ra đi, sinh nghi liền đuổi bắt và chia chận các đường hiểm yếu, giao lãnh binh viên đem biền binh và lính tập vào thẳng xứ Lang Phá, tăng ấy và đảng mọi đã trốn đi trong đêm. Giờ Dậu trở về nói rõ rằng đã đốt sạch các trại xá”(1).

 

Truy bắt Võ Trứ đang ẩn náu giữa các làng đồng bào ít người trên vùng núi rừng huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa là việc rất khó khăn. Theo nhận định của quan lại Nam triều thì “tên ấy (Võ Trứ-ĐNK) đã quen các sách mọi từ lâu ắt đã đi sâu ẩn trốn, nã bắt được tưởng cũng còn lâu”(2), nên Võ Trứ đi đến đâu cũng được sự ủng hộ của dân chúng. Khi bọn Pháp hỏi đến thì họ trả lời “không hay, không thấy, không biết” hoặc “có biết, nhưng từ lâu không thấy Võ Trứ trở lại”(3). Ở vùng đồng bằng, uy tín của Võ Trứ trong nhân dân cũng rất lớn, họ xem ông như nhà tiên tri. Báo cáo Công sứ Pháp khẳng định điều này: “Hắn (Võ Trứ-ĐNK) đã có ảnh hưởng sâu rộng từ những vùng rừng núi cho đến vùng đồng bằng. Dưới chiêu bài truyền bá tôn giáo, hắn đã theo dõi một mục tiêu chính trị nhất định. Chính lẽ ấy hắn đã qui tụ được nhiều phần tử cuồng tín và luôn trung thành hết mực. Với những phần tử ấy, hắn đã trở thành đấng tiên tri, luôn đưa ra những lời phán bảo như một sứ giả của cõi vô hình… và Võ Trứ đã thu được sự sùng bái và ngưỡng mộ của rất nhiều người”(4).

 

Không tìm được Võ Trứ, thực dân Pháp quay sang lùng bắt những người bị tình nghi có liên quan đến hoạt động chuẩn bị nổi dậy, dù chứng cớ thu thập được chưa rõ ràng, chỉ là một thư rơi. Ngày 23/2/1899, tuần Sương và các lý dịch thôn Phước Hòa(5) nhặt được phong thư bên đường có đóng dấu son với dòng chữ Hòa Thượng sung vi chánh tướng Hồng tri châu và tên nhiều người mà Bố chánh, án sát Phú Yên nghi ngờ “có can dự vào việc ngụy”(6). Bản mật khẩn trình lên Cơ mật viện tại Huế ngày 19/3/1899 của chính quyền Nam triều ở Phú Yên kê khai rõ những người bị bắt: “Số tình nghi bị bắt và phái nã hiện giam 12 tên: Nguyễn Văn, Nguyễn Phụng, Nguyễn An Pháp (cả 3 là sư tăng, Nguyễn An Pháp cung khai xuất gia hồi 8 tuổi), Nguyễn Liễm, Nguyễn Vĩnh (trở xuống là dân thường), Bùi Thông, Nguyễn Sửu, Phạm Văn Thi, Võ Lự, Võ Thừa Trực, Nguyễn Giai, Nguyễn Văn Lư. Số có tên trong thơ rơi hiện giam 9 tên: Lê Trực, Hồ Lẫm, Hồ Cận, Võ Chi, Thái Hồng, Thái Lục, Nguyễn Long, Lê Vãng, Hồ Biển (tất cả ở thôn Phước Hòa)”(7).

 

Hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa của Võ Trứ đến đầu tháng 5/1900 được Chánh tổng Xuân Sơn Thượng Nguyễn Trứ và tri phủ Tuy An Nguyễn Khải báo cáo cụ thể với công sứ Sông Cầu, nên chính quyền thực dân xúc tiến ngay kế hoạch đối phó. Thanh tra Crémont cùng với 20 tay súng được lệnh lùng sục khu vực miền tây Phú Yên để thu thập tin tức và tiêu diệt nghĩa quân. Tuy nhiên cuộc tảo thanh này hoàn toàn thất bại và Crémont trở về Sông Cầu vào đêm 13/5/1899. Theo ý kiến của tri phủ Tuy An Nguyễn Khải là “cần ém quân tại Sông Cầu chờ bọn Võ Trứ. Thế nào chúng cũng tiến đánh dinh Công sứ”(8). Tuy nhiên, Công sứ Blainville lo xa hơn, đã cử phần lớn quân số đi về hướng Củng Sơn từ sáng sớm ngày 14/5/1900, vì “tưởng gặp quân Võ Trứ ở đây”(9). Đêm 15/5/1900, khi nghĩa quân sắp đánh vào đồn lính khố xanh và dinh Công sứ qua tin báo của phó lý làng Triều Sơn.

 

(Còn nữa)

 

-----------------------

(1) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 20/2/1899, Sđd, tr.796.

(2) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 19/3/1899, Sđd, tr.817

(3) (4)Rapport politique-Song Cau, le 5-4-1900..,. Sđd.

(5) Phước Hòa nay được chia làm 2 là thôn Hòa Bình và Hòa Nghĩa thuộc xã Sơn Định (Sơn Hòa).

(6) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 19/3/1899, Sđd, tr.817

(7) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 19/3/1899, Sđd, tr.818.

(8) Rapport politique-Song Cau, le 10/6/1900..,. Sđd.

(9) A.Laborde,  La province de Phu-Yen (Tỉnh Phú Yên), Sđd, tr.396.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek