Chủ Nhật, 22/09/2024 03:01 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 03/03/2011 07:30 SA

Lúc này Blainville mới thật sự hoảng hốt và không tin vào điều này: “Đầu tiên, tôi không tin vào lời những tên này, bởi hệ thống hội tề, chức sắc các làng khu vực Vũng Lắm không một ai đến báo tin. Lát sau tôi được tin báo từ trạm Phú Lưu cách Triều Sơn 2km, cách dinh công sứ 5km rằng giặc (nghĩa quân-ĐNK) đã ở ngay trước trạm họ. Bây giờ tôi mới hiểu: đây là sự thật”(1). Mặc dù bất ngờ và kinh ngạc, nhưng Blainville kịp thời bố trí lực lượng phòng thủ và đích thân cùng Conchy chỉ huy đội kỵ binh trang bị bằng súng trường đến dốc Găng ngăn chặn quân khởi nghĩa.

 

Cuộc tấn công vào Sông Cầu của Võ Trứ tuy bất thành, nhưng việc để lực lượng quân khởi nghĩa đánh vào tỉnh lỵ đã khiến cho cấp trên của Blainville quở trách. Điều này khiến cho Blainville tức tối và quyết tâm:”Phải ngăn chặn, tiêu diệt đến cùng, phải cư xử với chúng (quân khởi nghĩa) bằng súng đạn”(2). Ngày 22-5-1900, sau khi được tăng viện quân phòng đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (với gần 100 lính, 100 tuần sai), công sứ Blainville tổ chức các cuộc hành binh đàn áp nghĩa quân với mục đích “không cho Võ Trứ có điều kiện nghỉ ngơi, tập trung lực lượng và tổ chức các hoạt động đánh chiếm các mục tiêu mà hắn đã định… và dạy cho chúng một bài học”(3). Nhiều làng khu vực căn cứ bị địch đốt phá, nhiều nghĩa quân bị bắt, bị tra tấn dã man. Lúc bấy giờ có khoảng 300 người bị bắt, các nhà giam ở Phú Yên đều chật cứng phạm nhân.

 

Ngày 29-5-1900, thanh tra Stenger và Founé chỉ huy 75 tay súng, trang bị đầy đủ đạn dược và lương thực tiến vào khu vực miền núi La Hiên. Đi đến đâu chúng đều bắn giết và khủng bố dân lành một cách tàn bạo. Các làng Đồng, làng Bok Meo, làng Cham Diên bị thiêu trụi. Ở đồng bằng, “giặc lại khám chùa chiền, chúng tìm gặp nhiều kho vũ khí chôn giấu nên bắt giam các sư sãi và những tín đồ thường lui tới. Một hiện tượng hy hữu trong lịch sử lao tù: đệ tử Thích Ca nằm chật các nhà lao”(4). Trước hoàn cảnh đó, ngày 31-5-1900, Võ Trứ quyết định ra nộp mình để cứu nhân dân thoát khỏi sự khủng bố của kẻ thù.

 

Khi bắt được Võ Trứ, thực dân Pháp dùng mọi cực hình tra tấn nhưng không thể uy hiếp và tìm ra Bộ chỉ huy tổ chức cuộc khởi nghĩa. Võ Trứ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức khởi nghĩa, lôi kéo lực lượng dân chúng đi theo đều do mình làm. Bọn Pháp còn dùng tình cảm gia đình để khuất phục bằng cách đưa 4 cô gái và cậu con trai nhỏ tuổi đến trước mặt Võ Trứ khuyên ông đầu hàng, hợp tác với Pháp sẽ được sung sướng và sum họp gia đình. Võ Trứ nhìn các con và nói: “Cha chết vì nước, vì hạnh phúc của các con, thù này các con nhớ lấy, vĩnh biệt các con”(5). Và ông quay sang nói với viên công sứ Phú Yên: “Các ông không thể dùng tình cảm để khuất phục ta được đâu. Ta muốn đánh người Pháp để giành độc lập cho đất nước và thay đổi triều đại đương kim đã phản bội lại dân chúng để lập lên triều vua khác, mà người cai trị là một thánh quân. Nhưng tiếc thay công việc không thành, ta chỉ biết lấy cái chết để đền nợ nước, các ông không phải nói nhiều lời”(6). Cuối cùng giặc Pháp đem Võ Trứ và hai phụ tá của ông ra xử chém vào ngày 6-6-1900. Đầu của ông bị chúng cắm nhiều ngày trên cầu Tam Giang- cửa ngõ vào tỉnh lỵ Sông Cầu để răn đe dân chúng(7). Sau đó không lâu, hai tướng của Võ Trứ là Nguyễn Khỏe và Huỳnh Cự cũng bị bắt và xử tử ngày 30-6-1900 tại Sông Cầu; 97 người bị kết án từ 2 năm đến 13 năm tù lao động khổ sai. Các làng có liên quan đến cuộc khởi nghĩa còn phải nộp thuế chiến tranh với 20.000 quan tiền. Số tiền này theo lời công sứ Laborde là dùng vào việc thiết lập đường dây điện thoại đi Củng Sơn và xây dựng chợ Sông Cầu(8).

 

Thẳng tay đàn áp, chém giết từ thủ lĩnh phong trào đến dân binh các làng tham gia khởi nghĩa của thực dân Pháp nhằm khủng bố tinh thần đấu tranh của nhân dân Phú Yên, ngăn ngừa những cuộc nổi dậy trong tương lai. Mục đích này được công sứ Blainville thổ lộ: “Việc chém đầu tội phạm chính là bài học, là tấm gương răn đe để những người khác ý thức được bổn phận làm dân của mình”.

 

Đi đôi chính sách đàn áp, khủng bố, thực dân Pháp còn sử dụng thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo đồng bào ít người tại vùng rừng núi huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa hợp tác với chính quyền thuộc địa. Thanh tra Founé được lệnh quay lại vùng thượng nguồn Kỳ Lộ, tìm cách đặt mối liên hệ với dân chúng. Tại đây dân làng đã tản mát vào rừng sau hàng loạt cuộc tảo thanh, bắn giết của quân Pháp. Cuối cùng Founé cũng đưa được 32 già làng về Sông Cầu và cho ở lại đây suốt trong tháng 6-1900. Trong thời gian lưu lại Sông Cầu, các già làng được thực dân Pháp phục vụ ăn uống, tiêu khiển những thú vui mới lạ, đặc biệt được “học tập để xóa đi những tưởng tượng vốn có,.. vì đã dại dột tin theo lời Võ Trứ tham gia vào việc phản loạn chống lại nhà cầm quyền… và rằng trong tương lai họ sẽ quên hết những lỗi lầm do họ gây ra”. Một số dân làng vùng Cà Lúi cũng được Blainville đưa về Sông Cầu trong 3 ngày và “được cư xử giống như bọn Cà Lố (Kỳ Lộ-ĐNK), sau đó quay về buôn làng”. Tuy nhiên, với truyền thống đấu tranh bất khuất, đồng bào các dân tộc ít người miền tây Phú Yên không rơi vào âm mưu và những thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ của kẻ thù, tiếp tục tham gia vào các phong trào yêu nước trong nửa đầu thế kỷ XX, góp phần đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi.                                   

 

 (Còn nữa)

 

(1)Rapport politique-Song Cau, le 10-6-1900…, Sđd

(2) (3) Rapport politique-Song Cau, le 10 -6 -1900..,. Sđd.

(3) Đặng Qúi Địch, Nhân vật Bình Định, Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.139.

(4) (5) Rapport politique-Song Cau, le 29 Juillet 1900..,. Sđd.

(6) Hành Sơn trong sách Cụ Trần Cao Vân có nói khác một vài chi tiết về việc hành hình Võ Trứ của thực dân Pháp: “Theo những người có mặt ở Phú Yên hồi ấy, người thì bảo tất cả có 12 người tử hình kể cả Võ Trứ. Có kẻ lại nói phỏng độ năm, sáu người. Vì lúc ấy khoảng cầu Tam Giang dọc theo đường thiên lý phía ngoài Sông Cầu, họ trông thấy có năm, sáu đầu người bêu ở các cọc tre trồng hai bên đường”(tr.52). Chúng tôi đưa số liệu này để bạn đọc tham khảo.

(7) A.Laborde,  La province de Phu -Yen (Tỉnh Phú Yên), Sđd, tr.396-397.

(8) Rapport politique-Song Cau, le 29 Juillet 1900..,. Sđd.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek