Chủ Nhật, 22/09/2024 02:36 SA
Nhớ ông Hội Chàm, kỳ vọng vùng đất Phước Tân
Thứ Tư, 02/03/2011 09:00 SA

Từ lâu, chúng tôi được nghe người dân tộc Chăm H’ Roi ở phía tây tỉnh Phú Yên có phong trào “Nước xu” từ những năm 1936–1939, do ông Săm Brăm (hay còn gọi là ông Hội Chàm) ở làng Chăm Piêng, xã Bầu Bèn, nay thuộc buôn Ma Hóa, xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) dấy lên để chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp. Ngưỡng mộ ông Hội Chàm đã lâu, nay mới có dịp về viếng mộ ông nhân ngày giỗ 17 tháng Giêng năm Tân Mão.

 

vm110302.jpg

Cháu chắt cúng giỗ ông Hội Chàm tại ngôi mộ. - Ảnh: L.KHA

 

Mộ phần của ông Hội Chàm nằm dưới chân núi K’Bang và bên con suối Ea Ch’Pó, cách phía bắc buôn Ma Hóa gần 200m. Ngày giỗ ông Hội Chàm, cháu chắt nội ngoại tựu tề, sum vầy và bà con buôn làng cùng đến để tưởng nhớ ông. Các già làng ở buôn Ma Hóa cho biết: Ông Hội Chàm tướng mạo quắc thước, phúc hậu. Lúc sinh thời, ông luôn giúp đỡ những người thiếu ăn, cho bà con mượn trâu bò để cày kéo. Xưa kia, nhà ông Hội Chàm dài hơn 12 sải tay, có ché Gê a kha đổi 12 con bò, có loại chinh xưa (Muh chinh dai) 12 chiếc. Ông rất có uy tín, tiếng nói ông vang xa đến các buôn làng lân cận, nên gọi ông là Hội Chàm - như một vị vua của người Chăm H’Roi ở phía đông dãy Trường Sơn.

 

Năm 1935, thực dân Pháp bắt đồng bào các dân tộc miền Tây Phú Yên đi xâu, làm phu. Những người đi xâu, làm phu không được ăn no, bệnh tật không có thuốc chữa, gió rét không mảnh vải che thân. Năm 1937, thực dân Pháp xây dựng nhà tù Trà Kê ở Sơn Hội để giam cầm những chiến sĩ cách mạng, với mục đích “tách cá ra khỏi nước “nhằm ngăn chặn lực lượng cách mạng, sự chi viện giữa miền núi và đồng bằng.

 

Chứng kiến những chính sách thực dân Pháp chia rẽ các dân tộc, ông Hội Chàm được các chiến sĩ cách mạng hoạt động tại nhà tù Trà Kê, Tổng Binh… vận động đứng ra tập hợp lực lượng quần chúng miền Tây Phú Yên theo Đảng, làm cách mạng để giải phóng buôn làng, giải phóng dân tộc. Ông Hội Chàm đã lãnh đạo quần chúng dấy lên phong trào “Nước xu”. Ông Oi Đẹt nay đã gần 100 tuổi ở buôn Ma Hóa nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, nhớ rõ từng chi tiết về ông Hội Chàm. Ông kể cho chúng tôi nghe về phong trào “Nước xu”: “Ông Hội Chàm lấy nước ở sông Cà Lúi vào buổi sáng sớm về đổ trong cái bung bằng đồng rộng gần 4 gang tay. Những người đến nhà ông xin “nước thần” bỏ một chiếc cong đồng đeo tay hay một đồng bạc xu trong cái bung để làm lễ cúng thần sông, thần suối (đây cũng là cách để ông ghi nhớ bao nhiêu người là bấy nhiêu chiếc cong, đồng bạc xu). Ông lấy nước rửa nhẹ mái tóc, vuốt xuống chòm râu, sau đó những người đi xin nước lấy nước đó đựng trong ống lồ ô, trái bầu khô đem về nhà sẽ gặp nhiều may mắn…”. Đó là hình thức để tập hợp lực lượng quần chúng đứng lên chống thực dân Pháp. Không những đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Phú Yên, phong trào còn lan tỏa đến đồng bào các vùng Mláh ( Krông Pa, tỉnh Gia Lai ), đồng bào phía tây các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Ông Hội Chàm trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên. Nhân dân sôi nổi đi lấy “Nước xu”, chuẩn bị lực lượng chống Pháp. Tháng 3/1937, một cuộc vận động rộng rãi trong đồng bào dân tộc toàn huyện Sơn Hòa nổ ra, hơn 300 đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã Suối Bạc, Đồng Cam, Tuy Bình, Cà Lúi kéo đến Trà Kê biểu tình, mang theo giáo mác, cung tên chống đi xâu, chống nộp tô thuế và chống lại sự áp bức của bọn địa chủ, cường hào.

 

Ông Ma Lang (La O Dắc), Ma Giỏ (So Hoải) ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) là cháu nội của ông Hội Chàm cho biết: “Hồi cha tôi còn sống có kể lại, cuối năm 1937 ông nội tôi bị Pháp bắt giam tại đồn Tân An, sau đó chuyển đến nhà tù Trà Kê, Sông Cầu, Buôn Ma Thuột, Thanh Hóa cho đến tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp ông mới trở lại làng Chăm Piêng. Bà con đón ông bằng cách đốt một con bò để làm lễ tế Giàng”. Sau khi trở về quê hương, ông Hội Chàm tiếp tục hoạt động cách mạng, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, rồi Phó Chủ tịch Mặt Trận Việt Minh tỉnh Phú Yên. Đến cuối năm 1949 ông qua đời, con cháu và bà con trong buôn làng chôn cất ông trên khu đất nhà cũ. Ông Ma Giỏ, bà Sô Thị Kim Luyến - cháu nội của ông Hội Chàm đưa chúng tôi đến xem một cây cột lõi Ké là dấu tích ông Hội Chàm mở hội đâm trâu, cách mộ ông chừng 50m về phía nam. Ông tế thần linh để xua đuổi tà ma đến quấy nhiễu buôn làng (Pih) bằng con trâu đực trắng, cũng là dịp để ông quy tụ quần chúng nổi dậy chống Pháp.

 

Nằm ở phía đông Tây Nguyên, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Phú Yên. Nhân dân xã Phước Tân có truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần cách mạng sâu sắc. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân xã Phước Tân đã không quản gian khổ, “nằm gai, nếm mật” để đấu tranh bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng, giải phóng quê hương, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975. Ngày nay, người Chăm H’ Roi ở xã Phước Tân đã có nhận thức mới, thoát dần cuộc sống du canh, du cư sang định canh, định cư để ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

 

Trải qua 36 năm sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Phước Tân không ngừng phấn đấu vươn lên, cộng với sự quan tâm đầu tư của huyện, tỉnh và Trung ương, kinh tế - xã hội từng bước đi lên, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; bộ mặt nông thôn vùng căn cứ cách mạng năm xưa được đổi mới. Bà con tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất. 4/6 thôn, buôn có công trình nước tự chảy đưa nước đến từng hộ gia đình; có điện lưới quốc gia để phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày; trường học, trạm y tế, đài tiếp sóng truyền thanh, truyền hình… được xây dựng, đáp ứng được nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 

Nhìn lại những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, khó khăn đã qua càng thấy giá trị sự hy sinh lớn lao của những người con của miền Tây Phú Yên nói chung và xã Phước Tân nói riêng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nhân dân Phước Tân càng tự hào về quê hương, càng biết ơn Đảng, Bác Hồ, biết ơn những người đã ngã xuống, trong đó có sự hy sinh lớn lao của ông Hội Chàm, với phong trào “Nước xu”; để cho hôm nay màu xanh núi rừng Phú Yên thêm xanh tươi, cho cây đời thêm trĩu quả, tô đậm thêm trang sử hào hùng của vùng đất Phú Yên 400 năm.

 

LÊ KHA - HỒNG LINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek