Chủ Nhật, 22/09/2024 02:28 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 27/02/2011 10:00 SA

Ở vùng đồng bằng, Võ Trứ lấy chùa chiền làm căn cứ tập hợp lực lượng. Chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng), phủ Tuy An được chọn làm nơi hội họp bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa và vận động nghĩa quân tham gia; phía sau chùa là dãy núi có nhiều hang đá sâu, kín được nghĩa quân dùng làm nơi cất giấu vũ khí chuẩn bị cho ngày khởi sự. Phủ Tuy Hòa, các chùa từ vùng tả ngạn, hữu ngạn sông Đà Rằng đến vùng Thạch Bàn có nhiệm vụ tập hợp nghĩa quân để phối hợp nổi dậy giành chính quyền tại phủ lỵ khi đội quân chủ lực của Võ Trứ đánh chiếm tỉnh lỵ Sông Cầu. Trong một báo cáo mật, công sứ Phú Yên đã phát hiện kế hoạch nổi dậy của nghĩa quân: “Tôi đã cho người do thám của tôi đi điều tra về cho biết phủ Tuy Hòa – nơi Võ Trứ đã tổ chức nhiều đoàn phiến loạn khoác áo thầy tu sẵn sàng chờ quân Võ Trứ tới được Sông Cầu thì họ đứng dậy hưởng ứng” (1)

 

Hoạt động của nghĩa quân Võ Trứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi Phú Yên mà còn mở rộng đến các xã Canh Sơn, Canh Lãnh thuộc huyện miền núi Vân Canh (tỉnh Bình Định), tạo thành hệ thống căn cứ nối dài từ Phú Yên đến Bình Định. Điều này được Công sứ Blainville viết rõ trong báo cáo: “Bọn mọi Thồ Lồ (Phú Yên – ĐNK) đã từng bước phối hợp với bọn mọi Bình Định tạo thành một vùng căn cứ rộng lớn của bọn Trứ” (2). Trong một đoạn khác viên công sứ này nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần khuyến cáo rằng bọn mọi Bình Định cũng liên kết với bọn mọi Thồ Lồ và trở thành thuộc hạ của Võ Trứ (3). Như vậy, ý định của Võ Trứ muốn thiết lập vùng rừng núi 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định thành căn cứ địa chính cho cuộc khởi nghĩa. Từ đó xuất quân tiến xuống đồng bằng đánh chiếm lỵ sở Sông Cầu – trung tâm chính quyền thực dân Pháp tại Phú Yên.

 

Lực lượng tham gia nghĩa quân phần lớn là đồng bào dân tộc ít người. Họ tin tưởng Võ Trứ như vị thánh sống có nhiều phép thuật. Các sư sãi ở Phú Yên đều gia nhập nghĩa quân cùng với thân hào, nhân sĩ và đông đảo nhất là tín đồ phật giáo. Phần lớn các nhà sư ở Phú Yên có mặt trong nghĩa quân của Võ Trứ đều là người trong dư đảng Cần Vương phải ẩn náu để tránh sự khủng bố của kẻ thù, nay gặp Võ Trứ gợi lại việc chống Pháp nên họ hăng hái tham gia. Một số nhà sư như Lê Tợ, Hồ Châu, Trần Ký trở thành bộ phận chỉ huy của nghĩa quân. Một tướng lĩnh quan trọng của nghĩa quân Võ Trứ xuất thân từ cửa phật là Nguyễn Khỏe. Ông vốn là tướng của Bá Sự trong phong trào Cần Vương Phú Yên. Khi phong trào thất bại, Nguyễn Khỏe ẩn vào chùa khoác áo nâu sồng chờ thời cứu nước. Khi Võ Trứ tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, ông đầu quân trở thành phụ tá đắc lực, được phong cấp bậc Đội trưởng (thường gọi là “Đội Khỏe”).(4)

 

Tham gia nghĩa quân còn có cả tín đồ Thiên Chúa Giáo. Theo báo cáo mật vụ của Công sứ Pháp tỉnh Phú Yên thì có đến 5 con chiên bị bắt lúc trực tiếp chiến đấu tại dốc Găng (đêm 15/5/1900), trong đó Huỳnh Cự là một “tham mưu đắc lực của Võ Trứ(5)”. Theo ước tính của mật thám Pháp thì số lượng nghĩa quân và những người có cảm tình sẵn sàng tham gia khởi nghĩa ở Phú Yên lên đến 20.000 người. Ngay cả đội ngũ quan lại Nam triều như quan án Hồ Đắc Dự, tri huyện Sơn Hòa Trần Kỳ Phong (sau bị giáng chức), tri phủ Tuy Hòa Trần Trọng Lãm đến các chánh tổng, phó lý ở nhiều làng đều có hành động bao che, làm ngơ các hoạt động của nghĩa quân Võ Trứ. Do đó, một số cơ sở của nghĩa quân đặt ngay tại trung tâm phủ, huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa như làng Bình Chánh, làng Lương Phước mà chính quyền thực dân vẫn không hay biết. Báo cáo của công sứ Celeron de Blainville gửi Khâm sứ Trung kỳ có đoạn: “Từ tri phủ, tri huyện đến chánh phó tổng và hương lý đều liên quan đến cuộc nổi loạn của Võ Trứ, nếu không tích cực ủng hộ thì ít ra cũng giúp đỡ bằng tinh thần hoặc đứng giữa dung túng phản nghịch”(6).

 

(Còn nữa)

 

----------------------

(1)(6), Rapport politique – Song Cau, le 29 Juillet 1900…, Sđd

(2),(3) Rapport politique-SongCau, le 10/6/1900…, Sđd.

(4) Trong báo cáo ngày 29/7/1900, Công sứ Pháp tỉnh Phú Yên viết về Nguyễn Khỏe: “Nguyễn Khỏe tức Đội Khỏe, khoảng 52 tuổi, là phần tử cực kỳ nguy hiểm, đã góp sức mình rất tích cực vào phong trào phiến loạn. Giống như các đồng đảng khác – Khỏe vốn là một tín đồ của Phật giáo, đã từng là thuộc hạ và trợ thủ đắc lực của Bá Sự. Khi bị bắt giam, hắn nói thẳng: nếu được thoát ra, tôi lại tiếp tục hoạt động như trước. Dẫu có rơi đầu, âu cũng chóng về cõi Niết bàn với Phật Tổ, tôi không tiếc nuối”.

(5) Huỳnh Cự còn gọi là Cai Năm, vốn là tín đồ Thiên Chúa Giáo thuộc xứ đạo Mằng Lăng của cha xứ Lacassagne. Sau khi gia nhập nghĩa quân, Huỳnh Cự còn lôi kéo nhiều giáo dân tham gia khởi nghĩa.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek