Chủ Nhật, 22/09/2024 02:35 SA
Thời ấy và bây giờ
Thứ Bảy, 26/02/2011 10:31 SA

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Phú Thuận, nơi mà những năm 1885 - 1887 là căn cứ Vườn Xá - Phú Thuận thuộc Quân thứ tổng Hòa Mỹ của nghĩa quân Cần Vương (Lê Thành Phương), tỉnh Phú Yên. Năm 1944, 12 tuổi tôi đậu bằng Sơ học yếu lược và trúng tuyển xuống học trường Tiểu học Pháp - Việt ở phủ Tuy Hòa do thầy Trần Sĩ làm hiệu trưởng.

 

Là học sinh nhí ở nông thôn mới vào học lớp nhì nhỏ (cua Moi-ăn đơ) do thầy Bôn dạy, tôi không biết một chữ Pháp nào, trong khi bạn cùng lớp ở thành phố chúng nói tiếng Tây như lảy cò. Tôi ở trọ trong nhà ông Bốn Nhà Thương (phường 2) gần nhà anh Nguyễn Bá Triểm (nay là giáo sư, tiến sĩ  ở TP Hồ Chí Minh). Hồi đó quá nhỏ, tôi đâu có biết ông Bốn Nhà Thương (y tá ở bệnh viện) là đảng viên cộng sản, Chi bộ đầu tiên ở phủ Tuy Hòa. Còn thầy Thiện dạy lớp nhất (cua Sup pê ri ơ) trường tôi cũng là một đảng viên cộng sản lớp tiền bối hoạt động bí mật.

 

Một đêm tháng 3/1945, buổi sáng ngủ dậy đi học, chúng tôi thấy nhiều tờ cáo thị dán khắp dãy phố, nội dung: “Khối thịnh vượng Đại Đông Á” và “Nhật - Việt cùng giống da vàng”... Mọi người xì xào là đêm hôm đó Nhật đảo chính Pháp. Ngoài đường đi nghênh ngang những tên võ quan Nhật mang kiếm dài kè kè bên hông, quần áo ca ki vàng, chân mang ghệch bó túm và giàY, đội mũ vải vàng có ba mảnh vải che sau ót. Chúng chiếm và đứng gác trước các công sở của người Pháp ở phủ Tuy Hòa. Còn người Pháp mũi khoằm thì biến đâu mất. Tiếp sau đó là chuỗi ngày không bình ổn. Sáng, trưa, chiều nghe tiếng trống nện liên hồi trên núi Nhạn là bọn học sinh chúng tôi nháo nhào la “A lẹc! A lẹc!” (Báo động! Báo động!) rồi xô đạp nhau chạy ra hầm trú ẩn; vì lúc đó tàu bay Đồng minh trong Nam bay ra bỏ bom lung tung. Rồi có mấy buổi chiều ở nhà trọ nghe tiếng tàu bay ù ù trên không trung, lại có tiếng nổ ùng ục trên đó. Rồi có mấy cục lửa đỏ rơi xuống phía biển. Chúng rơi lả tả như sung rụng. Người ta nói bọn Nhật làm tàu bay bằng gỗ rất dễ bị quân Đồng minh bắn rớt. Tiếp đến là những ngày sóng vỗ trôi dạt vào bờ biển rất nhiều dầu luyn đóng thành dề bọt đen kịt, có cả những khối ca rép (cao su non) to như cái cối đá. Dân phố thị chở về cắt nhỏ ra làm đế dép “xăng đan”, còn bọt dầu luyn dân hốt về làm dầu thắp đèn (tuy khét và quá nhiều khói). Người ta nói tàu chiến Nhật bị quân Đồng minh đánh đắm ngoài khơi nên trôi dạt vào bờ dầu hôi và những khối cao su non (ca rép) chúng cướp ở trong Nam bộ chở về nước.

 

Chẳng bao lâu phát xít Nhật đuổi hết chúng tôi về quê. Chúng chiếm trường chúng tôi học làm trại lính và lùng bắt cán bộ cách mạng đem về đó tra tấn. Ở quê tôi nghe nói bọn hiến binh Nhật ở Tuy Hòa có nhiều thủ đoạn tra tấn rất dã man. Chúng bơm no nước xà phòng vào bụng nạn nhân rồi dậm giày đinh lên bụng. Còn sĩ quan Nhật bắt binh lính chúng (đa số là người Mãn Châu bị chúng lùa ép vào lính) đứng nghiêm, rồi tát hộc máu mồm mà không cho cục cựa hoặc né tránh. Bấy nhiêu đó đã rớt cái mặt nạ mị dân của quân phát xít.

 

Năm 1945 - Ở quê, vào cữ 8g sáng, tàu bay Mỹ (B29 và thủy phi cơ) quần đảo trên không một cách lạ thường. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chúng phun ra những tờ giấy nhỏ bay trắng trời, lấp lánh dưới ánh nắng ban mai. Hóa ra là truyền đơn. Truyền đơn rơi trước sân, trên mái nhà, trên ruộng lúa và bờ bụi, gò mả. Lũ trẻ chúng tôi ham lạ chạy đi lượm ôm về mỗi đứa vài chục tờ. Mỗi tờ bằng trang vở học trò. Chỉ có hai loại: Tờ màu xanh rêu vẽ hình một tên lính đội mũ sắt gục xuống bên cây súng gác vai treo lá cờ trắng, đề chữ “Nhật đã đầu hàng”. Còn tờ kia màu vàng vẽ hình hai nửa quả đất – một nửa phía trời Âu có chữ thập ngoặc bị hạ bệ, cắm lên đó cây cờ trắng – một nửa phía trời Á vẽ chiếc mũ sắt thủy cắm lên đó lá cờ trắng. Hình một tên lính sải bước giữa hai nửa quả địa cầu. Mọi người kháo nhau là phe Trục (Đức, Ý, Nhật) đã đầu hàng Đồng minh.

 

Ít hôm sau, giữa buổi trưa, chúng tôi thấy dân chúng rùng rùng kéo nhau lên Nhà máy Đường Đồng Bò (ở xã Hòa Phong). Độ vài tiếng đồng hồ sau một số người chạy về nói bọn Nhật đóng ở đó đã xả súng bắn người biểu tình. Nhưng sau đấy quần chúng tự vệ đã khống chế chúng và Cách mạng Tháng Tám thành công ở quê tôi. Đến tháng 9/1946 tôi được Ty Giáo dục Cách mạng gọi xuống thi vào trường (gọi là thi cồng cua). May mắn, tôi được trúng tuyển vào học lớp đệ nhất niên trường trung học đầu tiên (Lương Văn Chánh) của tỉnh nhà, khai giảng tại phường 2 (nay là Trường PTCS Lê Lợi) ngày 15/10/1946.

 

Tại đây tôi rất thoải mái vì được học toàn bằng tiếng Việt. Vì mình ở quê ra đâu có rành tiếng Pháp! Tôi thích nhất là thầy Đặng Ngọc Cư dạy Việt văn (bài thơ “Mất mẹ” mà đến nay tôi vẫn còn nhớ). Thầy Huỳnh Diệu dạy Lý – Hóa, thầy Nguyễn Khải dạy Toán, thầy Trần Sĩ dạy Hán văn… Nhưng mới chỉ học được một tháng thì giặc Pháp tấn công ra đèo Cả, phải nghỉ học. Thời gian này chúng tôi được chứng kiến hàng hàng lớp lớp quân Nam tiến. Toàn những anh thanh niên tuấn tú xuống ga Tuy Hòa. Các chàng trai trẻ xếp thành hàng ngũ oai phong, quân phục ca ki có cầu vai, mũ ca lô đội lệch thật là ấn tượng đối với bọn trẻ chúng tôi. Các anh mang đến luồng gió mới trẻ trung, vui vẻ hoạt bát và nhiều anh rất tài hoa. Các anh dạy chúng tôi những bài hát cách mạng thật là hay. Chúng tôi học đâu nhớ đó, và ghi hết vào sổ tay trân trọng những bài hát: Tiến quân ca (chào cờ), Diệt phát xít, Vệ quốc quân, Chiến sĩ Việt Nam, Du kích ca, Chiến sĩ vô danh…

 

Đoàn quân chuyển hướng hành quân vào Nam bằng đường Dốc Mõ (xã Hòa Thịnh nay). Chúng tôi tích cực tham gia vận động nhân dân quê nhà tiếp đãi đoàn quân Nam tiến thật chu đáo…

 

Tôi rất vui khi Phú Yên ta có đập Đồng Cam, tưới cho vựa lúa Tuy Hòa (cũ), cung cấp lương thực đi khắp các chiến trường xưa. Nhưng ở dải đất “Khúc ruột miền Trung” này lắm mưa sa bão táp, nông dân cực nhọc làm chỉ đủ ăn. Chỉ có công nghiệp, dịch vụ, du lịch… mới mong đổi đời. Tiềm năng du lịch Phú Yên rất lớn nhưng chưa được đầu tư khơi dậy. Khả năng các khu công nghiệp thì lớn, nhưng tiến hành quá chậm. Dân nuôi được chim yến trong nhà, đánh bắt được cá ngừ đại dương, nuôi tôm hùm,… nhưng cũng lắm rủi ro. Phú Yên ta còn nhiều tiềm năng khác nữa, khá độc đáo so với các tỉnh bạn. Nhưng tại sao vẫn chưa phát triển mạnh mẽ? Ta thiếu vốn thì quảng bá thật mạnh để thu hút vốn đầu tư, mở rộng cửa thu hút nhiều chất xám. Tỉnh ta không thiếu người tài giỏi, nhưng họ chỉ làm giàu cho tỉnh ngoài, nước ngoài. Tại sao vậy? Tôi nghĩ, quyết định tất cả là ở con người (con người tốt thì mọi việc đều tốt). Muốn đem người giỏi về, nhà kinh doanh tốt về… thì ta phải thực sự cầu thị hơn nữa trên thực chất chính sách chứ không kêu gọi chung chung. Giảm bớt những phiền hà ngầm, như “phải có đi có lại”... Vì hạnh phúc của nhân dân, ta nên xem lại để khắc phục cho dân Phú Yên được hưởng sang giàu trên quê hương xinh đẹp của mình.

 

                                    

NGÔ SAO KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek