Chủ Nhật, 22/09/2024 03:12 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 26/02/2011 07:31 SA

Sau một thời gian vào Phú Yên, Võ Trứ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tiến hành lập căn cứ chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Các căn cứ chủ yếu được xây dựng ở vùng rừng núi thuộc hai huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân.

 

chua-da-trang110226.gif

Di tích lịch sử quốc gia Chùa Từ Quang (Đá Trắng) gắn liền với sự kiện khởi nghĩa của Võ Trứ  – Ảnh: K.LONG

 

Ở huyện Sơn Hòa, Võ Trứ xây dựng căn cứ ở vùng Di Lang Phá nằm ở thượng nguồn phường Tổng Binh (một căn cứ địa của nghĩa quân Nguyễn Bá Sự lập trong thời kỳ Cần Vương). Tại Di Lang Phá, Võ Trứ lập đến “3 trại xá, trong đó 1 trại có một bức đan tre làm bàn thờ, chung quanh có nhiều lò bếp bằng đá và xương bò, 2 chỗ dây thừng, ở một trại xá tả hữu và phía sau đều có sửa sang đường sá phòng thủ”. Lối vào căn cứ là đường đá gập ghềnh hiểm yếu, nếu không có người dẫn đường thì khó tiếp cận các trại của nghĩa quân. Theo mô tả của Bố chánh và án sát Phú Yên do một thám báo cung cấp thì trại chỉ huy của Võ Trứ “có treo một cái võng bằng dây gai trải một tấm chăn bằng vải mọi (dưới võng có đào bếp lò). Ở chung với sư tăng này còn một tên nữa (nghe nói là Thầy Bảy – Trần Cao Vân?) cũng anh em với y đến xin bùa (bùa tiên gặp cọp không sợ, đạn bắn không trúng, có trúng cũng không bị thương)” (1). Khi phong trào phát triển, Võ Trứ còn mở rộng căn cứ đến vùng Cà Lúi, Trà Kê, Bầu Bèn. Tại Cà Lúi, Võ Trứ cho ám sát chánh tổng Tiền và con rể của hắn đang làm tay sai mật báo về hoạt động của nghĩa quân cho chính quyền thực dân (2). Ở làng Giếng Nghị (thuộc xã Sơn Long), Võ Trứ cho lập một ngôi chùa làm nơi tập hợp nghĩa quân để che mắt chính quyền địa phương.

 

Căn cứ được Võ Trứ chọn làm trung tâm của cuộc khởi nghĩa nằm trong dãy núi La Hiên phía tây huyện Đồng Xuân. Tại đây có các buôn làng người Ba Na, Chăm như làng Đồng, làng Xí, làng Thoại, làng Phú Giang, làng Lel, làng Ruộng, làng Chà Là… đã từng tham gia phong trào Cần Vương và trở thành pháo đài chống Pháp kiên cường. Dưới chân ngọn núi Chơ-lo gần làng Đồng có hang đá rộng có thể chứa lương thực và tập hợp hàng trăm người, được Võ Trứ chọn làm sở chỉ huy và làm nơi cất giấu vũ khí, rút lui khi cần thiết… (3). Tại đây lực lượng nghĩa quân dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Võ Trứ khoảng 200 dân binh là người dân tộc thiểu số và trên 30 người Kinh. Các già làng được Võ Trứ giao nắm giữ một số chức vụ trong nghĩa quân như: Bok ChơWơng, Bok Lang làm Tổng giám binh, Bok Chéo làm phó Tổng giám binh, Bok Gôh làm Tổng đốc binh, Bok Ngưu Nhen, Ây Khỏn là các phó Tổng đốc binh… Tại làng Bok-meo, cách làng Phú Giang một ngày đường, Võ Trứ xây dựng căn cứ với đội quân khoảng 200 người (4).

 

Ngoài ra, Võ Trứ còn mở rộng hoạt động đến vùng Thồ Lồ giáp huyện Vân Canh tỉnh Bình Định với các làng Cham Diên, làng Chơput, làng Thâm Tang, làng Ru, làng Matoc… Đây là vùng núi non hiểm trở, nhân dân có truyền thống yêu nước chống Pháp, bảo vệ nghĩa quân. Đồng bào làng Đồng ngày nay còn kể chuyện giữ bí mật bảo vệ Võ Trứ khỏi sự lùng sục của Pháp: Lúc bấy giờ muốn gặp Võ Trứ phải đến làng Đồng. Người làng Đồng sẽ đưa đến làng Chư pút – nơi Võ Trứ đang ở. Làng Chư pút có 18 hộ gia đình giữ nhiệm vụ bảo vệ và cung cấp lương thực cho Võ Trứ. Bok Hiên – một già làng giỏi võ được phân công lo việc cơm nước và là cận vệ cho Võ Trứ (5). Ở khu vực miền núi phủ Tuy An, Võ Trứ cho xây dựng mật khu ở A Túi, Giác Thị để tập hợp lực lượng.

 

Tại các căn cứ miền núi, Võ Trứ tiến hành “phân phối cho dân chúng những miếng giấy vuông có chữ viết kỳ quái (lá bùa Võ Trứ – ĐNK), phân phát bằng cấp và thông báo các đổi thay chính trị tương lai” (6), nhờ vậy lôi kéo đồng bào ở nhiều buôn làng gia nhập nghĩa binh.

                                             

 

 (Còn nữa)

 

(1) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 20/2/1899, Sđd, tr.796, 797

(2) Chánh tổng Tiền là một tên mật vụ của Pháp đã len lỏi vào hàng ngũ nghĩa quân. Sau khi biết được nội tình, mật sự của Võ Trứ, liền sai chàng rể đi báo tin bọn Pháp, còn y thì trốn ở nhà để nghĩa quân khỏi nghi ngờ. Chẳng may có người nhìn thấy chàng rể ban đêm vào đồn Củng Sơn. Do đó mà nghĩa quân tìm ra được manh mối việc phản bội và Võ Trứ ra lệnh trừng phạt.

(3) Ngày nay dân trong vùng vẫn gọi nơi này là hang Võ Trứ.

(4) A.Laborde, La province de Phu Yen (Tỉnh Phú Yên), BAVH, 1929, Bản dịch Nxb. Thuận Hóa, 2003, tr.395.

(5) Tư liệu của La Chí Noa cung cấp.

(6) A.Laborde, Laprovince de Phu-Yen

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek