Chủ Nhật, 22/09/2024 03:02 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 25/02/2011 08:35 SA

Việc chữa bệnh của thầy chùa Đá Bạc đã lôi cuốn nhiều người ở Bình Định và các tỉnh lân cận đến ngày càng đông khiến cho chính quyền thực dân Pháp lo ngại và ra lệnh ngăn cấm, truy bắt thầy chùa Đá Bạc. Võ Trứ cũng bị liên lụy và bị bắt giam tại nhà lao Tuy Phước, nhưng sau đó trốn thoát.

 

Đầu năm 1897, Võ Trứ gặp gỡ Trần Cao Vân – một chí sĩ yêu nước phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bàn việc chống Pháp. Sau nhiều lần bàn bạc với Trần Cao Vân, Võ Trứ đã hình thành kế hoạch chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, mà trước hết là “lợi dụng lòng tin của dân, gieo vào họ một đức tin mãnh liệt để kết nộp thành một đoàn thể rộng lớn, để thu thập tiền bạc rèn đúc khí giới, tích trữ lương thực. Tìm một địa thế rừng núi sâu hiểm để làm nơi dụng binh. Chinh phục dân Mọi, Mán ở vùng ấy phải trung thành với mình. Tùy cơ hội phát khởi một cuộc bạo động bất ngờ, làm cho quân bảo hộ không phòng ngừa kịp; thừa cơ hội cướp lấy súng đạn của họ tạo cho nghĩa quân một chủ lực khả dĩ, chừng ấy mới có cơ làm nên việc vĩ đại”(1). Võ Trứ chọn vùng rừng núi hai huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa tỉnh Phú Yên làm địa bàn hoạt động và xây dựng căn cứ cho cuộc vận động chống Pháp. Đây là vùng có đông đảo đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na, Ê Đê rất tin vào các phép thuật phù thủy, đồng thời nhiều cơ sở dư đảng Cần Vương Phú Yên trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn duy trì tinh thần kiên cường chống Pháp.

 

Năm 1898, Võ Trứ vào Phú Yên xây dựng cơ sở chuẩn bị cho khởi nghĩa. Ông “đến tận các làng Thượng ở miền tây Phú Yên, thi thố phù phép để thuyết phục họ. Ông làm họ tâm phục, họ gọi ông là “Ông Dùa” (có lẽ từ tiếng Vua kêu trại ra), họ coi ông như thần thánh, họ sẵn sàng theo ông”(2). Để tránh sự dò xét của chính quyền sở tại, Võ Trứ còn kết hợp việc cho thuốc phát bùa, trừ tà với trao đổi các vật dụng như dao, rựa cho đồng bào các sách vùng cao. Trong bản mật trình của án sát Phú Yên cho biết khi khám xét nơi trú ẩn của Võ Trứ đã tìm thấy “20 lưỡi dao bảy, 4 lưỡi dao hạng bảy”(3), Võ Trứ còn liên lạc với các nhà sư ở khắp các phủ huyện, xã thôn từ đồng bằng đến miền núi, lập các cơ sở bí mật tại các chùa chiền ở khắp tỉnh Phú Yên và Bình Định làm nơi tập hợp nghĩa quân che mắt chính quyền thực dân. Công sứ Pháp ở Phú Yên trong một báo cáo mật cho biết hoạt động của Võ Trứ: “Võ Trứ đến Phú Yên trong vòng 2 năm, lúc đầu hắn dựa vào người Mọi ở Thồ Lồ, làng Xí, làng Đồng, Phú Giang lập căn cứ ở núi La Hiên, sau mở rộng đến người Annam (người Kinh – ĐNK). Hắn còn nhiều đồng đảng đang hoạt động tại Bình Định, Khánh Hòa và các vùng núi khác, một số khu vực Lào cũng đứng về phía hắn với tinh thần tự nguyện, tất cả đều ngụy trang dưới danh nghĩa truyền giáo. Hắn lôi kéo cả các vua Thủy Xá, Hỏa Xá cùng một số phần tử ở hữu ngạn sông Mê Kông”(4).

 

Việc Võ Trứ hoạt động ở vùng rừng núi Phú Yên cũng được Bố chánh và án sát tỉnh này mật tấu trình lên triều đình Huế: “Tháng Chạp năm ngoái (năm 1898-ĐNK) cuối năm gạo thóc đắt đỏ, thiểm tỉnh đã sức 3 phủ huyện viên sai tổng lý xét các con đường hiểm yếu thăm dò tình hình điều động dân đi tuần phòng để giữa an ninh. Từ trước đến nay theo bẩm báo đều yên ổn không có gì khác lạ. Gần đây nghe có xảy ra chuyện khác thường liền trực tiếp sức mật thám tình hình trở lại. Theo Trần Kỳ Phong tri huyện Sơn Hòa bẩm nói nghe dân trong tổng Xuân Sơn Thượng hạt ấy đồn rằng có một sư tăng ở trên Mọi dùng bùa chữa bệnh, dân Mọi nhiều người tin theo. Đợi thám sát rõ tình hình và sư tăng ấy hiện ở tại đâu sẽ báo cáo tiếp. Thiểm tỉnh liền tư trình cho trụ sứ và sức 3 viên phủ huyện thám sát cùng phái người đi do thám rộng rãi. Ngày 14 tri huyện Sơn Hòa bẩm nói ngày 13 lý trưởng thôn Phú Giang (Tổng Xuân Sơn Thượng) trình nói ngày 11 có người trong làng báo cho biết rằng vào khoảng canh 2, đêm mùng 10 nhân canh đi tuần bắp có trông thấy bọn Mọi đi đêm, ước chừng 50 đứa, trong đó có nghe tiếng 3,4 người kẻ chợ (người Kinh-ĐNK). Chúng đi đường núi qua làng rồi đi về phía Nam. Lý trưởng ấy hỏi các làng Mọi chung quanh thì nói rằng chúng đi thăm một người Cao Man – tục danh là Trứu Lô (tức Võ Trứ-ĐNK) và người kẻ chợ, tri huyện này liền phái lại mục bí mật dò xét, khi được sự thật sẽ báo cáo tiếp. Việc này tỉnh tôi cũng sẽ tư trình trụ sứ và mật phi trình cho tỉnh Bình Định thám sát và phúc trình. Nay mật phi trình Cơ mật viện đại thần đại nhân soi thấu. Ngày 15 tháng 2 năm Thành Thái thứ 11”(5).

 

                               

 (Còn nữa)

---------------------

(1) Hành Sơn, Cụ Trần Cao Vân, Nxb. Minh Tân Paris, 1952, tr.33-34.

(2) Đặng Quí Địch, Nhân vật Bình Định, Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.137.

(3) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 22/2/1899, Sđd, tr.805.

(4) Rapport politique – Song Cau, le 5/4/1900..., Sđd.

(5) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 15/2/1899, Sđd, Tr.787-788.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek