Chủ Nhật, 22/09/2024 03:09 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 24/02/2011 10:00 SA

Đến những năm cuối thế kỷ XIX, chính sách thuế do chính quyền thực dân Pháp triển khai thực hiện ở Việt Nam tăng so với trước nhằm bù đắp những chi phí khổng lồ do cuộc chiến tranh xâm chiếm nước ta kéo dài trên 30 năm. Tại Phú Yên, ngoài các loại thuế điền, thuế thân, thuế rượu, thuế muối, thuế chợ, thuế ghe thuyền, thuế thổ trạch... phải đóng, người dân phải nộp thêm thuế nông – lâm – thổ sản như thuốc lá, cau, dừa, gỗ, mía, đường, bông cải, khai thác trầm, dầu rái... với mức khá cao, ảnh hưởng đến đời sống của các tầng lớp nhân dân.

 

Báo cáo của công sứ Pháp năm 1900 đã thừa nhận một trong những nguyên nhân đấu tranh của nhân dân Phú Yên là “do một số luật về thu thuế, thu hoạch mùa, về khai thác gỗ, khai thác thuốc lá do ta (chính quyền thực dân – ĐNK) đưa ra làm họ (nhân dân Phú Yên – ĐNK) phẫn nộ, phản đối” (1). Đặc biệt, trong các năm 1898 – 1899, Phú Yên trải qua kỳ hạn hán, lụt lội khiến cho mùa màng thất bát, đời sống nhân dân khốn khổ, kỳ thuế đến không có tiền nộp. Bọn quan lại, hào lý thẳng tay bóp nặn, đánh đập nhân dân. Chúng “khuân cả từ khí cho đến mâm thau, nồi đồng, giường thùng, rương xe... Những người dân nghèo không gia sản thì bị đóng gông giải về huyện” (2). Đời sống của nhân dân Phú Yên tại các làng quê bấy giờ trông thật bi đát:

 

“Mậu Tuất, Kỷ Hợi – nhị niên(3)

Nhà không ai ở vườn điền bỏ hoang

Lên rừng thì sợ hổ lang

Về làng thì sợ vua quan Tây tà

Mười phần chết bảy còn ba

Số còn sống sót cửa nhà điêu linh”...

 

Từ những nguyên nhân nêu trên dẫn đến mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các tầng lớp nhân dân Phú Yên với chính quyền thực dân, tay sai, tạo điều kiện thuận lợi cho Võ Trứ tuyên truyền kêu gọi họ đứng lên đấu tranh bằng cuộc khởi nghĩa năm 1900 nhằm lật đổ “trật tự xã hội được thiết lập lâu nay và thay đổi chế độ quân chủ hiện hành bằng một chế độ xã hội mới tươi đẹp, mà đại biểu là Phật vương” (4) do Võ Trứ lãnh đạo.

 

Kế tục truyền thống yêu nước bất khuất đã hun đúc trong lịch sử từ Tây Sơn quật khởi đến thời kỳ Cần Vương kiên cường, nhân dân Phú Yên tiếp tục đứng dậy đấu tranh, viết nên trang sử hào hùng bằng cuộc khởi nghĩa bùng nổ đầu thế kỷ XX. Đây là nhân tố quan trọng làm nên cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên. Trong báo cáo gửi cấp trên, công sứ Céléron Blainville thừa nhận truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Phú Yên: “Dân Phú Yên tuy ít học, nhưng họ giữ được ý thức độc lập tự do. Từ 2 năm nay ta xen vào công việc của họ một cách trực tiếp, họ nhìn chúng ta bằng con mắt căm thù. Hơn nữa họ còn ghi lại trong ký ức những cuộc chiến đấu của ông cha họ chống lại người Pháp của chúng ta khi đặt chân đến mảnh đất này. Nay có người gợi lại truyền thống ấy và khuyến dụ họ tức thì họ nghe theo. Chính vì thế mà Võ Trứ đã thành công trong việc tuyên truyền xách động dân chúng ở thôn quê được các nhà chức trách địa phương ủng hộ đã nổi dậy chống người Pháp đông đảo và nhanh chóng như vậy” (5).

 

II XÂY DỰNG CĂN CỨ CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA

 

Truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Phú Yên cộng với cuộc sống cực khổ do chính sách áp bức bóc lột của chính quyền thực dân Pháp gây ra là những yếu tố quan trọng để Võ Trứ chọn Phú Yên làm nơi xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng phát động cuộc khởi nghĩa.

 

Võ Trứ sinh năm 1849(6) tại làng Nhơn Ân, tổng Kỳ Sơn, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định (nay là thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) trong một gia đình Nho giáo giàu lòng yêu nước. Ông cùng người em trai là Võ Đính tham gia phong trào Cần Vương Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Khi Mai Xuân Thưởng bị kẻ thù giết hại, phong trào Cần Vương Bình Định tan rã, Võ Trứ phải lẩn tránh trước sự truy lùng của giặc Pháp. Theo mật trình của bố chánh và án sát Phú Yên dựa trên báo cáo của tri phủ Tuy Phước thì trước năm 1891, Võ Trứ làm lý trưởng thôn Quảng Vân (phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định), đến năm 1892 làm thủ chỉ của làng, sau đó rời khỏi địa phương vào năm 1894 đi học đạo thiền (đạo Phật) và bán thuốc tại các vùng dân tộc thiểu số ở nguồn Hà Thanh huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định)(7).

 

Như vậy, qua nguồn tài liệu trên cho chúng ta biết thời gian sau khi phong trào Cần Vương Bình Định thất bại, Võ Trứ phải giả danh hào lý tham gia chính quyền địa phương để che mắt thực dân Pháp, sau đó ông mới gia nhập Phật pháp trở thành môn đệ của sư thầy Đá Bạc tại chùa Linh Ẩn thuộc làng Chánh Danh (nằm giữa hai huyện Phù Cát và Phù Mỹ). Sư thầy chùa Đá Bạc là người tu hành đắc đạo, thường phát thuốc chữa bệnh cho nhân dân trong vùng bằng tờ giấy có in hình năm vị Bồ Tát Quan Âm, gọi là bùa Ngũ Công Quan Âm. Người xin thuốc lãnh bùa đem về thành tâm niệm Phật, rồi đốt ra tro hòa nước uống thì hết bệnh. Võ Trứ cùng với thầy chùa Đá Bạc đi khắp nơi trong vùng để chữa bệnh cho mọi người và thông qua phương thức này để tuyên truyền trong nhân dân tinh thần chống Pháp và tập hợp lực lượng chuẩn bị mưu đồ một cuộc nổi dậy.

 

(Còn nữa)

 

-------------------------

(1) Rapport politique – Song Cau, le 29 Juillet 1900. L Administrateur Résident de France au Phu Yen à Monsieur le Résident supérieur en Annam à Huế (Báo cáo chính trị – Sông Cầu, Công sứ Pháp ở Phú Yên gửi Khâm sứ Trung kỳ ở Huế, ngày 29/7/1900)

(2) Hành Sơn, Cụ Trần Cao Vân, Nxb Minh Tân Paris, 1952, tr.38.

(3) Mậu Tuất, Kỷ Hợi tương ứng với năm dương lịch là 1898, 1899.

(4, 5) Rapport politique – Song Cau, le 29 Juillet 1900... Sđd.

(6) Trong dân gian lưu truyền lúc bị hành quyết tại Sông Cầu (năm 1900) thì Võ Trứ được năm mươi tuổi lẻ (51 tuổi). Đối chiếu với gia phả họ Võ ghi ông sinh năm 1849 thì phù hợp tuổi Võ Trứ năm mất.

(7) Mật trình của Bố chánh và án sát tỉnh Phú Yên ngày 25/2/1899, Dẫn theo TS. Lý Kim Hoa, Châu bản triều Nguyễn – tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long đến Bảo Đại 1945, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2003, tr.809.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek