Chủ Nhật, 22/09/2024 03:08 SA
Kỳ vọng cho vùng đất An Xuân
Thứ Năm, 24/02/2011 10:00 SA

Cách trung tâm thị trấn Chí Thạnh chừng 15km về hướng tây, cao nguyên An Xuân (xã An Xuân, huyện Tuy An) quanh năm khí hậu mát mẻ, cây xanh trái ngọt hiền hòa. Có lẽ, vùng đất này còn nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch mà con người nơi đây chưa khai thác hết.

 

lam-duong-be-tong110224.jpg

Học sinh An Xuân đi học trên đoạn đường được bê tông hóa đầu tiên ở trung tâm xã - Ảnh: D.T.XUÂN

Tôi sinh ra và lớn lên tại vùng đất tươi tốt, đau thương, anh dũng này. Tuổi thơ tôi có màu đất đỏ. Rồi bao tháng năm chia xa, lận đận phương trời, tôi đã chiêm nghiệm, thấu hiểu những gì thuộc về hai chữ quê hương. Trong ký ức tôi, An Xuân có con đường thăm thẳm, lổm nhổm đất đá qua các đèo Trại Tây, dốc Quanh, dốc Chập Chạ… nối từ vùng 10 An Nghiệp lên trung tâm xã, hai bên đường cây rừng phủ kín, con đường bụi mù trời trong mùa nắng và lầy lội khi mưa về. Đây là con đường duy nhất ngày trước chúng tôi đến trường lúc gà gáy ngày đầu tuần và trở về nhà lúc cuối tuần trong nhiều năm đi kiếm chữ. Ngày đó, đi qua những cánh rừng, những con dốc cao, có lúc tôi cảm thấy sợ vì nỗi cô đơn của tuổi mới lớn. Trên con đường dài thăm thẳm như sông đó, có cây me già một thời là chứng tích chiến tranh tại vùng 5 làm trung điểm cho quãng đường. Người đi đường ngồi nghỉ dưới tán cây, uống nhờ ca nước lạnh trong nhà dân cạnh đường mà an lòng nối bước chặng đường tiếp theo. Cây me nay đã già, đứng sừng sững bên đường, gốc rễ to, thân đầy vết tích đạn bom. Ông Phạm Dũng 83 tuổi, người cách mạng lão thành ở cùng thôn, cho biết: “Cây me này tồn tại đã hơn bốn đời, nếu được lên báo chắc sẽ có nhiều đồng đội cũ ở Hải Phòng, Hà Nội biết, vì ngày xưa anh em bộ đội hoạt động ở vùng này lấy cây me làm tâm điểm”. 

 

Trong ký ức tôi, An Xuân có màu xanh ngăn ngắt của một nông trường chè bát ngát vài trăm héc ta. Thập niên 80 của thế kỷ trước, đời sống còn bao khó khăn, thế mà người dân vẫn có thể biến những cánh rừng, những ngọn đồi với đất đá, với sim mua cỏ dại thành những đồi chè thẳng tắp. Một nông trường có hệ thống hồ chứa nước, có vài trăm công nhân. Tôi còn nhớ mặt, nhớ tên nhiều người đã từng là cán bộ chủ chốt của nông trường như: Nguyễn Mạch, Nguyễn Trọng Lai, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Mai Ngọc Minh, Đặng Thanh Sơn, Nguyễn Minh Hương… Bây giờ họ đã lên “chức” ông bà, người ở người đi, người còn người mất.

 

Còn nhớ hồi nhỏ, tôi phải đi qua mấy con dốc quanh co để đến trường làng. Ngôi trường nằm trên gò Thì Thùng lộng gió mùa hè, tái tê vào mùa đông. Ngồi trong dãy nhà đất, đứa nào cũng run là cà lập cập. Giờ ra chơi, chúng tôi nghịch, đi đào lấy thuốc bầu để đốt chơi. Những khi trời nắng, cả đám rủ nhau sang cửa địa đạo gò Thì Thùng đánh giặc giả. Có hôm mải mê “đánh giặc”, chúng tôi đã bỏ dở không ít giờ học buổi chiều. Con đường từ nhà đến trường còn qua một vùng đất đỏ màu mỡ, hai bên là những đồi cà phê, dứa xanh dần do những người đi kinh tế từ các xã An Ninh, An Thạch về đây khai hóa. Chín năm học ở trường làng, kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm về một vùng đất đỏ, một thời chăn bò, một thời rông rừng lội suối thật khó quên.

 

Rời làng quê An Xuân, tôi đi học xa nhà. Sự vụng về của một chàng trai đất núi còn vương víu suốt hành trình dài. Không ngờ mỗi lần đi xa lại một lần thêm xa cách. Dần dà quê hương đã trở thành nỗi nhớ trong tâm thức tôi.

 

Qua mấy mươi năm, bây giờ quê hương An Xuân anh hùng thay đổi khá nhiều. Đường lên An Xuân đã được đầu tư xây dựng bởi dự án giao thông nông thôn 3, khởi công vào tháng 3/2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2011. Con đường hoàn thành sẽ tạo thuận lợi, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, là niềm mơ ước của người dân An Xuân. Vùng đất An Xuân màu mỡ, nhiều loại cây công nghiệp như mía, sắn, cà phê, cao su, hồ tiêu; cây ăn quả như mít, chuối, bơ, su su… phát triển tốt nhưng lâu nay vì khâu vận chuyển mà người dân ở đây không đầu tư kinh doanh quy mô. Có được con đường, hành trình xuôi ngược sẽ thuận lợi, khoảng cách ngược xuôi sẽ được rút ngắn. Ngoài đời sống vật chất được nâng cao, cơ sở hạ tầng cũng đã được quy hoạch, xây dựng kiên cố. Ngày nay, nói đến An Xuân, nhiều người biết đây là vùng nguyên liệu mía, sắn lớn của tỉnh. Hơn 70% số hộ sống tại hai thôn Xuân Trung, Xuân Thành đã trở nên khá giả, giàu có, nuôi con học đại học nhờ loại cây trồng này. Nói đến An Xuân, người ta còn nhớ ngay đến địa đạo Gò Thì Thùng - di tích lịch sử cấp quốc gia. Công trình địa đạo Gò Thì Thùng được khởi công vào tháng 10/5/1964, đến 8/1965 hoàn thành và đã góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Phú Yên. Đây là một trong ba địa đạo lớn ở nước ta. Tuy nhiên, hiện công trình chưa được trùng tu đúng mức. Hy vọng trong những năm tới, địa đạo sẽ được sửa sang, vừa để gìn giữ những gì thuộc về lịch sử, vừa để phục vụ du khách khắp nơi về tham quan.

 

Nói đến An Xuân, đông đảo người dân sẽ nhớ ngay đến ngày hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng vào mùng 9 tết hằng năm. Hội đua ngựa thu hút sự chú ý tham gia của nhiều người so với các hội khác ở Phú Yên, tuy vẫn còn rất dân dã. Trong tương lai, hội đua ngựa sẽ được đầu tư, nâng cao về lượng lẫn về chất, phục vụ đông đảo người xem mỗi độ xuân về.

 

Bao năm sống xa quê, tôi vẫn trở về mỗi khi có dịp. Những lần đi qua gò Thì Thùng, nhìn thấy hoa sim, hoa mua nở tím những cánh rừng, tôi biết mình vẫn còn nặng nợ với quê hương. Những lần về, tôi thường trở lại nông trường chè ngày trước, giờ chỉ còn ba cây đa cổ thụ đã từng che mát cho những luống chè, một hồ chứa nước to với rêu phong bám dày, cây bụi chen nhau, một rừng keo tai tượng, keo lá tràm rì rào trong gió… Keo phát triển mạnh, đứng thành rừng nhưng đâu đó vẫn còn những cây chè, búp lá xanh non đến nao lòng.

 

Người An Xuân lao động cần cù. Đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, nếu giá cả nông sản ổn định, chắc rằng không bao lâu nữa, người dân nơi đây sẽ khấm khá hơn. Người An Xuân vẫn mong di tích lịch sử trên quê hương mình sẽ được trùng tu, trở thành một địa điểm thu hút du khách đến tham quan. An Xuân có những thứ mà không nơi nào có được: có di tích địa đạo Gò Thì Thùng, có khí hậu trong lành mát mẻ, có hội đua ngựa truyền thống, có một con đường khoảng 10km nối từ An Xuân đến nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Nếu tiềm năng được đánh thức, nếu có sự đầu tư, thì những tour đưa du khách về chiến khu xưa hoàn toàn có thể thực hiện được.

 

Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân, tâm sự: “Cán bộ, nhân dân nơi đây không ngừng phấn đấu để xây dựng một An Xuân tươi đẹp, được nhiều người biết đến hơn”. Và tôi, một người con sống xa quê cũng canh cánh bên lòng niềm mong mỏi, niềm tự hào về sự đổi thay trên quê hương anh dũng.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek