Chủ Nhật, 22/09/2024 02:39 SA
Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên
Thứ Tư, 23/02/2011 10:00 SA

Tiếp nối phong trào yêu nước dưới danh nghĩa Cần Vương, năm 1900, nhân dân Phú Yên lại tiếp tục khởi nghĩa chống ách thống trị của thực dân Pháp, viết nên trang sử hào hùng chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Võ Trứ. Cuộc khởi nghĩa không chỉ lôi kéo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong phạm vi tỉnh Phú Yên mà lan rộng ra cả Bình Định, làm cho chính quyền thực dân trong hai tỉnh chật vật tìm mọi cách để đối phó. Khởi nghĩa Võ Trứ ở Phú Yên cùng với phong trào Kỳ Đồng, Mạc Vĩnh Phúc (Bắc kỳ), Vương Quốc Chính (bắc Trung kỳ), Hội Kín (Nam kỳ)... đánh dấu sự chuyển biến của phong trào yêu nước ở Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sang một khuynh hướng mới - khuynh hướng mang màu sắc tôn giáo (1). Bài viết cung cấp nguồn tư liệu mới về cuộc khởi nghĩa Võ Trứ, góp phần đính chính những sai sót mà các tài liệu trước đây đã đề cập về thời gian bùng nổ, địa điểm, thành phần tham gia... trong cuộc khởi nghĩa này.

 

1. NGUYÊN NHÂN BÙNG NỔ CUỘC KHỞI NGHĨA

 

Sau khi phong trào Cần Vương Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự kết thúc (1892), thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bóc lột làm cho đời sống các tầng lớp nhân dân Phú Yên vô cùng cực khổ. Lúc này trên phạm vi cả nước mặc dù phong trào Cần Vương đã chấm dứt, nhưng “vẫn còn khởi nghĩa vũ trang... vẫn là văn thân đứng đầu cuộc vận động, những tư tưởng mê tín kiểu Phật giáo và Đạo giáo xâm nhập phong trào...” (2). Trong bối cảnh bế tắt về đường lối và giai cấp lãnh đạo, các tư tưởng tôn giáo đã xâm nhập vào phong trào yêu nước, làm nảy nở nhiều phong trào đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp mang màu sắc tôn giáo thần bí như: phong trào Hội Kín ở Nam kỳ diễn ra tại các địa phương Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Bến Tre, Long Xuyên... với các hội kín như Nghĩa Hòa, Phục Hưng, Thế Bình, Ái Quốc; ở Bắc kỳ có phong trào của Kỳ Đồng, Mạc Vĩnh Phúc tại các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An, Nam Định, Hà Nam; tại bắc Trung kỳ có phong trào Vương Quốc Chính thành lập hội Thượng Chí ở các cơ sở chùa chiền từ Nghệ An trở ra; ở Phú Yên phong trào do Võ Trứ lãnh đạo. Nhìn chung các phong trào này đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó nông dân, thân hào, nhân sĩ tham gia với niềm tin vào tôn giáo tạo nên sức mạnh thần bí mà vũ khí của kẻ thù không thể làm hại được.

Bên cạnh xu hướng chung của phong trào chống Pháp trên cả nước, cuộc khởi nghĩa Võ Trứ bùng nổ ở Phú Yên năm 1900 dưới tác động của nhiều yếu tố mang tính địa phương.

 

Từ cuối năm 1887, chính quyền thực dân Pháp tại Phú Yên tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1887-1918) với việc bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính quyền thuộc địa và tăng cường các biện pháp cai trị bóc lột, ban hành chính sách thuế mới... gây nên làn sóng phản đối của các tầng lớp nhân dân.

 

Vị công sứ đầu tiên khi Pháp đặt tòa sứ tại Vũng Lắm là Tirant cùng với phó sứ Groleau ngay từ năm 1887 đã cho triển khai làm con đường từ Vũng Lắm đến Cù Mông với tổng chiều dài 28km. Thi công đoạn đường này, chính quyền thực dân phải phá núi, mở rộng diện tích và nâng cấp mặt đường rộng hơn so với đường thiên lý trước đây và đặt hệ thống nước thoát dưới chân đường. Đến năm 1900, đoạn đường này đã thi công hoàn thành, cho phép lưu thông nhiều loại phương tiện hiện có lúc bấy giờ như xe kéo, xe đẩy, xe gia súc và một số xe kéo kiểu Pháp. Ngoài ra, nhiều đoạn đường khác trong tỉnh cũng được xây dựng trong thời gian này như quan lộ từ Vũng Lắm đến Tuy An, Lệ Uyên đi Bình Thạnh, Xuân Thọ đi An Cư... Nhân lực phục vụ cho các công trình phần lớn là lấy từ phu phen, tạp dịch tại các làng quê Phú Yên khiến cho đời sống nhân dân tại các vùng này vốn yên ả đã bị xáo trộn. Người phu làm đường không những bị bóc lột bằng sức lao động cực nhọc dưới làn roi vọt của chủ thầu mà phải đem “cơm nhà, áo vợ”, vật dụng của mình chi phí trong suốt thời gian làm việc. Họ bị đối xử như những tù nhân khổ sai, đó là chưa kể tai nạn luôn rình rập, bệnh sốt rét hành hạ, có khi phải bỏ mạng trên công trường.

 

Thời gian này, chính quyền thực dân còn cho phép một số nhà tư bản Pháp như Montpezat tiến hành chiếm đất lập đồn điền, khai thác những nguồn lợi sẵn có mà thiên nhiên đã ban tặng Phú Yên. Theo các nguồn tại liệu Pháp (3), đồn điền Montpezat có tổng diện tích 4.216ha nằm dọc theo lưu vực sông Ba, sông Côn và vùng cao nguyên Vân Hòa, khu vực Ngân Điền, Thạnh Hội, Đồng Me, Đồng Thạnh, Lạc Đạo... phân bố ở 4 tổng Sơn Xuân, Sơn Tường, Sơn Lạc, Sơn Bình (huyện Sơn Hòa). Hình thức kinh doanh ở đồn điền này là kết hợp chăn thả gia súc trâu bò với trồng các loại cây công nghiệp, cây lương thực như thuốc lá, ngô, đậu, mía, lúa, bông vải. Việc chiếm đất lập đồn điền đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số vốn từ lâu đã canh tác trên những vùng đất dọc miền tây Phú Yên, gây ra sự bất mãn và chống đối của đồng bào miền núi.       

 

(Còn nữa)

 

----------------------

(1) Vũ Huy Phúc (cb), Lịch sử Việt Nam 1858-1896, Nxb. Khoa học xã hôi, 2003, tr.755

(2) Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 2001, tr.751

(3) Concession de Montpezat 4216ha a Phu Yen, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, KH. RSA/HC. 2138

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek