Chủ Nhật, 22/09/2024 03:00 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892(Tiếp theo và hết)
Thứ Ba, 22/02/2011 10:00 SA

Trong thời kỳ phong trào Cần Vương Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự, việc giết hại giáo dân đã chấm dứt, khẩu hiệu “Bình Tây sát tả” được gác lại, lực lượng nghĩa quân bước đầu có sự tham gia của đồng bào theo đạo Thiên Chúa, trong đó có người nắm giữ vị trí quan trọng như Huỳnh Cự.

 

Với sự có mặt của người theo đạo Thiên Chúa trong hàng ngũ nghĩa quân, chứng tỏ Nguyễn Bá Sự đã sáng suốt nhìn ra vấn đề “sát tả”là một hạn chế của phong trào thời kỳ trước đó, gây ra cảnh “nồi da xáo thịt” tương tàn. Vì vậy, ông bước đầu chủ trương đoàn kết lương - giáo cùng chống kẻ thù của dân tộc, lôi kéo đồng bào theo đạo đứng về phía nghĩa quân, chấm dứt tình trạng chia rẽ nội bộ trong nhân dân. Nhờ chủ trương đúng đắn này, đồng bào giáo dân sau khi trở về đã dần dần nhận thức được trách nhiệm của mình trước đại họa dân tộc, không mắc vào âm mưu chia rẽ của thực dân, sẵn sàng gia nhập vào hàng ngũ nghĩa quân chống lại kẻ thù chung. Vì vậy đời sống của giáo dân ở các xứ đạo Trà Kê, Cây Da, Bến Buôn vẫn được yên ổn mặc dù nằm gần các căn cứ của nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo nổ ra vào năm 1900 ở Phú Yên với sự tham gia đông đảo đồng bào giáo dân có lẽ cũng bắt nguồn từ nền tảng trong thời kỳ phong trào Cần Vương do Nguyễn Bá Sự lãnh đạo.

 

Có thể nói rằng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự, Phú Yên trở thành nơi phong trào Cần Vương diễn ra bền bỉ nhất khu vực các tỉnh nam Trung Kỳ. Phong trào ở Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận kết thúc vào giữa năm 1887  trước sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai Trần Bá Lộc, còn ở Phú Yên cuộc chiến đấu kéo dài đến năm 1892 mới chấm dứt. Phong trào Cần Vương Phú Yên diễn ra tương ứng với hai giai đoạn của phong trào Cần Vương cả nước. Thời kỳ đầu từ 1885-1887 do Lê Thành Phương lãnh đạo ứng với thời kỳ thứ nhất của phong trào Cần Vương toàn quốc (1885-1888). Đây là giai đoạn tồn tại triều đình kháng chiến Hàm Nghi. Do đó cũng như cả nước, phong trào Cần Vương Phú Yên phát triển mạnh mẽ trên diện rộng từ đồng bằng, ven biển đến vùng núi non hiểm trở và tấn công vào các trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ để giành chính quyền trong cả tỉnh. Không dừng lại ở đó, nghĩa quân Phú Yên còn tiến vào giải phóng các tỉnh cực nam Trung Kỳ và có cả ý định tiến vào giải phóng Nam Kỳ. Giai đoạn này phong trào Cần Vương Phú Yên bùng nổ do tác động của phong trào Cần Vương Bình Định và phối hợp với nghĩa quân Bình Định do Nguyễn Trọng Trì kéo vào lật đổ chính quyền thân Pháp tại tỉnh thành An Thổ, buộc án sát Huỳnh Côn và lãnh binh Nguyễn Văn Hanh phải bỏ trốn. Nhưng sau đó phong trào Phú Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ vươn lên làm chủ, trở thành trung tâm hỗ trợ, tiếp sức cho phong trào các tỉnh cực nam Trung Kỳ (1).

 

Trong thời kỳ thứ hai từ 1887-1892, phong trào Cần Vương Phú Yên dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự. Giai đoạn này cuộc kháng chiến của nhân dân Phú Yên ở vào tình hình chung của cả nước gặp nhiều khó khăn, khi quân Pháp về cơ bản đã dập tắt phong trào trên toàn quốc, chỉ tồn tại một số cuộc khởi nghĩa lớn như khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, khởi nghĩa Hùng Lĩnh của Tống Duy Tân ở Thanh Hóa, khởi nghĩa Sông Đà của Nguyễn Văn Ngữ ở Hòa Bình, khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên. Do đó phong trào Cần Vương Phú Yên phải co cụm, thiên về phát triển chiều sâu, lấy địa bàn rừng núi làm nơi hoạt động chủ yếu. Bên cạnh nhiệm vụ cơ bản của nghĩa quân giai đoạn này là chống các cuộc càn quét của địch bảo vệ căn cứ và đời sống của nhân dân vùng núi, kết hợp với tiến công mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài căn cứ gây sự bất ổn định cho nền thống trị của chính quyền thực dân ở Phú Yên.

 

Như vậy, so với phong trào Cần Vương các tỉnh nam Trung Kỳ, phong trào ở Phú Yên tồn tại thời gian khá lâu (1885-1892). Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: nghĩa quân đã biết dựa vào rừng núi hiểm yếu để lập căn cứ, xây dựng buôn - làng kháng chiến và được sự ủng hộ to lớn của các tầng lớp nhân dân, trong đó vai trò quan trọng là lực lượng đồng bào dân tộc thiểu số để đánh bại các cuộc càn quét của quân Pháp vào căn cứ. Giáo sư Ch.Fourniau khi nghiên cứu phong trào Cần Vương ở Bình Định - Phú Yên đã giới hạn sự tồn tại phong trào ở Phú Yên từ năm 1885-1887 (2) là không phù hợp với tình hình cụ thể của phong trào diễn ra ở địa phương Phú Yên. Việc giới hạn mốc thời gian của phong trào Cần Vương ở các tỉnh nam Trung Kỳ, giáo sư Đinh Xuân Lâm cho rằng: “Không thể áp đặt những cái mốc lịch sử lớn của cả nước vào bất cứ một địa phương nào, mà phải căn cứ vào tình hình cụ thể của phong trào ở từng địa phương để có một sự phân kỳ thích hợp”(3). Sự tồn tại kéo dài của phong trào Cần Vương Phú Yên đã góp phần cùng với phong trào cả nước làm chậm quá trình “bình định” của thực dân Pháp, gây khó khăn cho chúng trong việc thiết lập chính quyền cai trị cũng như chính sách khai thác thuộc địa ở Phú Yên và các tỉnh nam Trung Kỳ.

 

Cuối cùng do những nguyên nhân khách quan mang tính thời đại và nguyên nhân riêng phong trào Cần Vương Phú Yên bị thực dân Pháp đàn áp đi đến tan rã. Tuy thất bại, phong trào tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, đấu tranh kiên cường của nhân dân Phú Yên trong giai đoạn cuối của phong trào Cần Vương. Tấm gương yêu nước hy sinh bất khuất của Nguyễn Bá Sự và các nghĩa quân đã để lại sự cảm phục sâu sắc cho các thế hệ tiếp theo, đồng thời là nguồn cổ vũ, dẫn dắt phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Phú Yên và cả nước tiến lên liên tục cho đến thắng lợi cuối cùng.

 

---------------------------

(1,3) Đinh Xuân Lâm, “Nhân đọc bài Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên từ năm 1885 đến 1887 theo những nguồn tài liệu của giáo sư Ch.Fourniau”, Nghiên cứu lịch sử, 2/1984, tr.85.

(2) Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.34, tr.50.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek