Chủ Nhật, 22/09/2024 02:50 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 21/02/2011 07:00 SA

Sau khi bắt được Nguyễn Bá Sự, quân Pháp vô cùng mừng rỡ như đã trút được gánh nặngï. Chúng đưa ông về Tụ Hiền trang đểû dụ dỗ, đồng thời đe dọa nghĩa quân còn lại trên căn cứ La Hiên phải nhanh chóng ra đầu hàng. Bất chấp sự dụ dỗ cũng như đòn tra tấn của kẻ thù, Nguyễn Bá Sự cự tuyệt mọi hợp tác với chúng, chỉ yêu cầu quân giặc đem ông ra chém.

 

Vào một ngày tháng 2/1892 giặc Pháp đem Nguyễn Bá Sự và 11 nghĩa quân ra tử hình tại bãi cát Tuần thuộc xã An Dân phủ Tuy An. Bãi cát ven dòng sông Cái trước đây quân Pháp và Trần Bá Lộc đã xử chém vị Thống soái Lê Thành Phương, nay lại chứng kiến sự hy sinh của các anh hùng vì đại nghĩa.

 

Trước ngày bị giặc hành hình, Bộ chỉ huy nghĩa quân còn lại ở La Hiên đứng đầu là Võ Bạch Ngọc Đường tổ chức kế hoạch đột nhập thành An Thổ để cứu Nguyễn Bá Sự và các nghĩa quân bị bắt. Nhưng công việc không thành, một số hy sinh, một số rơi vào tay giặc, Võ Bạch Ngọc Đường bị quân Pháp đày lên Lao Bảo. Đến năm 1895 nhân ngày 14-7 lễ Quốc khánh Pháp, lúc giặc sơ hở, bà đã vượt ngục và đoạt vũ khí giết một số tên địch, trong đó có tên phản bội Nguyễn Đình Tình, thì bị giặc bắn chết (*), kết thúc cuộc đời oanh liệt của vị nữ tướng trong đội thập nhị vân nương của phong trào Cần Vương Phú Yên.

 

III. Vai trò của Nguyễn Bá Sự trong phong trào Cần Vương Phú Yên

 

Kế thừa ngôi chủ Tụ Hiền trang, Nguyễn Bá Sự có vai trò lớn trong việc tập hợp anh hùng hào kiệt chuẩn bị cho công cuộc chống Pháp xâm lược. Phần lớn các nhân sĩ xứ Trung Kỳ đến tụ nghĩa ở Tụ Hiền trang đều là hậu duệ nhà Tây Sơn, làm thế nào để hướng họ vào hoạt động chống Pháp mà quên đi mối thù diệt nhà Tây Sơn trước đây của triều Nguyễn? Bằng tài năng và đức độ của mình, Nguyễn Bá Sự đã mời các tướng lĩnh nổi tiếng của triều Nguyễn có nguồn gốc Tây Sơn như Đào Trí, Trịnh Hữu Thể đến Tụ Hiền trang, và thông qua họ tinh thần gác lại thù nhà, đặt nợ nước lên trên hết của kẻ sĩ thức thời được bàn đến.

 

Phát huy truyền thống quật khởi Tây Sơn nhưng không phải để khôi phục một triều đại đã mất, mà hướng tới nhiệm vụ cao cả đối với đất nước, đối với dân tộc là chống ngoại xâm bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước. Chính vì vậy, khi phe chủ chiến truyền mệnh lệnh đến các địa phương chuẩn bị lực lượng chống xâm lược, thì Nguyễn Bá Sự cũng như các nghĩa sĩ Tụ Hiền trang đã tiến hành xây dựng căn cứ, huấn luyện nghĩa quân để chiến đấu. Các căn cứ Hòn Ông, Tổng Binh, Tổng Lương được gấp rút xây dựng trong thời điểm này.

 

Khi cuộc tấn công của phe chủ chiến vào quân Pháp ở kinh thành Huế đêm 4/7/1885 thất bại và dụ Hàm Nghi được mật truyền đến các địa phương, Nguyễn Bá Sự đã nhanh chóng cùng các nhân sĩ lập đồn trại, chiêu tập nghĩa quân ủng hộ Hàm Nghi - một vị vua trẻ tuổi yêu nước, cùng với các thân hào, sĩ phu ở Phú Yên tiến hành cuộc khởi nghĩa.  

 

Nắm giữ vị trí Hữu tham quân trong phong trào Cần Vương Phú Yên phụ trách khu vực miền núi phía tây huyện Đồng Xuân, Nguyễn Bá Sự đã chỉ đạo tốt việc xây dựng các căn cứ địa ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Các căn cứ Tổng Binh, Suối Trầu, Hòn Ông trở thành những căn cứ vô cùng lợi hại của nghĩa quân, đóng vai trò là nơi tích trữ binh lương, cất giấu lực lượng khi khởi nghĩa chưa bùng nổ, đồng thời là căn cứ địa hiểm yếu dự trữ binh lực khi phong trào rơi vào khó khăn. Những ngày cuối tháng 2/1887, khi lực lượng ở đồng bằng bị hao tổn, nghĩa quân đã nhanh chóng rút về các căn cứ khu vực miền núi huyện Đồng Xuân mà trước đấy Nguyễn Bá Sự đã xây dựng để tiếp tục duy trì phong trào. Một số căn cứ địa nằm sâu trong vùng núi cao như căn cứ La Hiên, căn cứ Hà Đang - Thồ Lồ được xây dựng và củng cố trong giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến (1887-1892) đã phát huy tác dụng trong việc đương đầu với quân Pháp và tay sai suốt thời gian tồn tại của phong trào. Một số buôn làng của đồng bào dân tộc như buôn Y Dơm ,Y Dao, các buôn vùng Thồ Lồ trở thành những buôn, làng kháng chiến, những pháo đài hiên ngang đương đầu với chính quyền thực dân không chỉ trong thời kỳ Cần Vương mà suốt trong cả thời Pháp thuộc. Sự có mặt đông đảo của đồng bào dân tộc thiểu số trong hàng ngũ nghĩa quân cũng như nguồn tiếp tế của họ giúp cuộc kháng chiến duy trì trong thời gian dài. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân phong trào Cần Vương Phú Yên cũng như cả nước vẫn liên tục phát triển mặc dù về danh nghĩa vị vua khởi xướng phong trào là Hàm Nghi đã bị bắt, triều đình kháng chiến không còn, nhưng động lực chính của phong trào là tinh thần yêu nước của nhân dân - nguồn lực nuôi dưỡng phong trào phát triển.  

 

Sau khi Lê Thành Phương bị kẻ thù giết hại (20/2/1887), ngọn cờ yêu nước dưới danh nghĩa Cần Vương ở Phú Yên được chuyển sang tay Nguyễn Bá Sự. Đến lúc này những tố chất của một vị chỉ huy phong trào được bộc lộ và phát huy cao độ. Với uy tín và tài năng của mình, Nguyễn Bá Sự đã gầy dựng một đội ngũ những tướng lĩnh kiên trung với nòng cốt là đội thập nhị hào anh. Họ không chỉ giỏi võ mà còn đầy mưu lược, là những phụ tá đáng tin cậy giúp cho Nguyễn Bá Sự hoàn thành nghiệp lớn, gương cao ngọn cờ Cần Vương suốt dải đất nam Trung Kỳ, thách thức với chính quyền thực dân trong một thời gian khá dài. Khi ra trận, họ là những tướng lĩnh dũng cảm, gan dạ không sợ hy sinh. Khi bị bắt, họ sẵn sàng cùng với chủ soái kiên quyết khước từ sự cám dỗ của kẻ thù, lấy cái chết để đền nợ nước. Trong số 11 nghĩa quân bị giặc giết hại cùng với Nguyễn Bá Sự có các tướng lĩnh trong thập nhị hào anh như Nguyễn Thành Long, xã Sằng, đội Triều, đội Sơn. Một số thoát được, lui về mai danh ẩn tích bất hợp tác với chính quyền thực dân như đội Quế, kiểm Nhượng. Một số sau này tham gia vào cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 như Nguyễn Khoẻ, Huỳnh Cự.

 

Kế tục sự nghiệp Cần Vương từ vị thống soái Lê Thành Phương trong giai đoạn khó khăn khi Pháp đã ổn định về cơ bản nền thống trị ở khu vực đồng bằng, Nguyễn Bá Sự không ngừng củng cố các căn cứ địa đã có trước đó, đồng thời lập một số căn cứ mới nằm sâu trong vùng núi La Hiên hiểm trở để đương đầu với giặc Pháp. Ông đã kề vai sát cánh với các thủ lĩnh đồng bào dân tộc thiểu số người Chăm, Ba Na, ÊĐê như Ma Bí, Phó Đẩy, Ma Kiên, Oi Tui, Oi Cuk, Oi Lun… kiên cường đánh giặc. Nhờ dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc thiểu số mà nghĩa quân đánh bại các cuộc càn quét của quân Pháp bảo vệ căn cứ. Nguyễn Bá Sự đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng tình đoàn kết chiến đấu Kinh - Thượng, phá tan âm mưu chia rẽ giữa người miền xuôi với đồng bào miền núi của kẻ thù, đặt cơ sở lâu dài cho sự gắn bó chiến đấu giữa các dân tộc trên vùng đất Phú Yên trong sự nghiệp chống kẻ thù chung.

 

 Không chỉ duy trì phong trào ở Phú Yên, Nguyễn Bá Sự còn mở rộng liên kết với phong trào các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, vùng Hỏa Xá, Thủy Xá nhằm hướng tới phát động một cuộc nổi dậy trong cả khu vực nam Trung Kỳ. Ngoài ra, ông còn có cả kế hoạch sang Xiêm cầu viện và mua sắm vũ khí kiên quyết duy trì cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

 

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự, nghĩa quân ngoài việc mở nhiều đợt tấn công vào các đồn binh hay phục kích những toán lính Pháp tuần tiễu, còn ngăn cản các cuộc hành quân thám sát của Pháp lên các tỉnh Tây Nguyên qua con đường Phú Yên, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc làm chậm bước tiến xâm nhập vào Tây Nguyên của chúng, tạo điều kiện cho phong trào Tây Nguyên chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đánh Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong thực tế, sau khi đánh chiếm các tỉnh ven biển Trung Kỳ, quân Pháp muốn nhanh chóng tiến lên các tỉnh Tây Nguyên, nhưng vùng rừng núi phía tây các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đến lúc này vẫn là bí hiểm đối với chúng. Các cuộc thám sát của phái đoàn Pavie, Dugast qua con đường Phú Yên để xâm nhập vào Tây Nguyên liên tiếp bị thất bại do bị nghĩa quân phối hợp các buôn làng dân tộc thiểu số chặn đánh, tiêu hao lực lượng. Do đó, mãi đến năm 1905 thực dân Pháp mới thành lập tỉnh Pleikou Derr bao gồm khu vực rừng núi phía tây Phú Yên - Bình Định mở đầu cho việc thống trị vùng đất Tây Nguyên.

 

 

 (Còn nữa)

 

(*) Bùi Tân (1996), Chân dung một làng quê Phú Xuân (Bản thảo), Hội văn nghệ dân gian và văn hóa các dân tộc Phú Yên, tr.37.

 

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek