Chủ Nhật, 22/09/2024 02:33 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 20/02/2011 10:00 SA

Nguyễn Đình Tư trong Non nước Phú Yên xuất bản năm 1965 cho rằng: “Trên bước đường cùng, các tay chân đắc lực lần lượt bị bắt. Cuối cùng thấy thời vận đã hết, còn lén lút trốn tránh ngày nào thì dân chúng còn bị khổ sở ngày đó, nên ông (Nguyễn Bá Sự-T.G chú) bèn ra nạp mình cho giặc để cứu lương dân” (tr.149). Tác giả viết tiếp: “Khi ông (Nguyễn Bá Sự-T.G chú) bị bắt về tới nơi, tên Trần Bá Lộc sai thủ hạ trải chiếu hoa mời ông ngồi xuống…” (tr.149).

 

Tác giả Non nước Phú Yên đã nhầm lẫn khi viết về các căn cứ của nghĩa quân và sự kiện Nguyễn Bá Sự bị Trần Bá Lộc bắt.

 

Thực tế sau những cuộc càn quét của địch vào tháng 7-8/1891, lực lượng của Nguyễn Bá Sự hao tổn không đáng kể, các căn cứ vùng thượng nguồn sông Kỳ Lộ như Tổng Binh, Suối Trầu, Hòn Ông và các đồn trại ở Cây Vừng của nghĩa quân bị địch đánh phá, còn căn cứ La Hiên nằm sâu trong núi cao, đường đi lại khó khăn hiểm trở thì quân Pháp không thể tiến công. Thêm vào đó hậu cứ Hà Đang - Thồ Lồ vẫn còn nguyên lực lượng đủ sức cho nghĩa quân duy trì trong một thời gian dài. Vì vậy, nghĩa quân vẫn còn lực lượng khá mạnh không thể để vị thủ lĩnh của phong trào phải “lén lút trốn tránh”. Vả lại, Bộ chỉ huy nghĩa quân vẫn còn trụ cột là đội “Thập nhị hào anh” với các tướng lĩnh trung kiên như Nguyễn Thành Long, đội Sơn, đốc Quế, kiểm Nhượng, xã Sằng, đội Triều… thì Nguyễn Bá Sự không thể nao núng tinh thần.

 

Tác giả Nguyễn Đình Tư đã nhầm lẫn khi viết về sự kiện Trần Bá Lộc dụ hàng Nguyễn Bá Sự. Sau khi đàn áp phong trào Mai Xuân Thưởng tỉnh Bình Định, trung tuần tháng 5 năm 1887 Trần Bá Lộc đã khẩn thiết xin thống đốc Nam Kỳ cho ông ta đem lực lượng lính mộ trở về. Trong một lá thư gởi cho thống đốc Nam Kỳ ngày 17-5-1887 từ tỉnh Bình Định, Trần Bá Lộc viết: “Tôi khẩn thiết xin ngài cho phép tôi trở về Sài Gòn càng sớm càng tốt vì tôi không thể ở lại lâu hơn ở tỉnh này. Sức khoẻ của tôi luôn suy sụp và quân tình nguyện của tôi cũng quá mỏi mệt, đa số bị bệnh nặng không thể ở đây thêm được nữa. Vả lại Mai Xuân Thưởng - thủ lĩnh tối cao cuộc nổi loạn ở phía nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận thì đã bị bắt ngày 6 vừa rồi và tất cả tùy tướng của ông ta đều đã bị bắt hoặc đầu hàng. Toàn bộ chính quyền ở trung tâm và tỉnh đã được hoàn thiện và vận hành đều đặn, toàn bộ xứ này đã thực lòng quy thuận. Vì vậy, nên tôi tha thiết xin ngài cho tôi quay về ngay Nam Kỳ. Tôi vô cùng cám ơn ngài. Người đầy tớ trung thành  của nước Pháp. Tổng đốc Thuận - Khánh đang còn thực hiện công vụ ở Bình - Phú. Trần Bá Lộc (ký tên)” (1).

 

Sau đó Trần Bá Lộc cùng quân lính được đáp tàu trở về Nam Kỳ vào ngày 22 -6-1887 và về sau ông ta giữ chức đốc phủ sứ Cai Lậy. Trong thời gian từ năm 1890 đến khi qua đời (26-10-1899), Trần Bá Lộc bị tước hết binh quyền và chỉ chú tâm vào việc khai phá vùng đất Đồng Cói, đào các kênh mương nối Sa-đec với Tân An, trở thành một điền chủ giàu có (2). Về sau, nhiều tác giả dẫn theo Nguyễn Đình Tư  về sự kiện này nên tiếp tục nhầm lẫn.

 

Giáo sư Charles Fourniau trong bài Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp cho biết: “Đầu năm 1892 Bá Sự bị bắt (3) mà không nói rõ trong hoàn cảnh nào. Tạp chí Mémorial de Quy Nhơn số ra tháng 8 năm 1927 khi viết chương Quarante ans de Phu Yên cũng chỉ đề cập Nguyễn Bá Sự bị bắt và đến tháng 2 năm 1892 bị hành quyết (4).

 

Sự kiện Nguyễn Bá Sự và nhiều thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương Phú Yên rơi vào tay giặc đã ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chung của các tỉnh nam Trung Kỳ. Kế hoạch phối hợp cùng đồng loạt nổi dậy của nghĩa quân trong khu vực không thể thực hiện. Các cánh quân Cần Vương của Khánh Hòa, Bình Thuận đành phải bỏ dở kế hoạch đánh vào các phủ huyện, rút về căn cứ và sau đó chuyển lực lượng lên phối hợp với các phong trào ở Tây Nguyên hoạt động mạnh trong những năm đầu thế kỷ XX. Đánh giá về kế hoạch nổi dậy của lực lượng trong toàn khu vực nam Trung Kỳ dưới sự lãnh đạo của Bá Sự, Tổng công sứ Pháp viết: “Năm 1892, ông ta sắp thành công trong việc dấy lên một phong trào quy mô trong tất cả các tỉnh nam Trung Kỳ”.

 

Đối với phong trào chống Pháp ở Phú Yên, việc Nguyễn Bá Sự bị bắt là một tổn thất lớn lao. Vì ông không chỉ là vị thủ lĩnh tối cao của phong trào mà “là người thông minh, có tri thức… nổi hẳn lên trên tất cả các thủ lĩnh thông thường” trong việc đề ra mọi chủ trương, đường lối cho sự phát triển của cuộc kháng chiến. Nguyễn Bá Sự bị bắt đồng nghĩa với sự chấm dứt của phong trào.

 

(Còn nữa)

 

--------------------------

(1) Bức thư trích dịch trong tập hồ sơ Dossier individuel de M.Loc (Tran Ba) Tong doc 1868-1899. Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, KH. 1056.

(2) G.Durrwel (1900), Trần Bá Lộc, Tổng đốc Thuận –Khánh Sa vie et son oeuvre. Notice biographique d’après les documents de famille, BSEI, p.51-52.

(3)  Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên(1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.34, tr.50.

(4) Theo “Quarante ans de Phu Yen”, Mesmorial de Qui Nhon, d’ Avril 1927, p.31.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek