Chủ Nhật, 22/09/2024 02:52 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 19/02/2011 10:00 SA

Nguyễn Trứ được Pháp phong chức chánh tổng Xuân Sơn Thượng, Nguyễn Nhiệu được phong làm lãnh binh. Sự phản bội của các tướng lĩnh này đã ảnh hưởng không tốt đến phong trào, làm cho một số nghĩa quân hoang mang, có ý định rời bỏ căn cứ trở về gia đình sống an nhàn. Sự phản bội của Nguyễn Nhiệu, Nguyễn Trứ theo Nguyễn Bá Sự là xuất phát từ “những kẻ thèm khát chức vị, được tuyển chọn trong những phần tử thoái hóá”. Thâm độc hơn, thực dân Pháp còn len lỏi vào các buôn làng dụ dỗ, lôi kéo các trưởng buôn không ủng hộ nghĩa quân hoặc làm tay sai cho chúng. Nhưng với truyền thống yêu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số kiên quyết không hợp tác, làm thất bại âm mưu chia rẽ của thực dân Pháp. 

 

Sau khi tiến hành càn quét vào căn cứ và mua chuộc không hiệu quả, thực dân Pháp tăng cường bao vây và khủng bố các làng có liên quan đến nghĩa quân. Chúng tăng cường quân các đồn Thạch Lãnh, Phú Thành và lập thêm đồn mới ở Kỳ Lộ quanh khu vực núi La Hiên để bao vây, ngăn trở sự liên lạc của nghĩa quân Nguyễn Bá Sự với đồng bằng và các tỉnh lân cận. Bằng các thủ đoạn tàn bạo mà trước đây Trần Bá Lộc đã thực hiện như giết hại thân nhân nghĩa quân, đốt làng, đe dọa triệt hạ cả làng nếu nghĩa quân không ra đầu hàng,… gây ra sự hoảng loạn bao trùm lên căn cứ địa La Hiên. Một số nghĩa quân dao động lén về đầu thú, đưa người nhà đi nơi khác hoặc đổi tên, đổi họ để tránh sự khủng bố của kẻ thù. Giặc Pháp còn cho người đưa thư lên căn cứ hăm dọa: “Nếu không bắt được Bá Sự thì sẽ đốt hết tộc thuộc, làng xóm”(1).Với vai trò là vị thủ lĩnh lãnh đạo phong trào, Nguyễn Bá Sự có lúc nghĩ rằng phải ra nạp mình cho giặc để ngăn chặn bàn tay tàn bạo của kẻ thù là phương cách tốt nhất để cứu dân:

 

“…Ta thà cam chết cho đành

Để cứu dân lành thoát khỏi nạn tai…” (2)

 

Nhưng sau đó ông suy nghĩ sự nghiệp cứu nước là trên hết, và đây là “việc quân vương giao phó”(3) nên không thể chọn cái chết mà làm tan rã phong trào kháng chiến. Nguyễn Bá Sự đã gạt bỏ mọi đe dọa của kẻ thù, coi nợ nước nặng hơn tình nhà, tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo phong trào đấu tranh dù cho thân tộc của ông cũng bị giặc giam giữ, khủng bố.

 

4 .Nguyễn Bá Sự bị bắt, phong trào Cần Vương Phú Yên kết thúc

 

Nhằm phá thế bao vây và mở rộng liên kết với bên ngoài, đồng thời phối hợp lực lượng Cần Vương còn lại các tỉnh khu vực Nam Trung Kỳ đồng loạt nổi dậy, tháng 1-1892, Nguyễn Bá Sự cùng bộ chỉ huy nghĩa quân sau khi bố trí một số tướng lĩnh ở lại phụ trách căn cứ địa La Hiên như Võ Bạch Ngọc Đường, Đốc Quế, Kiểm Nhượng, phần lớn nghĩa quân dưới sự chỉ huy của ông tiến vào Khánh Hòa.

 

Lúc này nghĩa quân Khánh Hòa vẫn còn một số căn cứ nằm ở khu vực miền núi thượng nguồn sông Nha Trang do Nguyễn Trung Mưu, Trần Đạt, Nguyễn Thị Hàn Mai lãnh đạo, đang chuẩn bị tiến đánh huyện lỵ Ninh Hòa.

 

Nguyễn Bá Sự xuất quân từ căn cứ La Hiên theo đường Trà Kê vượt sông Ba qua đèo Cục Kịch để vào Tu Bông. Đây là con đường hành quân chiến lược theo đường thượng đạo từ Phú Yên vào Khánh Hòa và các tỉnh phía nam của cha ông trước đây trong cuộc Nam tiến. Cũng con đường này vào năm 1775, nghĩa quân Tây Sơn chặn đánh tiêu diệt trên 500 quân của Tống Văn Khôi, Bùi Công Kế từ Khánh Hòa kéo ra tiếp ứng đạo quân của Tống Phước Hiệp đang bị nguy khốn ở Phú Yên. Bùi Giảng, phó soái của phong trào Cần Vương Phú Yên đã từng dẫn quân liên tục đi qua đèo này để tiến vào Khánh Hòa - Bình Thuận trong những năm 1885-1887, lật đổ các chính quyền thân Pháp chống Cần Vương và gây cho quân Pháp ở Nam Kỳ mất ăn mất ngủ khi áp sát quân ở ranh giới tại khu vực Tánh Linh tỉnh Bình Thuận.

 

Cuộc hành quân do Nguyễn Bá Sự chỉ huy nằm trong kế hoạch nổi dậy đồng loạt của nghĩa quân các tỉnh Nam Trung Kỳ. Khi nghĩa quân tiến đến đèo Cục Kịch thì chạm trán với quân Pháp do giám binh Mathieu từ Nha Trang kéo ra phối hợp với một cánh quân từ Phú Yên đến bao vây. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt, nghĩa quân vừa phải chống trả cuộc tiến công của quân Pháp từ tỉnh Khánh Hoà, vừa phải phá vòng vây của địch từ Phú Yên đang siết chặt. Trong tình thế nguy ngập, Nguyễn Bá Sự chia quân ra hai phía chống cự. Cánh quân do Nguyễn Bá Sự trực tiếp chỉ huy giương cao cờ nguyên soái để thu hút quân Pháp chú ý, tạo điều kiện cho các nghĩa quân còn lại phá vòng vây, mở đường máu rút về căn cứ La Hiên. Cuối cùng do chênh lệch lực lượng và vũ khí, nghĩa quân bị tổn thất nặng, Nguyễn Bá Sự bị bắt cùng với một số nghĩa binh, hơn”18 khẩu súng và 2 đại bác” rơi vào tay địch (4).

 

Về sự kiện Nguyễn Bá Sự bị bắt, một số nguồn tư liệu dân gian và tác giả tại Phú Yên cho rằng ông ra nộp mình cho giặc để hạn chế sự khủng bố của kẻ thù đối với nhân dân. Nhưng theo nhận định của chúng tôi có lẽ đây chỉ là ý định ban đầu, nhưng sau đó ông không thực hiện. Nguồn tư liệu dân gian và các tác giả tại địa phương đã dựa vào sự suy đoán này và nhầm lẫn việc Nguyễn Bá Sự bị bắt với sự kiện ra nộp mình của Minh Trai Chủ Tể Võ Trứ sau này.

 

(Còn nữa)

 

----------------------

(1)(3)  Nguyễn Đình Tư (1965), Non nước Phú Yên, Nxb. Tiền Giang, Sài Gòn, tr.148, tr.149.

(2) Nguyễn Hồng Sinh (2005), Văn thơ trên đất Tây Sơn quật khởi, Nxb. Văn học, tr.142.

(4) Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Nguyễn Khắc Đạm (1957), Phong trào Văn thân khởi nghĩa, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, tr.176.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek