Chủ Nhật, 22/09/2024 02:57 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 18/02/2011 10:00 SA

3. Những trận đánh chống càn quét và mở rộng căn cứ

 

Đầu năm 1890, sau một thời gian khôi phục lực lượng dựa vào đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt sự yểm trợ của các tù trưởng Ma Bí, Ma Kiên, Phó Đẩy, Hà Duy Tiên ở các xã Bầu Bèn, Đá Mài, nghĩa quân tiến hành trừng trị những phần tử làm tay sai cho địch, kêu gọi dân làng ở Cây Vừng, Suối Cối, Kỳ Lộ, Phú Giang, làng Thanh, Suối Ché, Cà Lúi… đứng lên bất hợp tác với chính quyền thực dân, lập căn cứ chống Pháp. Nghĩa quân phối hợp với đồng bào rào làng kháng chiến, chặn đánh các cuộc hành quân, thám sát của thực dân Pháp tiến lên vùng núi nhằm thiết lập nền thống trị của chúng mở rộng lên các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Những cuộc hành quân này với mục đích “khám phá đất đai, do thám dân tình, thu thập sử liệu… phục vụ cho mục tiêu chính yếu là đặt tại đây nền đô hộ của Pháp” (1). Các đoàn thám sát của Pavie do các sĩ quan như đại úy Cupet, đại úy Cogniard, trung úy Dugast và thanh tra Garnier xuất phát từ nhiều địa phương khác nhau tiến lên Tây Nguyên. Đoàn của Dugast cùng với đội quân của Bricout tiến lên vùng Củng Sơn nhưng thất bại phải quay về Quy Nhơn. Sau đó Dugast cố gắng vượt lên vùng núi phía tây Củng Sơn men theo sông Ba lên Cheo-reo để gặp phái đoàn Cupet nhưng bị nghĩa quân ở các buôn làng chặn đánh.

 

Sau khi những cuộc hành quân thám sát thất bại, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp các buôn làng bất hợp tác. Các buôn làng ở Bầu Bèn, Cây Vừng, Suối Cối (vùng núi huyện Đồng Xuân) bị quân Pháp đốt phá. Dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng Ma Bí, Ma Kiên, Phó Đẩy dân binh các làng kiên cường chống giặc, tổ chức các trận phục kích dựa vào núi rừng gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Đồng bào đã sử dụng các loại vũ khí tự tạo như hầm chông, bẫy đá, mang cung tẩm thuốc độc… chống lại. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, các tù trưởng Phó Đẩy, Ma Bí, Ma Kiên không may rơi vào tay giặc. Các ông đã cự tuyệt mọi cám dỗ của địch, kiên  quyết chịu đựng sự tra tấn dã man để giữ vững khí tiết của nghĩa quân Cần Vương. Quân Pháp đã “chặt đầu 3 ông cắm lên ngọn sào để uy hiếp tinh thần của nhân dân” (2). Sự hy sinh của các thủ lĩnh người dân tộc không làm nản lòng nghĩa quân mà còn nung nấu tinh thần chiến đấu của họ, quyết tâm mở rộng địa bàn hoạt động, phát triển lực lượng vượt ra phạm vi các căn cứ.

 

Tháng 8-1890, nghĩa quân Cần Vương Phú Yên với lực lượng 60 người đột  nhập thành Bình Định “bằng cách trà trộn vào đám cu li và đại diện các làng đến nộp thuế “(3) để cướp các kho vũ khí, sau đó vận động nhân dân các làng xung quanh và cùng với lực lượng nghĩa quân tỉnh Bình Định đánh chiếm tỉnh thành Bình Định và Quy Nhơn. Cuộc đột nhập không đem lại kết quả như mong muốn, và “bị lính tập bản xứ đánh lui dưới sự chỉ huy của viên quan bưu điện” (4).

 

Đầu năm 1891, sau một thời gian củng cố lực lượng, nghĩa quân quyết định từ các căn cứ Hòn Ông, Tổng Binh, La Hiên tiến xuống vùng trung du các làng Phú Xuân, Phú Hội, Triêm Đức, Thạnh Đức và mở rộng hoạt động xuống vùng đồng bằng, phá vỡ âm mưu thiết lập vành đai bao vây các căn cứ, cắt nguồn tiếp tế của giặc Pháp. Đồng thời Nguyễn Bá Sự muốn chứng tỏ nghĩa quân đã hồi phục, đang nâng cao thanh thế và ảnh hưởng trong nhân dân. Bằng cách này, Nguyễn Bá Sự muốn lôi cuốn đông đảo nhân dân vùng đồng bằng tham gia hàng ngũ nghĩa quân và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

 

Những đợt tiến quân về đồng bằng của nghĩa quân Nguyễn Bá Sự kéo dài từ đầu năm 1891 đến tháng 7 -1891 đã gây ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Theo lời kể của các bô lão địa phương: nghĩa quân Nguyễn Bá Sự tổ chức đánh du kích phối hợp  mai phục, dùng những chiếc gióng mây thả lung tung trên cánh đồng Triêm Đức, Hóc Nếp, Suối Ngang, sau đó dụ địch tiến vào trận địa phục kích, tung lực lượng đánh giáp lá cà làm cho lính Pháp và Nam triều vướng phải gióng mây vấp ngã, nhiều tên bị tiêu diệt. Chiến trường diễn ra dọc theo lưu vực sông Cái trên các cánh đồng Bà Sử, Đồng Dài. Một số buôn người Chăm ở Kỳ Đu, Da Dù trở thành chỗ dựa của nghĩa quân khi chống trả các cuộc phản công của giặc Pháp. Thế trận diễn ra trong sự giằng co giữa nghĩa quân và quân Pháp gần nửa năm trong phạm vi suốt dọc miền tây Phú Yên. Đường quan lộ Bình Định đi Phú Yên qua đèo Mục Thịnh xuống La Hai mà chính quyền thực dân sử dụng để vận chuyển vũ khí, đạn dược cũng thường xuyên bị nghĩa quân tập kích.

 

Bên cạnh các cuộc tiến quân về đồng bằng, tập kích vào các đồn binh hay chặn đánh những toán lính Pháp đi tuần tiễu lẻ tẻ, nghĩa quân Nguyễn Bá Sự còn ra sức “tập hợp dân chúng thành những đơn vị quân đội, phân bổ cấp bậc, vũ khí“ (5). Các làng Cự Phú, Phú Đức, Phước Huệ, Thạnh Đức… nhân dân nô nức tham gia nghĩa quân làm cho phong trào mở rộng ảnh hưởng xuống vùng đồng bằng. Nhiều cáo thị, lời kêu gọi của Nguyễn Bá Sự trong thời kỳ này được phân phát rộng rãi trong dân chúng để tuyên truyền về tương lai của phong trào đều lấy “niên lịch Hàm Nghi “ mặc dù thời gian này nhà vua đã bị thực dân Pháp bắt đi đày ở Algérie (6).

 

Các cuộc tiến quân trên làm cho thực dân Pháp ở Phú Yên hết sức lo ngại, chúng sợ Nguyễn Bá Sự “kích động đồng bào nổi dậy, tập hợp họ thành những đơn vị“ (7) tiến tới phát động một phong trào rộng lớn chống lại chính quyền thuộc địa, đồng thời sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền cho sự nổi dậy ở vùng đồng bằng – nơi mà trước đây phong trào diễn ra mạnh mẽ, nay tạm thời lắng xuống. Công sứ Eduel tại Quy Nhơn quyết định tăng cường lực lượng Pháp từ Bình Định vào mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá các căn cứ của nghĩa quân đầu nguồn sông Kỳ Lộ trong tháng 7-8 năm 1891 (8).

 

Dựa vào rừng núi, nghĩa quân tổ chức chống càn, bảo vệ căn cứ và nhân dân các buôn làng gần căn cứ. Nguyễn Bá Sự cho quân chặn đánh các toán quân tiên phong của Pháp khi chúng sục sạo vào căn cứ Tổng Binh, Suối Trầu, nhiều lính Pháp và khố xanh sụp hầm chông, bị tên tẩm thuốc độc giết chết. Trong các trận đánh chống sự càn quét của quân Pháp, nghĩa quân các  dân tộc thiểu số đã bố trí nhiều bẫy đá dọc theo các hốc núi dẫn vào căn cứ và dụ địch lọt vào trận địa phục kích để tiêu diệt. Tuy nhiên, các cuộc hành quân của Pháp cũng gây tổn thất cho nghĩa quân: các căn cứ như Tổng Binh, Suối Trầu, Hòn Ông bị đánh phá, lương thảo bị đốt, một số làng đồng bào Chăm bị khủng bố, heo bò bị cướp. Tình hình của nghĩa quân ngày càng khó khăn, phải rút về căn cứ La Hiên và Hà Đang-Thồ Lồ thu hẹp địa bàn hoạt động.

 

Song song với việc càn quét khủng bố khốc liệt, thực dân Pháp còn dùng các thủ đoạn chính trị thâm độc như ly gián, mua chuộc, dụ dỗ nghĩa quân và chia rẽ các dân tộc nhằm làm suy yếu lực lượng nghĩa quân. Chúng lợi dụng những khó khăn của nghĩa quân để kêu gọi họ về đầu thú và hứa sẽ ban cho chức tước, hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Một vài tướng lĩnh như Nguyễn Nhiệu, Nguyễn Trứ không chịu nổi khó khăn đã rời bỏ hàng ngũ xuống đầu thú và dẫn đường cho quân Pháp đánh phá căn cứ.

 

(Còn nữa)

 

--------------------------------

(1) P.Pasquier (1924), “Les principes directeurs de l’Administration des régions Mois, RI, n0 2, p.109.

(2)  50 năm hoạt động của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Phú Khánh (1980), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Phú Khánh xuất bản, tr.13

(3)(4)(5) Ch. Fourniau (1983), Les contacts Franco-Vietnamiens en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896-Thèse de Doctorat d’Etat, Pari (GS.Nguyễn Phan Quang lược dịch), tr.36, 35, 37.

(6) Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên(1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.50.

(7) (8) Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên(1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.34, tr.50.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek