Chủ Nhật, 22/09/2024 02:59 SA
Thương lắm trường tôi
Thứ Năm, 17/02/2011 14:01 CH

Tháng 8/1980, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, chúng tôi nhận quyết định của Bộ Giáo dục lên đường vào miền Nam công tác. Đoàn về Phú Khánh và dừng tại Nha Trang để chờ phân công về các huyện. Tôi được phân về Trường Trung học Sư phạm ở TX Tuy Hòa nhưng có nguyện vọng về trường phổ thông nên được đổi quyết định về một trường mà thầy Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Giáo dục Phú Khánh mô tả là “ở một thị trấn, gần Quy Nhơn nhất”. Chưa biết La Hai ở đâu, nhưng khi biết được phân công nhiệm sở cùng với thầy trưởng đoàn Nguyễn Cảnh, là đảng viên, bộ đội đi học, chúng tôi đã nghĩ ngay đến khó khăn đang chờ đón mình.

 

LL3110217.gif

Quang cảnh lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trường THPT Lê Lợi (1980-2010) - Ảnh: H.CHƯƠNG

 

Đứng ở sân ga La Hai, thầy Cảnh hỏi cô bán quán nước: “Em ơi, về trường cấp 3 Lê Lợi đi đường nào?”. Cả chủ và khách trong quán đều ngơ ngác: “Ở đây đâu có trường cấp 3, cái tên trường cấp 3 Lê Lợi em chưa nghe đến”. “Thế có trường học nào gần đây không?”. Cô chủ quán hướng dẫn: Có trường cấp 1, 2 nhưng đi hơi xa. Các thầy cô ra cổng ga, đi đường phía tay trái, qua dốc cao gọi là dốc Quận, đi tiếp khi nào thấy có trường học là đến”. Nhìn đường tối om, không người qua lại, rồi nhìn nhau, dù không ai nói ra nhưng chúng tôi đều ái ngại. Trời tối đen, đường dốc và xa, trên tay mỗi người là chiếc va li đầy sách và vài bộ quần áo cộng thêm chiếc chiếu gấp đôi rồi cột ở bên ngoài. Cuối cùng, chúng tôi  cũng  thấy  ngôi trường le lói ánh đèn dầu  hiện ra…

 

Sáng ngày 10/9/1980, trong lễ khai giảng năm học đầu tiên, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa đọc quyết định thành lập trường. Hội đồng nhà trường gồm thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa dạy Văn, thầy hiệu phó Nguyễn Cảnh dạy Toán, thầy Ngô Hồng Trung ở Trường Phan Đình Phùng về dạy Anh văn. Hai thầy ở Trường Trần Phú lên là thầy Thuận dạy Hóa học và thầy Cẩm dạy Vật lý. Cô Thu Phương dạy Chính trị và bốn cô giáo trẻ chúng tôi là cô Xuân dạy Vật lý, cô Hồng dạy Toán, cô Hà dạy Lịch sử và cô Thanh dạy Sinh học. Trường có ba lớp 10 mới tuyển vào và một lớp 11 chuyển từ hai Trường Phan Đình Phùng và Trần Phú về. Buổi sáng học sinh cấp 3 học, buổi chiều dành cho cấp 2. Trường lúc ấy có tám phòng học nhưng chỉ học sáu phòng. Một phòng để các cô giáo cấp 2 ở, còn một phòng ban ngày là phòng ăn tập thể, ban đêm trở thành phòng hội họp và trao đổi chuyên môn. Ở miền Bắc học hệ 10 năm nên khi ra trường, các cô giáo trẻ chỉ mới 20 tuổi trong khi học trò huyện Đồng Xuân ngày ấy rất ít em học đúng tuổi mà thường học trễ vài năm. Vì vậy, nhiều học trò bằng hoặc lớn tuổi hơn cô giáo. Tuần đầu còn bỡ ngỡ, các thầy cô hầu hết ở tỉnh ngoài vô nên âm giọng rất khác với tiếng  Phú Yên. Học trò còn e ngại lảng tránh tiếp xúc với thầy cô. Dần dần, giọng “xứ nẫu” và các nơi  khác đã hòa vào nhau thân thương, gần gũi…

 

Vì trường ở gần nhà dân nên chúng tôi thường hay đến chơi với bà con. Chính nhờ gần gũi với dân nên chúng tôi nhận thấy nhiều người chưa biết đọc và viết. Vì thế, phiên họp hội đồng tháng 11 có thêm “chương trình nghị sự” là bàn việc tổ chức lớp học bình dân vào ban đêm. Nhưng việc vận động bà con đến lớp không đơn giản. La Hai lúc ấy chưa có điện thì học buổi tối như thế nào? Còn giấy bút ra sao? Chỉ sau một buổi họp hội đồng, mọi việc được giải quyết nhanh gọn. Mỗi giáo viên tự đi vận động bà con và có sự góp sức nhiệt tình của Ủy ban xã mà lúc ấy Chủ tịch là chú Chín Hạnh. Lớp học bắt đầu ngay sau đó. Các cụ ông, cụ bà, các bố, các mẹ, các anh chị lớn tuổi lần lượt rủ nhau đến lớp. Buổi đầu vài người rồi con số cứ tăng dần lên. Mỗi học viên được phát giấy bút, trích từ tiêu chuẩn văn phòng phẩm của giáo viên. Khi đi học, mỗi người cầm theo một chiếc đèn dầu. Thầy cô một tay cầm phấn, một tay cầm đèn dạy viết, dạy đọc. Tay phấn ở đâu thì đèn ở đó. Nhìn bà con há miệng, dạng tay, dạng chân viết, rồi cầm cái quạt nan tre để xua muỗi dưới chân mà thương quá. Chúng tôi dạy bà con cái chữ, còn bà con lại dạy chúng tôi kỹ năng, kinh nghiệm sống bằng lời nói ân cần, chân thành và mộc mạc. Khoảng hơn một tháng học tập với mỗi tuần 3 buổi tối là nhiều người đã đọc thông viết thạo và “thầy trò” chia tay, để lại nhiều kỷ niệm mãi mãi không quên. Ngày ấy có nhiều gia đình cả hai hoặc ba thế hệ đến học. Buổi tối thì ông bà, cha mẹ, buổi sáng thì con, cháu. Chia tay các lớp buổi tối dù không có một đồng thù lao nhưng chúng tôi đã được rất nhiều, đó là tấm lòng của bà con đối với mình thân thiết như ruột thịt. Xong lớp bình dân, chúng tôi lại mở các lớp bổ túc cấp 2, 3 cho cán bộ các cơ quan trong huyện. Rồi cứ 16g chiều thứ bảy hàng tuần, chiếc xe Ford của Trại giam A20 (Bộ Công an) lại xuống đón chúng tôi lên Xuân Phước dạy bổ túc cấp 3 cho cán bộ, chiến sĩ trong trại. Tối chủ nhật, sau khi dạy xong, chiếc xe ấy lại đưa chúng tôi về trường để tiếp tục công việc của tuần mới. Vào mùa mưa, nếu gặp lũ xuống, nước lớn, nhiều lúc chúng tôi phải bò trên cầu sắt La Hai để về lại trường, vừa bò vừa run vì lỡ có tàu hỏa đi đến thì rất nguy hiểm! Chỉ ba năm sau, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của Trại giam A20 đã tốt nghiệp cấp 3 và nhiều người tiếp tục học lên theo chuyên ngành. Và sau đó một  năm, lớp học bổ túc dành cho cán bộ huyện cũng hoàn thành “sứ mệnh” của nó.     

  

Giáo viên Trường Lê Lợi ngày ấy rất đa năng. Tôi vừa dạy Vật lý vừa dạy Toán, thầy Nguyễn Phúc (Hiệu trưởng hiện nay) vừa dạy Địa lý, vừa dạy Sinh học, vừa dạy Hóa học rồi dạy… Kỹ thuật. Thầy Trần Văn Chương, nay là Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên, hồi ấy dạy ở Trường Phan Đình Phùng (Sông Cầu) cũng có thời gian lên hỗ trợ chúng tôi. Rồi Trường Lê Lợi sáp nhập với trường cấp 2 thành Trường cấp 2, 3 Lê Lợi. Tuy là trường miền núi, điều kiện học tập thua xa các trường bạn nhưng trường vẫn có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Khi chưa có trường, nếu muốn học cấp ba thì phải xuống Tuy An hoặc ra Sông Cầu, đường sá xa xôi nên rất ít người học tiếp lên. Từ khi có Trường Lê Lợi, con em huyện Đồng Xuân được đến trường trong niềm vui của toàn xã hội. Từ trường, nhiều em đã trưởng thành và tung cánh muôn nơi. Em làm bác sĩ, kỹ sư, em trở thành cán bộ huyện, cán bộ tỉnh và nhiều em làm thầy cô giáo ngay trường mình đã học. Nhiều em là sĩ quan công an, sĩ quan quân đội tỉnh, huyện, là hiệu trưởng các trường cấp 1, 2. Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân bây giờ, Nguyễn Lý Nguyên là lớp trưởng lớp 11 đầu tiên của trường do tôi chủ nhiệm. Thượng tá Huỳnh Trọng Sơn, hiện công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên là thành viên của lớp 11 đàn anh ấy. Liệt sĩ Vũ Trúc Linh đẹp trai, học giỏi đã hy sinh trên chiến trường K cũng là thành viên của lớp 11 ngày xưa. Trong những ngày khó khăn nhất của Trường Lê Lợi thời bao cấp, luôn có mặt chú Hai Hiền, nguyên Bí thư Huyện ủy, anh Ba Tài, anh Hai Trung, chị Hai Mừng, anh Ba Phổ, anh Sáu Hải, chú Chín Hạnh, anh Ba Việc… Anh Lương Mộng Sanh, Bí thư xã đoàn ngày ấy (nay là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân) luôn sát vai gỡ khó cùng các thầy cô giáo của trường…

 

Tôi dạy học trên mảnh đất Đồng Xuân ấm áp tình người tròn mười bốn năm. Dù đã xa nơi này mười bảy năm, nhưng mỗi khi nghĩ về La Hai – Đồng Xuân, lòng tôi luôn dâng lên tình yêu tha thiết một vùng quê nghĩa tình và sự biết ơn sâu sắc những phụ huynh, những đồng nghiệp đã tổ chức hôn lễ cho chúng tôi, tận tình chăm sóc giúp đỡ khi tôi đau ốm nằm liệt giường trong ngày cưới. Và hai con của chúng tôi đã lớn lên, trưởng thành từ những tấm lòng nhân hậu ấy. 

 

Sau ba mươi mốt năm, hôm nay, ngôi trường thân yêu đã tọa lạc nơi đất mới, khang trang với dãy nhà cao tầng, luôn luôn trẻ mãi bởi lòng nhiệt huyết được gìn giữ, đắp bồi qua năm tháng. Vượt qua mọi biến động của thiên nhiên và lòng người, các thầy cô giáo Trường THPT Lê Lợi hôm nay vẫn thầm lặng với sự nghiệp trồng người bình dị mà cao cả. Ngày ngày giọng ca trong trẻo đầy tự hào của các em học sinh lại cất lên: “Trường của chúng em mang tên Lê Lợi, đứng giữa đồi bằng phố núi La Hai…” \

 

ĐÀO THỊ XUÂN

Giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek