Chủ Nhật, 22/09/2024 02:42 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 17/02/2011 07:01 SA

Như vậy, mặc dù khu vực đồng bằng do quân Pháp kiểm soát, nhưng vùng rừng núi trải dọc triền đông của dải Trường Sơn, nghĩa quân của Nguyễn Bá Sự vẫn tiến hành các hoạt động mở rộng căn cứ và liên kết với nghĩa quân các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, Bình Thuận phá thế bao vây, cô lập của thực dân Pháp.

 

Mục đích của Nguyễn Bá Sự là xây dựng các căn cứ để tiếp tục duy trì phong trào chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương không chỉ ở Phú Yên mà mở rộng ra các tỉnh nam Trung Kỳ. Không dừng lại ở phạm vi liên kết phong trào Phú Yên với các nghĩa quân còn lại trong khu vực nam Trung Kỳ, Nguyễn Bá Sự còn chuẩn bị kế hoạch cử người sang Xiêm cầu viện (1) để phối hợp “nội công ngoại kích” phát động cuộc nổi dậy trên toàn khu vực như trong báo cáo của Brière đã thừa nhận: “Bá Sự sắp thành công trong việc dấy lên một phong trào quy mô trong tất cả các tỉnh nam Trung Kỳ” (2).

 

Lực lượng tham gia nghĩa quân trong thời kỳ này bao gồm người Kinh và đồng bào dân tộc Chăm, Bana, Ê-Đê sinh sống vùng rừng núi phía tây Phú Yên. Với uy tín của mình, Nguyễn Bá Sự và các thủ lĩnh đã vận động một số nhà khá giả ở huyện Đồng Xuân ủng hộ tiền của, lương thực để mua sắm vũ khí và huy động lực lượng tham gia nghĩa quân như Huỳnh Thượng Lắm (thôn Thạnh Đức, Xuân Quang) về sau giữ chức quản binh, Cửu Nhữ (xã Xuân Sơn), Huỳnh Xuân Thọ (xã Phước Thuận, Xuân Quang) giữ chức đề binh.

 

Trong thành phần nghĩa quân, người dân tộc thiểu số là lực lượng quan trọng. Bên cạnh những dân binh mới tuyển mộ ở buôn Ma Lố do các già làng Ma Kham, Oi Bí, tù trưởng Săm brăm làng Suối Ché phụ trách, Nguyễn Bá Sự còn dựa vào lực lượng đã tham gia phong trào trước đây trong nghĩa quân người Chăm, BaNa của Phó Đẩy, Ma Kiên, Ma Bí ở xã Bầu Bèn, Hà Duy Tiên ở xã Đá Mài (3). Phải nói rằng, lực lượng người dân tộc thiểu số là những nghĩa quân gan dạ, kiên trung gắn bó với phong trào trong suốt cuộc kháng chiến. Họ chịu đựng mọi khó khăn gian khổ, thiếu cơm lạt muối do chính sách bao vây của kẻ thù mà không hề dao động, đầu hàng. Họ nhiệt tình ủng hộ Nguyễn Bá Sự và các thủ lĩnh nghĩa quân. Những hố chông, bẫy gài của họ là thế trận thiên la địa võng bảo vệ các căn cứ trước cuộc tấn công càn quét của thực dân Pháp.

 

Trong thời gian phát triển lực lượng, củng cố phong trào (1887-1890), Nguyễn Bá Sự cùng bộ chỉ huy nghĩa quân tiến hành công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn làng vùng núi phía tây Phú Yên tích cực ủng hộ nghĩa quân. Theo lời kể của các già làng: Bá Sự thường gần gũi với đồng bào, cho nghĩa quân giúp đỡ trong sản xuất hoặc những lúc khó khăn. Các phong tục tập quán của đồng bào được nghĩa quân tôn trọng. Cử chỉ thân ái, gần gũi của Nguyễn Bá Sự đã chiếm được cảm tình của đồng bào làm cho mối quan hệ giữa nghĩa quân với đồng bào Chăm, BaNa, Ê-Đê ngày càng gắn bó. Nguyễn Bá Sự cũng như các thủ lĩnh nghĩa quân ý thức sâu sắc rằng: nếu không được sự che chở của dân làng, không dựa vào họ thì cuộc kháng chiến không thể tồn tại lâu dài, kẻ thù sẽ nhanh chóng đàn áp. Trong các buôn làng miền núi huyện Đồng Xuân cho đến nay vẫn còn lưu truyền những câu chuyện kể về Nguyễn Bá Sự đánh giặc Tây hoặc tài “xuất quỷ nhập thần” và nhiều phép thuật mang tính huyền thoại của Bá Sự. Họ kể rằng: có lần Nguyễn Bá Sự đi giữa đường thì gặp bọn Tây phục kích, ông nhanh chóng cắp hai tên lính cận vệ “bay” ngay về căn cứ, hoặc trong một lần Nguyễn Bá Sự và một số nghĩa quân trên đường rời khỏi căn cứ La Hiên xuống vùng đồng bằng thì bị quân Pháp bao vây, chúng định bắt sống Nguyễn Bá Sự để nhận thưởng. Ông bình tĩnh lấy hạt đậu từ trong túi ra vãi và đọc thần chú, lập tức một đạo binh đông đảo xuất hiện đánh tan bọn Pháp…

 

Nhờ gần gũi và quan hệ tốt với đồng bào các dân tộc thiểu số nên nghĩa quân của Nguyễn Bá Sự được họ bảo bọc, giúp đỡ và tiếp tế lương thực, cung cấp thông tin khi giặc lùng sục vào căn cứ. Đặc biệt, sự có mặt của đội quân “sơn hùng, sơn dũng” của người Chăm, BaNa ở Suối Trầu, Hà Đang-Thồ Lồ, Cây Vừng, Trại Gia, Ma Lố… với cung, nỏ, tên thuốc độc trở thành những đội quân thiện chiến làm gia tăng sức mạnh của nghĩa quân lên nhiều lần, và gây kinh hoàng cho quân Pháp khi tấn công vào căn cứ.       

 

 (Còn nữa)

(1) Nguyễn Đình Tư (1965), Non nước Phú Yên, Nxb. Tiền Giang, Sài Gòn, tr.148.

(2)  Ch. Fourniau (1983), Les contacts Franco-Vietnamiens en Annam et au Tonkin de 1885 à 1896-Thèse de Doctorat d’Etat, Pari (GS.Nguyễn Phan Quang lược dịch), tr.36.

(3) Năm mươi năm hoạt động của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Phú Khánh (1980), Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Phú Khánh xuất bản, tr.13

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek