Chủ Nhật, 22/09/2024 02:54 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 16/02/2011 10:00 SA

Để có lương thực tích trữ cho cuộc chiến đấu lâu dài, nghĩa quân khai khẩn đất đai vùng bình nguyên Trà Kê với diện tích hàng chục hec-ta để trồng các loại cây lương thực, chăn thả bò, ngựa và xây dựng kho Tổng Lương. Đề phòng quân địch tập kích vào căn cứ, trên núi Hòn Ông nằm phía bắc căn cứ Tổng Binh, nghĩa quân cho lập tiền đồn Sân Sĩ và treo lá cờ phướn trên cây gõ cao làm hiệu lệnh (nên núi Hòn Ông còn gọi là núi Phướn). Với vị trí hiểm yếu của Tổng Binh, nghĩa quân của Nguyễn Bá Sự đã chống trả các cuộc càn quét của quân Pháp trong tháng 7-8 năm 1891 bảo vệ an toàn cho căn cứ địa trung tâm La Hiên.

 

- Căn cứ Suối Trầu:

 

Nằm trong thung lũng rộng chừng 3 hec-ta, bên cạnh buôn Suối Trầu của người Chăm. Căn cứ này nằm dưới chân núi Đá Chồng, có dốc Đá Chồng án ngự về phía bắc. Dựa vào đồng bào Chăm, nghĩa quân tiến hành khai hoang sản xuất, lập đồn trại, xây dựng các đội quân người dân tộc thiểu số với cung ná, tên tẩm thuốc độc ra sức chống giặc bảo vệ căn cứ.

 

Tháng 2-1887, sau khi đại đồn Định Trung thất thủ, Bùi Giảng đưa lực lượng về trú ẩn tại Suối Trầu và được bà con người dân tộc thiểu số ở đây bảo bọc, giúp đỡ. Nhưng sau đó Bùi Giảng và 500 thủ hạ đã xuống núi đầu hàng Trần Bá Lộc do thủ đoạn khủng bố tàn bạo của y khi đe dọa sẽ giết hại cả nhà Bùi Giảng .

 

Như vậy, các căn cứ Tổng Binh, Suối Trầu, Hòn Ông và các cứ điểm Trại Thứ, Sân Sĩ tạo thành một hệ thống căn cứ liên hoàn, làm thế nương tựa yểm trợ lẫn nhau trong chiến đấu. Tính chất liên hoàn của hệ thống căn cứ vành đai đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ căn cứ địa La Hiên trong suốt thời gian phong trào Cần Vương tồn tại.

 

- Căn cứ Hòn Chảo:

 

 Đây là một thung lũng nằm dưới chân Hòn Chảo (còn gọi là núi Chúa) thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Vùng rừng núi này giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, nằm trong hệ thống núi non trùng điệp của dải Trường Sơn chạy dài ra biển Đông. Nguyên trước đây sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, một số nghĩa binh của Bình Định, Phú Yên tìm đến Hòn Chảo để khai hoang, lập trại tránh sự truy sát của Nguyễn Ánh. Về sau, khi phong trào Cần Vương khu vực đồng bằng Tuy Hòa bị Pháp đàn áp, một số tan rã, số còn lại rút về đây lập căn cứ để tiếp tục kháng chiến. Căn cứ Hòn Chảo có vai trò khống chế con đường thượng đạo đi vào Khánh Hòa và liên kết với một số  nghĩa quân Cần Vương còn lại của Khánh Hòa đang hoạt động chống Pháp ở vùng phía tây huyện Tân Định (nay là huyện Vạn Ninh).

 

Ngoài các căn cứ trên, Nguyễn Bá Sự còn xây dựng lực lượng mở rộng phong trào trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Bana tại các buôn Cây Vừng, Bầu Bèn, Đá Mài, Suối Rễ, Suối Cối, vùng thượng nguồn sông Kỳ Lộ với các xưởng rèn đúc vũ khí. Tại buôn Cây Vừng, nghĩa quân thiết lập một đồn binh, dựng cột cờ mà ngày nay còn lưu lại địa danh “cột cờ nguyên soái”. Trong báo cáo gởi toàn quyền Đông Dương ngày 27-1-1892 và ngày 21-3-1892 Brière, công sứ Phú Yên viết: “Một cuộc thám sát tại vùng thượng lưu của một chi nhánh sông Cà Lồ (tức sông Kỳ Lộ-T.G chú) cho thấy vùng này được bảo vệ, khi chiếm được một cái đồn ở đây người ta thấy những xưởng thợ rèn và thợ đúc” (1).

 

Nguyễn Bá Sự còn mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân ra ngoài phạm vi Phú Yên. Về phía bắc, Nguyễn Bá Sự liên kết với Phạm Toản của phong trào Cần Vương ở Bình Định còn lại sau khi Mai Xuân Thưởng bị bắt, đang rút lực lượng về vùng Vân Canh, An Khê, tạo nên địa bàn hoạt động nối dài giữa căn cứ La Hiên, Hà Đang-Thồ Lồ với vùng rừng núi Bình Định. Tại rừng núi xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định), Nguyễn Bá Sự “xây dựng một căn cứ kháng chiến vững chắc và được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Chăm và Bana. Họ cung cấp lương thực, thuốc men cho nghĩa quân” (2). Phía nam, Nguyễn Bá Sự phối hợp với lực lượng của Nguyễn Trung Mưu, Bùi Đồng, Lê Thiện Kế, Lê Thiện Thuật lập căn cứ ở Thác Hòm, Thác Trại đầu nguồn sông Nha Trang và lực lượng của Trần Đạt đóng giữ miền núi Khánh Dương, Dục Mỹ để tiến hành “chiến tranh du kích, quấy rối tiêu hao sinh lực địch, đồng thời khiến cho quan lại Nam triều không được thu thuế của dân quá nặng, hạn chế bắt dân đi phu phen, tạp dịch…” (3), làm cho thực dân Pháp không thể thiết lập chế độ cai trị tại vùng núi giáp ranh hai tỉnh. Nghĩa quân Phú Yên còn phối hợp với lực lượng ở Bình Thuận của chúa động É-lâm người Rakley làVi-năng-cook lập căn cứ tại thượng nguồn sông Pha và thủ lĩnh người Chăm là Lữ Minh Việt đang đóng quân ở miền núi Tánh Linh.Về phía tây, Nguyễn Bá Sự phái Hà Duy Tiên,Võ Đính liên lạc với các chúa Thủy Xá và Hỏa Xá để cùng chống Pháp, lập căn cứ tại Cheo-reo.

 

(Còn nữa)

 

------------------------------

(1) Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên(1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.50.

(2)  Phan Văn Cảnh (1997), Phong trào Cần Vương ở Bình Định (1885-1887), Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP Hà Nội, tr.138.

(3) Địa chí Khánh Hòa (2003), Nxb. Chính Trị quốc gia, Hà Nội, tr.140.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek