Chủ Nhật, 22/09/2024 03:01 SA
Từ làng quê ra đi
Thứ Tư, 16/02/2011 09:00 SA

Hòa Đồng – mảnh đất thân thương được hình thành hơn 400 năm, nơi gắn liền bước chân mở đất của người Việt vào phía Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

 

tk110216.jpg

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang xã Hòa Đồng.

 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử Triều Nguyễn, từ thế kỷ XVI người Việt đã cư trú trên vùng đất Hòa Đồng ngày nay, với sự kiện Vua Lê (Quang Hưng) cử ông Lương Văn Chánh chiêu tập lưu dân miền Thuận – Quảng vào đây khai hoang lập ấp năm 1578. Năm 1611 (năm Tân Hợi) thành lập huyện Tuy Hòa, trong đó có xã Hòa Đồng tồn tại cho đến ngày hôm nay.

 

Toàn xã có 5 thôn: Phú Diễn, Vinh Ba, Mỹ Thuận, Phú Mỹ, Phú Phong. Không rõ ai đã đặt câu ca dao truyền tụng trong dân gian từ xa xưa đến tận bây giờ, từ trẻ con đến người già ai cũng thuộc lòng như bài ca quê hương đầy âm sắc quyện lấy một vùng quê yên ả:

 

Vinh Ba đan cót, đan gàu

Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong

Phú Thuận nghề vải trồng bông

Phú Nhiêu, Thạnh Phú, Ngọc Lâm chai đàn…

 

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, tôi mới tròn 7 tuổi. Nhưng tôi cũng được chứng kiến giây phút cuối cùng, sụp đổ của chế độ phong kiến, thực dân ngay trên mảnh đất quê nhà, chứng kiến những dòng người biểu tình, thị uy đi qua đường làng với mã tấu, dao găm, gậy gộc hô khẩu hiệu vang trời tiến về phủ Tuy Hòa cướp chính quyền.

 

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được giương cao trong dòng người rất đông đúc. Cảm nhận trong tôi là lịch sử đã sang trang. Quyển sách đọc chữ nho Minh Tâm, Tử Thế cha mua cho tôi để thường ngày đến nhà ông giáo làng học dưới làn roi vọt và quỳ xơ mít, tôi vội vàng đem cất kỹ trong hộc bàn. Và lúc này, cả nước hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Phong trào bình dân học vụ ở Phú Yên nói chung và ở thôn tôi vô cùng sôi động. Cả nhà tôi đều lao vào học chữ quốc ngữ, cha tôi vào bạch đầu quân và đi đầu trong phong trào diệt giặc dốt, rồi đến các chị các anh đều học tốt và làm giáo viên bình dân học vụ, người biết nhiều chỉ người biết ít, cùng quyết tâm xóa nạn mù chữ. Tại nhiều phiên chợ ở Phú Nhiêu, Phú Thứ, đoàn quân chống giặc dốt làm barie trước cổng chợ và đố chữ ai nói được, đọc được mới cho vào chợ. Một số chị em do bận con cái, công việc gia đình, không học được nên không trả lời nổi, đành quay gót trở về hoặc phải gửi người đi chợ dùm. Chính việc làm lúc bấy giờ tạo nên sự kích thích xóa nạn mù chữ cực kỳ có hiệu quả. Có nhiều phụ nữ tối đến đốt đèn chai học, lấy than tập viết chữ trên sân. Còn lớp trẻ chúng tôi được cắp sách đến trường, tiếp thu một nền giáo dục mới dưới chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đình làng trở thành lớp học, bài hát Quốc ca vang lên trong những buổi chào cờ đầu tuần. Đường ngập nước chúng tôi cũng cởi quần cuộn sách trên đầu đến lớp. Những kỷ niệm tuổi thơ đầy ắp ngõ xóm, đường thôn. Nhớ những vụ gặt lúa gòn, lúa đen, lúa ba trăng gánh sưng vai, đạp phồng hai chân như phỏng lửa. Nhớ những ngày mưa lụt đứng nhá, thả lờ đơm sa, cắm trúm. Nhớ sau những trận mưa rào mối bay như phá tổ, nấm than, nấm mối mọc kín bờ tre, người lớn, trẻ nhỏ rủ nhau đi nhổ. Quên sao được những trận nam cồ xoáy ào ạt, anh em rủ nhau đi lượm thị. Thật là một cuộc sống yên bình, tưởng chừng toại nguyện ước mơ.

 

Nhưng tình hình thế sự diễn biến hoàn toàn đảo ngược. Ngày 23/9/1945, núp bóng quân Anh, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Đầu tháng 10/1945, thực dân Pháp tấn công mở rộng vùng chiếm đóng đến Khánh Hòa, trực tiếp uy hiếp Phú Yên. Các đoàn quân Nam tiến của ta từ Bắc vào đều phải dừng chân, đồn trú ở Phú Yên.

 

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, nhiều thanh niên quê tôi náo nức xung phong tòng quân giết giặc, quyết tâm kháng chiến, quyết “Không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch trở thành lời thề của các tầng lớp nhân dân xã Hòa Đồng quê tôi.

 

Từ ngày 13 đến 19/1/1947, quân Pháp mở những cuộc tấn công từ phía nam ra, âm mưu chiếm đồng bằng Tuy Hòa. Đến tháng 6/1947, chúng càn quét lên tận Hòa Đồng, Hòa Mỹ với khẩu hiệu đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Sau đó từ 1948-1950, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn lên tận miền tây huyện Tuy Hòa, nhưng bị quân dân Tuy Hòa trong đó có nhân dân xã Hòa Đồng đánh cho tơi tả, buộc chúng phải rút về hậu cứ ven quốc lộ 1. Đến Đông Xuân 1953-1954, theo kế hoạch Nava, địch bình định Đông Dương trong vòng 18 tháng. Trận đối đầu lịch sử ở Điện Biên Phủ, trận đánh thế kỷ đã hình thành. Cả nước hướng về Điện Biên Phủ, chia lửa cho Điện Biên Phủ. Lúc này tôi mới 16 tuổi, cũng khai tăng tuổi xung phong vào quân đội để giải phóng quê hương. Trong chiến dịch Át-lăng ngày 26/1/1954, địch tổ chức tiến công với quy mô lớn lên các xã phía tây huyện Tuy Hòa, trong đó có xã Hòa Đồng. Do được chuẩn bị trước, quân và dân ta đã đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch, chia lửa cho chiến dịch Điện Biên lịch sử.

 

Tôi nhớ ngày 26/5/1952, địch ném bom sập cầu máng Đồng Bò, lúa thời con gái chết khô trên ruộng. Dân đói, phải ăn củ chuối, môn dóc, củ nần qua bữa. Nhưng khí thế kháng chiến vẫn hừng hực, chợ họp đêm để tránh phi pháo. Cả làng vẫn đan tre, chằm nón, hát hò vui như hội. Các mẹ chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, thanh niên đi bộ đội, dân công lên đường ra trận. Tiếng gọi quê hương thúc giục tôi trong mỗi bước hành quân và lập công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

 

Nhìn lại hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quê tôi thật anh dũng, kiên cường, chống càn, diệt địch và chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát, cảnh tra tấn tù đày, cửa nát nhà tan. Và rồi sau những cuộc chia ly là ngày hội ngộ vô cùng cảm động.

 

Đối với làng Phú Diễn quê tôi, bao nỗi nhớ thương đi vào từng giấc ngủ. Lúc bám chiến trường đánh giặc hay lúc bị thương, hình ảnh quê nhà canh cánh trong lòng. Tôi giở quyển nhật ký không biết bao nhiêu lần để xem lại bài thơ đầu tay, cảm xúc sâu thẳm tình quê khi tôi bước vào quân ngũ với bài thơ NHỚ QUÊ.

 

Tôi hăm hở xung phong vào quân đội

Vì căm thù giặc giày xéo quê hương

Để lại phía sau bao nỗi nhớ thương

Cha mẹ, anh em, bà con làng xóm

Nhớ lũy tre làng, nhớ phiên chợ xổm

Nhớ con mương tắm mát tuổi thơ

Nhớ cánh đồng làng cắm trúm thả lờ

Nhớ mùa thị gió nam cồ thổi rụng

Nhớ trường học bồi hồi tiếng trống

Cây mít già tỏa bóng xuống sân

Tôi mang quê hương theo bước hành quân

Trong giấc ngủ vẫn hiện về thôn xóm

Ôi đẹp quá quê tôi Hòa Đồng, Phú Diễn

Mảnh đất anh hùng bất khuất kiên trung.

 

Tự hào thay một mảnh đất rộng chỉ có 25km2 với dân số 16.000 người (tính đến năm 2005) mà trải qua hai cuộc kháng chiến có tới 286 liệt sĩ, 18 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có mẹ Ngô Thị Kính có 3 con là liệt sĩ. Mẹ đã đi vào sử sách với hành động anh dũng, hiên ngang chặn xe tăng địch.

 

Những người dân ở quê tôi dù bám trụ để sản xuất và chiến đấu bảo vệ xóm làng hay những người ra đi chiến đấu trên khắp các chiến trường, hôm về hội ngộ khi xã Hòa Đồng vui đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước tôn vinh phong tặng, đều vui sướng tự hào không cầm được nước mắt. Chúng tôi ôm nhau, bùi ngùi xúc động tưởng nhớ những người đã ngã xuống để giải phóng quê hương – một vùng quê yên ả, hiền hòa.

 

Đêm đêm chìm đắm trong mơ

Vẫn nghe tiếng hát lời thơ quê nhà

Mênh mang biển lúa Tây Hòa

Êm êm dòng chảy sông Đà đầy trăng.

 

Phú Yên đẹp quá với những vùng quê thơ mộng, cánh đồng thẳng cánh cò bay, những lũy tre làng gợi lên bao nỗi nhớ. Ai đi xa đều ước vọng ngày về.

 

NGUYỄN ĐẮC TẤN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek