Chủ Nhật, 22/09/2024 04:40 SA
Hành cung Long Bình:
Dấu tích kiến trúc thời Nguyễn trên đất Phú Yên
Thứ Ba, 15/02/2011 13:45 CH

Di tích hành cung Long Bình nằm tại khu phố Long Bình, phường Xuân Phú, TX Sông Cầu. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn. Sự ra đời của công trình này gắn liền với sự ra đời thủ phủ của tỉnh Phú Yên vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

 

long-binh-1110215.gif

Những dấu tích còn lại của hành cung Long Bình - Ảnh: H.NHƯ

 

Năm 1899, lỵ sở của chính quyền phong kiến Phú Yên được chuyển từ thành An Thổ, Tuy An ra đóng tại Long Bình, Sông Cầu. Tòa thành mới để làm lỵ sở được xây dựng trên một doi đất trải dài theo hướng bắc - nam, cao hơn mặt ruộng ở phía đông và phía tây từ 2-4m. Khu thành hình chữ nhật, bốn mặt quay chính bốn hướng. Tại mặt tiền khu thành có mở hai cổng ra vào, phía trong hai cổng là hai trục đường chạy song song dọc theo chiều dài của thành. Trên hai đường chính đó có những đường nhỏ làm lối vào các dinh thự, công sở làm việc của bộ máy chính quyền phong kiến như tỉnh đường, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, nhà lao... Công trình kiến trúc quan trọng nhất tại thành Long Bình là hành cung được xây dựng chính giữa tòa thành. Đây là nơi dùng để đón tiếp nhà vua mỗi khi xa giá đến các địa phương. Ngoài ra, theo quy định của chính quyền đương thời, hằng năm cứ đến những ngày lễ lớn các quan địa phương tập trung tại hành cung để bái vọng và thực hiện đầy đủ các lễ nghi của nhà nước phong kiến. Hoặc mỗi khi ở triều đình trung ương có thiết lễ đại triều thì ở hành cung các quan văn võ cũng tập trung làm lễ bái vọng vào đúng thời gian đó. Với vai trò đó, công trình này được xây dựng tương đối quy mô.

 

Theo một số nguồn sử liệu cổ cũng như các tư liệu khảo sát của Bảo tàng Phú Yên thì hành cung là một công trình lớn, được kiến thiết ở vị trí trung tâm của khu thành, quay mặt về hướng nam. Những bộ phận kiến trúc chính của hành cung gồm có tòa chính diện, cổng vào và tường bao. Vòng tường bao hành cung có hình vuông, tường bên trái có kích thước bằng tường bên phải và có chiều dài khoảng 57m, tường mặt trước có kích thước bằng tường mặt sau khoảng 54m. Tường bao các mặt trước, sau và bên trái được xây bằng đá, gạch, sử dụng chất kết dính là vôi, cát. Tường bên trái có chừa một cửa rộng 1,5m, tường sau chừa một cửa rộng 5m. Cổng chính ở mặt tiền hành cung rộng 12m, có dựng 4 trụ cổng lớn. Trụ cổng được trang trí nhiều họa tiết hoa văn đắp nổi mang dáng dấp kính cẩn, uy nghi. Các trụ cổng thiết kế theo lối tam quan trong đó lối giữa dành cho vua đi rộng 3,8m, lối bên tả và bên hữu là lối đi của các quan văn võ rộng 2,4m. Qua khỏi cổng là đến sân chầu, nơi tập trung làm lễ của các quan địa phương khi vua ngự hoặc trong các ngày lễ khác theo quy định của chính quyền đương thời. Phía đông và phía tây sân chầu có hai nhà phụ để các quan văn võ đến chuẩn bị, chỉnh đốn trang phục trước lúc làm lễ bái yết. Các nguồn tư liệu cũng cho biết nguyên trước tòa chính diện của hành cung có hình vuông, một gian bốn mái. Mái được lợp ngói âm dương, bộ khung cột chắc chắn bằng loại gỗ rất tốt, giữa tòa nhà có xây bục cao, trên bục là ngai bằng loại gỗ sơn thiếp vàng. Phía trước cổng vào hành cung có hồ sen hình mặt nguyệt để tôn thêm vẻ đẹp hài hòa cho hành cung Long Bình. Tiếp theo hồ sen, cách cổng hành cung 50m là cột cờ có phần đế hình lục giác, xung quanh được ốp một lớp đá dày 0,8m, ở giữa đổ đất. Như vậy, cột cờ, hồ sen, cổng vào hành cung và tòa chính diện được kiến thiết theo một trục thẳng. Phía bên tả và bên hữu hành cung là những dinh thự, công sở làm việc của chính quyền phong kiến.

 

Từ khi hành cung xây dựng cho đến khi kết thúc vai trò lịch sử (năm 1945), mặc dù chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã trải qua các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại nhưng chỉ có hai lần vua Bảo Đại về ngự tại hành cung Long Bình. Lần thứ nhất vào năm 1933, khi vua Bảo Đại mới trở về từ Pháp và tổ chức cuộc tuần du vào các tỉnh phía nam, lần đó nhà vua đến tỉnh Phú Yên để tham dự lễ khánh thành công trình Thủy nông Đồng Cam. Lần thứ hai là vào năm 1943, nhiều cụ già ở địa phương còn nhớ rõ sự kiện này, lúc đó họ là những học sinh và được vận động đi đón rước vua Bảo Đại.

 

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, hành cung Long Bình gần như bị phá hủy hoàn toàn. Hiện tại, chỉ nhận biết và định vị công trình hành cung Long Bình qua phần nền móng còn lại và một số dấu vết kiến trúc không còn nhiều. Ở mặt tiền của hành cung vẫn còn 4 trụ cổng khá nguyên vẹn, các trụ cổng có hình trụ tròn với các họa tiết, trang trí hình rồng đắp nổi. Phía trước của nền móng còn lại một số dải phân cách có trang trí nhiều họa tiết hoa văn.

 

Hành cung Long Bình là công trình kiến trúc quan trọng phản ánh lịch sử, xã hội Phú Yên vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến nhà Nguyễn. Hành cung Long Bình sẽ là nguồn tư liệu để tìm hiểu lịch sử TX Sông Cầu nói riêng cũng như Phú Yên nói chung. Hiện di tích này đang được lập hồ sơ để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Hành cung Long Bình cũng nằm gần các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh như vịnh Xuân Đài, thành Hội Phú, thành An Thổ, mộ và đền thờ Đào Trí,... Việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và đưa di tích này vào khai thác du lịch là một hướng mở để phát huy giá trị của di tích.

-------------------------

(Ghi chú: Trong bài tác giả có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Phú Yên)

 

HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek