Chủ Nhật, 22/09/2024 04:41 SA
Ngô Kim Ký - thương nhân người Hoa ở Phú Yên cuối thế kỷ XIX
Thứ Hai, 14/02/2011 10:30 SA

LTS: Trong bề dày lịch sử 400 năm Phú Yên, bà con người Hoa đến định cư ở Phú Yên thế kỷ XVII và hậu duệ đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp chống ngoại xâm và kiến tạo vùng đất này. Lịch sử phong trào Cần Vương tại Phú Yên ghi đậm dấu ấn hy sinh lẫm liệt của liệt sĩ Ngô Kim Ký.

 

Không chỉ là một chí sĩ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương, Ngô Kim Ký còn là một thương nhân tiêu biểu.

 

Nhân dịp bà con người Hoa tổ chức ngày hội truyền thống ngày 13 tháng Giêng âm lịch hướng về đại lễ 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu chân dung Ngô Kim Ký – một nhà yêu nước, một thương nhân tiêu biểu để tỏ lòng biết ơn ông.

 

Ông không chỉ là người mở rộng việc mua bán giữa miền xuôi và miền ngược khu vực huyện Đồng Xuân mà còn có vai trò thúc đẩy giao thương kinh tế Phú Yên với các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ và các nước, lãnh thổ trong khu vực (Trung Quốc, Hồng Kông, Nam Dương). Hoạt động kinh tế thương mại của ông trong cộng đồng người Hoa đã góp phần thúc đẩy, mở rộng hoạt động giao lưu kinh tế Phú Yên với bên ngoài vào nửa sau thế kỷ XIX.

 

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA NGƯỜI HOA Ở PHÚ YÊN CUỐI THẾ KỶ XIX

 

nkky110214.gif

Thương nhân Ngô Kim Ký

Người Hoa bắt đầu đến định cư lập nghiệp ở Phú Yên vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Thành phần chủ yếu là người Hải Nam, Triều Châu, Phúc Kiến và Quảng Đông. Một số là hậu duệ của quan quân nhà Minh đã chạy sang lánh nạn ở các tỉnh phía bắc Việt Nam từ thế kỷ trước cũng có mặt ở Phú Yên trong thời gian này, họ lập thành làng Minh Hương tại Vũng Lắm. Một số khác từ Hội An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chuyển vào cư trú ở Phú Yên, hình thành cộng đồng người Hoa sống tại các địa phương ven biển như: Vũng Lắm, Sông Cầu, Mỹ Á và nhiều địa phương khác trong tỉnh.

 

Phần lớn người Hoa đến Phú Yên trên những chiếc thuyền buồm, về sau đây là phương tiện hữu ích giúp họ vận chuyển hàng hóa buôn bán giữa các địa phương ở Phú Yên cũng như từ nội địa sang Trung Quốc, Hồng Kông, Nam Dương.

 

Khi đến Phú Yên, người Hoa chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán các mặt hàng có tại địa phương mà phần lớn là nông, lâm, thổ, hải sản. Một số mở các cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước mắm, cá khô. Số khác smở tiệm thuốc bắc, trồng răng, thợ may… Nhờ lao động cần cù, chịu khó, chi tiêu tiết kiệm trong sinh hoạt hàng ngày, kinh tế nhiều hộ gia đình người Hoa ngày càng phát triển, mức sống trở nên khá giả so với cư dân địa phương.

 

Đến nửa sau thế kỷ XIX, hoạt động kinh tế của cộng đồng người Hoa ở Phú Yên ngày càng có vị trí quan trọng tại các địa phương mà họ sinh sống. Các thị trấn, thị tứ, tụ điểm đông dân cư ở các phủ, huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tuy Hòa, người Hoa tham gia đảm nhận việc lưu thông hàng hóa. Nhiều cửa hiệu kinh doanh thương nghiệp và dịch vụ tương đối lớn của người Hoa lúc bấy giờ như: Vĩnh Thạnh, Hội Phong, Di Hòa, Dũ Ký, Phát Lợi, Nhất Bổn, Thiên Tường, Lý Liên, Thiên Trạch Đường, Tế Sanh, Tiềm Hưng, Toàn Hưng, Vĩnh Thái…(1) cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho cư dân địa phương từ đơn giản như kim, chỉ, dầu, đèn, thuốc nhuộm đến thuốc chữa bệnh, tranh, liễn, đồ thờ, vàng, bạc,...

 

Tại Tuy Hòa, người Hoa buôn bán nhiều loại mặt hàng nhập từ Trung Quốc, nhiều khách buôn tập trung về chợ Dinh, chợ Phước Hậu để tham gia hoạt động thương mại. Ở Tuy An và Đồng Xuân, lực lượng Hoa thương khá đông đảo, buôn bán diễn ra sôi nổi với nhiều cửa hiệu bán tạp hóa và thu mua nông - lâm - thổ - thủy sản. Ở đây “còn có cả hiệu buôn thuốc bắc kết hợp với khám chữa bệnh. Các cửa hiệu lớn phải kể đến là của họ Vương và họ Chương” (2).

 

 Một số người Hoa tham gia hoạt động buôn bán hàng hóa giữa thị trường nội địa Phú Yên với các địa phương khác như Sài Gòn, Nha Trang, Quy Nhơn, Hội An…. Những mặt hàng từ Phú Yên đưa đi tiêu thụ mạnh ở những nơi này là gạo, mật ong, cao hổ, cao nai, cước cá, trầm hương… Những thương nhân người Hoa có vốn lớn tiến hành mua thầu các sản vật địa phương Phú Yên với số lượng nhiều, vận chuyển trên các ghe bầu đến các nước, lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Nam Dương để bán. Họ mua các mặt hàng như: “thuốc lá, bông vải, quế, yến sào, thuốc nam, cước cá…đem về Trung Quốc, Hồng Kông bán rồi nhập vải vóc, thuốc bắc, bách hóa, hàng mỹ nghệ… về Việt Nam tiêu thụ”(3).

 

Nhìn chung, hoạt động kinh tế của cộng đồng người Hoa tại Phú Yên nửa sau thế kỷ XIX đã làm phong phú bức tranh đời sống kinh tế của Phú Yên vốn thuần nông. Đặc biệt hoạt động kinh tế thương mại của người Hoa đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương ở Phú Yên cũng như thị trường nội địa Phú Yên với các địa phương khác trong nước, ngoài nước và “thực sự góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất” (4), làm cho kinh tế hàng hóa ở Phú Yên phát triển mạnh.

 

NGÔ KIM KÝ VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ THƯƠNG MẠI

 

Theo bước chân của đoàn người Hoa di cư ra nước ngoài làm ăn vào giữa thế kỷ XIX từ đảo Hải Nam, Ngô Kim Ký (5) cùng với người em là Ngô Đại Ngọc được sự đồng ý của người cha là Ngô Gia Trinh đã đến Vũng Lắm (tỉnh Phú Yên) cư trú và lập nghiệp.

 

Vũng Lắm từ giữa thế kỷ XIX là một thương cảng sầm uất, tập trung thương nhân của nhiều nước đến mua bán. Tại đây, người Hoa đã đến cư trú trong thời gian nhiều năm trước đó và lập làng Minh Hương, mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh việc giao thương và thu hút nhiều người Hoa ở các nơi khác đến tạo nghiệp. Đến nửa sau thế kỷ XIX, người Hoa ở Vũng Lắm chiếm phân nửa dân số tại đây, họ cư trú tập trung tại làng Tân Thạnh với các dòng họ Diệp, Dương, Ngô… và trở nên giàu có. Năm 1862, họ lập chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (còn gọi chùa Bà) làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho cộng đồng người Hoa.

 

Khi đến Vũng Lắm, anh em Ngô Kim Ký đã nhanh chóng hòa nhập đời sống kinh tế sôi động tại đây. Với vốn liếng mang theo khi rời khỏi gia đình, Kim Ký mở ngay cửa hàng thu mua các sản vật địa phương. Dần già việc kinh doanh phát đạt, Kim Ký mở rộng mua bán, đem hàng hóa thu mua tại Vũng Lắm xuất sang Trung Quốc, Hồng Kông, Nam Dương. Hàng hóa ông mang về là vải vóc, gốm sứ, thuốc bắc, đồ sắt, đồ mỹ nghệ, diêm tiêu, lưu huỳnh. Hệ thống cửa hàng của Kim Ký không chỉ bó hẹp ở Vũng Lắm mà mở rộng tại nhiều địa phương khác như Gò Duối, An Thổ, Tuy Hòa, An Nghiệp. Việc kinh doanh, mua bán của Ngô Kim Ký sở dĩ nhanh chóng phát đạt do ông biết tận dụng các điều kiện thuận lợi tại Vũng Lắm như tập trung đông đảo thương nhân để mở rộng nhiều đối tác làm ăn, nhưng chủ yếu là nhờ phương châm buôn bán giữ chữ tín, cần cù và tiết kiệm, chú ý đến chất lượng hàng hóa… đã đưa ông trở thành một thương nhân trẻ nổi bật trong cộng đồng người Hoa không chỉ ở Vũng Lắm mà cả Phú Yên lúc bấy giờ.

 

Để có nguồn hàng lớn, đủ cho những chuyến xuất đi thị trường ngoài nước, Ngô Kim Ký cũng như Hoa thương ở Vũng Lắm mở rộng đại lý thu mua lâm thổ sản đến các vùng thượng nguồn Hà Di huyện Đồng Xuân. Khu vực phía tây La Hai, Ngô Kim Ký cùng với người đồng hương bang Hải Nam là Ngô Nãi Thuần lập ra chợ Đồng Dài ngay sát Bến Buôn bên dòng sông Cái (6). Một số chợ được lập dọc sông Cái như chợ Lùng, chợ Gò Sạn, chợ Cận - nơi có các đại lý thu mua lâm thổ sản của Ngô Kim Ký và Hoa thương. Chợ Gò Sạn tại làng Cự Phú là nơi mua bán các mặt hàng nổi tiếng thời bấy giờ như mật ong, trầm hương, u tây (sừng tê giác), ngà voi, cao nai, cao hổ và các gia súc như ngựa, trâu, bò. Tại đây nghề nấu cao có tiếng vang trong cả nước do chủ nhân Tụ Hiền trang là Nguyễn Bá Sự cung cấp với số lượng lớn. Thông qua hoạt động mua bán này, Ngô Kim Ký đã quen biết với một trong những thủ lĩnh phong trào Cần Vương Phú Yên và về sau ông trở thành yếu nhân của phong trào.

 

Tại khu vực Đồng Dài, Bầu Sen (thị trấn La Hai), Ngô Kim Ký bỏ tiền mua ruộng đất rộng đến hàng trăm mẫu, giao cho người em là Ngô Đại Ngọc trông coi việc trồng trọt sắn, đậu, lúa gạo và chăn nuôi. Về sau, vùng này được chọn làm nơi yên nghỉ người vợ đầu của ông (7). Những hoạt động mua bán, sản xuất của Ngô Kim Ký và Hoa thương trong những năm nửa sau thế kỷ XIX đã biến sông Cái trở thành con đường thương mại quan trọng giữa vùng ven biển và miền núi huyện Đồng Xuân, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội khu vực miền tây Phú Yên.

 

Thời kỳ này, các thương đoàn người Hoa vận chuyển hàng hóa từ Phú Yên đến các thị trường trong nước như Sài Gòn, Quảng Nam, Nha Trang, Quy Nhơn hoặc đến các nước, lãnh thổ trong khu vực (Trung Quốc, Hồng Kông, Nam Dương) lập thành những đội ghe bầu có sức chở lớn, bao mua các hàng nông - lâm - thổ - hải sản thông qua các đại lý thiết lập tại nhiều địa phương ở Phú Yên và các tỉnh lân cận khu vực Trung kỳ. Bản thân Ngô Kim Ký sở hữu nhiều ghe bầu không chỉ vận chuyển hàng hóa của ông mà còn chở thuê cho các Hoa thương khác.

 

Ngoài những hàng nông - lâm - thổ - hải sản thu mua tại các địa phương ở Phú Yên xuất đi, Ngô Kim Ký còn gom cả yến sào tại các đảo ở vịnh Nha Trang (8), một mặt hàng cao cấp mà giới quý tộc Trung Quốc tiêu thụ mạnh và mua về nhiều hàng hóa thuộc diện nhà nước phong kiến Việt Nam cấm nhập như: diêm tiêu, lưu huỳnh, vũ khí. Ông còn tiếp xúc với các lái buôn người Anh tại Hồng Kông, Thượng Hải để mua  “khoảng 200 đại bác, súng cò mổ, đạn” (9) đem về cung cấp cho nghĩa quân Cần Vương Phú Yên trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.

 

Chuyến hàng cuối cùng vào trung tuần tháng 2/1887 từ Thượng Hải về bến Vũng Lắm với nhiều vũ khí chứa trên các ghe bầu đã lọt vào tay tên đao phủ Trần Bá Lộc và quân Pháp. Ông bị quân Pháp kết án tử hình khi từ chối sự hợp tác với chúng. Ngày 20/2/1887, tại bến đò cây Dừa (phủ Tuy An), Ngô Kim Ký bị kẻ thù sát hại cùng với Lê Thành Phương - thủ lĩnh phong trào Cần Vương Phú Yên.

 

--------------------------

(1)(3)(4) Người Hoa ở Phú Yên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên xuất bản, 2003, tr.16, 16,17.

(2) PGS TS. Đỗ Bang, ThS.Lê Thế Vịnh, Lịch sử Phú Yên thế kỷ XIX, Nxb.Khoa học xã hội, 2009, tr.148.

(5) Ngô Kim Ký tên thật là Ngô Đại Kim, sinh năm 1850 ở thôn Hiên Đầu, thị trấn Phố Tiền, huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Kim Ký là tên của hiệu buôn do ông mở nên mọi người thường gọi là Ngô Kim Ký.

(6) Tư liệu do Ngô Nguyệt Quang cung cấp.

(7) Trong chuyến khảo sát năm 2004 tại khu vực Đồng Dài, thôn Long Hà, thị trấn La Hai, chúng tôi phát hiện ngôi mộ người vợ đầu của Ngô Kim Ký tên là Trần Thị do Ngô Kim Ký và con trai trưởng Ngô Nãi Phúc đứng ra lập vào năm Tự Đức 33 (1880). Gần đây, theo thông tin của hậu duệ Ngô Kim Ký cho biết là đã phát hiện ngôi mộ của Ngô Kim Ký cách mộ vợ của ông khoảng 300 mét.

(8) Nguyễn Hồng Sinh-Hồ Thế Ân, Yến sào Khánh Hòa, Nxb.Văn hóa, 1992, tr.39.

(9)  Ch. Fuorniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định - Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”,Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 6/1982, tr.49.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM – thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek