Chủ Nhật, 22/09/2024 04:35 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 14/02/2011 07:30 SA

2. Nguyễn Bá Sự khôi phục lực lượng và củng cố phong trào

 

Sau khi thống soái Lê Thành Phương bị địch giết hại (20/2/1887), phần lớn nghĩa quân ở khu vực đồng bằng tan rã do chính sách đàn áp khốc liệt của Trần Bá Lộc. Lực lượng còn lại dưới sự chỉ huy của Hữu tham quân Nguyễn Bá Sự rút lên vùng núi La Hiên dựa vào đồng bào dân tộc ở Hà Đang, Thồ Lồ, Đá Mài, Cà Lúi, Cây Vừng, Bầu Bèn tiếp tục chống giặc. Kể từ đây, phong trào Cần Vương Phú Yên đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Bá Sự và ông được nghĩa quân tôn làm Bình Tây Nguyên soái.

 

Để tiếp tục duy trì và thúc đẩy cuộc kháng chiến đi lên, nhiệm vụ đầu tiên của Nguyễn Bá Sự là thành lập Bộ chỉ huy mới của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên. Bộ chỉ huy mới gồm:

 

- Nguyễn Bá Sự: Bình Tây Nguyên soái, thống lĩnh chỉ đạo phong trào Cần Vương Phú Yên và liên kết với các tỉnh Nam Trung Kỳ.

 

- Võ Thiệp: Tham tán quân vụ.

 

- Nguyễn Thị Vân Đương: Tham biện quân lương.

 

- Võ Bạch Ngọc Đường: Tham biện quân lương.

 

- Võ Đính: Bình Tây phó soái.

 

- Nguyễn Nhượng: Kiểm quân.

 

-Bùi Sơn: Đề đốc.

 

 Nòng cốt là đội Thập nhị Hào anh với các tướng lĩnh như Nguyễn Thành Long, Nguyễn Nhiệu, đội Triều, xã Thước, đội Sơn, đốc Quế, xã Sằng … và các tù trưởng Ma Bí, Ma Kiên, Phó Đẩy, Hà Duy Tiên, Y Dơm, Y Dao, Oi Cuk, Oi Tui, Oi Lun…, trởû thành trụ cột của bộ chỉ huy.

 

Nhằm khôi phục lực lượng và mở rộng phong trào kháng chiến, Nguyễn Bá Sự chủ động xây dựng các căn cứ mới trên dãy núi La Hiên, đồng thời củng cố các căn cứ đã có trước đây như Tổng Binh, Suối Trầu, Hà Đang-Thồ Lồ thành các tiền đồn đối phó với giặc Pháp.

 

Căn cứ địa được Bộ chỉ huy mới của nghĩa quân tập trung xây dựng, biến thành pháo đài chỉ đạo công cuộc kháng chiến lâu dài là căn cứ La Hiên. Đây là vùng rừng núi nằm sâu trong dãy La Hiên cao trên 1.318m, đầu nguồn suối Đập, bốn phía là núi non trùng điệp với các gộp đá và thác nước, đường đi rất khó khăn và hiểm trở. Tại căn cứ này, Nguyễn Bá Sự cho lập hai cứ điểm Trại Chính và Trại Thứ để lãnh đạo phong trào.

 

+ Cứ điểm Trại Chính:

 

Đây là nơi Nguyễn Bá Sự và bộ chỉ huy đặt đại bản doanh để chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến, đồng thời lập trường huấn luyện nghĩa quân và các lò xưởng rèn đúc vũ khí. Trong lần khảo sát tại thực địa, chúng tôi phát hiện một số di tích còn lại như các tảng đá bằng phẳng, vuông vức, nặng vài tấn được kê đặt theo từng vị trí của đồn trại, vết tích của các lò rèn nay đã mờ nhạt, thao trường luyện quân là khoảnh đất gần 2 hecta cây cỏ mọc um tùm. Tại đây, một số người rà phế liệu đã đào bới tìm thấy nhiều thanh sắt hoen gỉ giống như thanh kiếm cùng các nguyên liệu dùng để rèn vũ khí. Nằm kề Trại Chính là vùng Suối Đập được nghĩa quân ngăn lại lấy nước để canh tác, diện tích khoảng vài hecta. Từ cứ điểm này, nghĩa quân có thể dựa vào núi rừng hiểm trở để đánh địch nếu chúng kéo vào đây hoặc có thể rút ra vùng Phước Tân, Cà Lúi dựa vào đồng bào Ê-Đê, Chăm, hoặc lùi sâu lên vùng Thồ Lồ, Hà Đang của người Ba Na. Các hoạt động ở Trại Chính như sản xuất lương thực, chế tạo vũ khí, huấn luyện nghĩa quân đều dựa vào sự ủng hộ to lớn của đồng bào dân tộc Ba Na ở các buôn Ma Lố, Trại Gia gần khu căn cứ. Khi Nguyễn Bá Sự đưa bộ chỉ huy về đóng ở đây, các già làng, trưởng bản rất vui mừng. Họ như đang sống lại không khí quật khởi của phong trào Tây Sơn mà lớp trước cha, ông đã từng tham gia.

 

Phía dưới Trại Chính là bình nguyên Eo Gió, vốn là nơi hội quân của lực lượng Tây Sơn hữu đạo của các tướng lĩnh nhà Tây Sơn trước đây. Chính nơi này trong các năm 1773-1775, nghĩa quân Tây Sơn đã tập hợp lực lượng, tổ chức huấn luyện kỵ binh, tượng binh và phối hợp với đạo quân nữ chúa người Chăm là Thị Hỏa tiến xuống đồng bằng giải phóng Phú Yên, mở đầu thắng lợi của phong trào Tây Sơn:

 

“Thạch Thành voi ngựa kéo ra

Eo Gió kéo xuống quân đà hội quân

Chúa Chàm - Thị Hỏa chí nhân

Giúp ông Hai Nhạc định phần Phú Yên”…(*)

                               

 

----------

(*) Nguyễn Xuân Nhân (1999), Văn học dân gian Tây Sơn, Nxb.Trẻ, tr.24.

 

(Còn nữa)

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek