Chủ Nhật, 22/09/2024 04:23 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 13/02/2011 08:15 SA

Ở khu vực bắc Phú Yên, sau khi các căn cứ  Định Trung, Xuân Vinh bị địch đánh chiếm, nghĩa quân rút về căn cứ Vân Hòa cố thủ. Tuy nhiên căn cứ địa này cũng bị quân Pháp tấn công dưới sự dẫn đường của Dương Văn Đính, Dương Văn Đôn. Trước tình thế nguy cấp, nghĩa quân rút toàn bộ lực lượng về các căn cứ phía tây huyện Đồng Xuân như Tổng Binh, Hòn Ôâng, Suối Trầu và núi La Hiên chuẩn bị đối phó. Đây là vùng núi cao hiểm trở, quân Pháp khó khăn trong tấn công nên chúng chỉ lập một số đồn binh ở Phú Thành, Thạch Lãnh, La Hai để bao vây, triệt đường tiếp tế và liên lạc giữa nghĩa quân với vùng đồng bằng.

 

Sau khi cơ bản trấn áp phong trào Phú Yên, ngày 28-2-1887 quân Pháp và Trần Bá Lộc với lực lượng 1.400 người xuống tàu chuyển ra Bình Định để đàn áp phong trào do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo(1), nhằm nhanh chóng lập lại trật tự tại khu vực Trung Kỳ để tiến đến thành lập Liên bang Đông Dương vào cuối năm 1887. Nghĩa quân Bình Định lúc này bị bao vây từ nhiều phía, phải đối phó với lực lượng Pháp tại chỗ do Dumas chỉ huy và đương đầu với quân của Nguyễn Thân từ phía bắc đến, phía nam phải chống trả những cuộc hành quân tàn sát dã man của Trần Bá Lộc. Hàng loạt các căn cứ như Lộc Động, Hầm Hô, Đồng Hươu, Hương Sơn… bị vỡ, nhiều tướng sĩ bị bắt, bị giết. Trước tình hình khẩn cấp như vậy, Bộ chỉ huy nghĩa quân Cần Vương Phú Yên quyết định cử lực lượng ra chi viện Bình Định với phương châm “cứu bạn cũng như cứu mình”.

 

Đầu tháng 3-1887, đội nghĩa binh Phú Yên do Võ Thiệp và Nguyễn Thị Vân Đương dẫn đầu vượt đèo Mục Thịnh tiến ra phối hợp các cánh quân phía nam Bình Định đang đóng ở phòng tuyến Quan Quang - An Thuận huyện Tuy Phước (nay thuộc xã Nhơn Khánh huyện An Nhơn) để chống lại các cuộc tấn công của Trần Bá Lộc. Ngoài việc “chia lửa” với tỉnh bạn, đội quân của Võ Thiệp có nhiệm vụ đánh vào nhà lao Tuy Phước giải thoát Võ Trứ đang bị kẻ địch giam giữ. Nghĩa quân Phú Yên khi đến làng Quang Hiên, xã Nhơn Thành thì rơi vào trận địa phục kích của địch, hầu hết đều hy sinh, chỉ có vài người và Võ Thiệp thoát khỏi vòng vây. Riêng Nguyễn Thị Vân Đương bị thương nặng và địch bắt được đem về giam tại nhà lao Tuy Phước.

 

 Võ Thiệp cho quân đột nhập cứu được Vân Đương và Võ Trứ ra khỏi trại giam thì địch phát hiện đuổi theo, đến chân núi Phụng Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) thì cả hai vợ chồng bị địch bao vây và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Ngày nay trên núi Phụng Sơn vẫn còn ngôi mộ của hai vợ chồng Võ Thiệp và Nguyễn Thị Vân Đương đã hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc với hàng chữ “Song phương trùng quang lãnh chi mộ”.

 

Võ Thiệp sinh năm 1843 tại thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là người văn võ toàn tài, mặc dù không tham gia khoa cử nhưng vẫn được mọi người yêu mến tặng cho biệt danh “Lưỡng cử Vân Nhạn”. Nguồn gốc xuất thân của ông là từ đô đốc nhà Tây Sơn Nguyễn Văn Trị lấy công chúa Nguyễn Thị Quang Thúy sinh ra Nguyễn Đăng Trừng. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, các tướng tá và hậu duệ Tây Sơn phần lớn bị giết hại, những người sống sót thì bị truy nã ráo riết do chính sách trả thù của Nguyễn Ánh, nên Nguyễn Đăng Trừng phải đổi ra họ Võ, đến Võ Thiệp là thế hệ thứ 4. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Võ Thiệp từ Bình Định vào gia nhập Tụ Hiền trang theo lời mời của Nguyễn Bá Sự. Tại đây,Võ Thiệp đã quen biết Nguyễn Thị Vân Đương và trở thành nghĩa tế của Tụ Hiền trang. Với vai trò là võ sư, Võ Thiệp đã giúp Tụ Hiền trang huấn luyện võ thuật, chiến thuật, thế trận và đào tạo nhiều tướng lĩnh giỏi như Nguyễn Khỏe, Võ Hữu Phú, đội Sơn, đội Triều… Khi phong trào Cần Vương bùng nổ, Võ Thiệp được giao chức vụ Tham tán quân vụ chỉ huy đồn Bình Tây phía bắc tỉnh. Trong tháng 2-1887, Võ Thiệp chỉ huy nghĩa quân anh dũng chống trả các cuộc tấn công của quân Pháp, nhưng do tương quan lực lượng chênh lệch, ông rút về căn cứ La Hiên hợp quân với Nguyễn Bá Sự chuẩn bị cho những trận chiến đấu trong giai đoạn cuối của phong trào Cần Vương Phú Yên.

 

Bên cạnh việc đưa phần lớn lực lượng ra đàn áp phong trào Bình Định, quân Pháp bắt tay vào thiết lập chế độ cai trị ở Phú Yên. Chúng lập tòa sứ tại Vũng Lắm đứng đầu là công sứ Tirant và phó sứ Groleau, đồng thời yêu cầu Đồng Khánh bổ nhiệm các quan chức Nam triều.

 

Tháng 5-1887, Tôn Thất Bá được bổ làm bố chánh, Đinh Duy Tân sau một thời gian trốn ra Quảng Ngãi cũng được điều về là án sát Phú Yên (2). Để hậu thuẫn cho chính quyền mới, quân Pháp đưa các giáo dân tị nạn ở Quy Nhơn và Sài Gòn về lại Phú Yên, hỗ trợ việc lập lại các giáo xứ, họ đạo ở Mằng Lăng, Hoa Vông, Trà Kê…(3) và ban cấp chức tước cho một số người Việt ra hợp tác với chính quyền thực dân. Nhằm duy trì một “lực lượng chiếm đóng quân sự trong tỉnh khá mạnh để ngăn giữ mọi mưu toan nổi dậy và tạo nên một nền tảng vững chãi cho công cuộc bình định, cũng như cho việc tái tổ chức hành chính” (4) theo nội dung bức công điện của Tổng trú sứ Bắc - Trung Kỳ gửi công sứ Tirant ngày 6-5-1887, tại Phú Yên chính quyền thực dân gấp rút tuyển mộ 1.461 lính khố xanh để thay thế lực lượng quân đội Pháp sẽ rút về Nam Kỳ và chia ra đóng giữ ở các đồn Củng Sơn, Tuy Hòa, Cây Dừa và Xuân Đài (5).

 

Như vậy, sau khi khởi nghĩa Lê Thành Phương thất bại, Pháp bắt đầu thiết lập chính quyền cai trị thực dân để ổn định tình hình Phú Yên chuẩn bị cho kế hoạch khai thác thuộc địa. Ở khu vực đồng bằng, lực lượng nghĩa quân Cần Vương tan rã, số còn lại kịp thời rút về vùng rừng núi phía tây Phú Yên hoạt động dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự, tiến hành củng cố và khôi phục lực lượng tiếp tục cuộc kháng chiến.                                      

 

(Còn nữa)

________________

(1) G.Durrwel (1900), Trần Bá Lộc, Tổng đốc Thuận –Khánh Sa vie et son oeuvre. Notice biographique d’après les documents de famille, BSEI, p.70.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn (1978), Đại Nam thực lục Chính biên, Tập 37, Nxb. Khoa học xã hội, tr.295.

(3) Theo “Quarante ans de Phu Yen”, Mesmorial de Qui Nhon, d’ Avril 1927, p.30-35.

(4) Enregistrement analytique et inextenso des correspondances au despart du Gouverneur général de l’Indochine (1886-1887). Trung tâm lưu trữ Quốc gia Hà Nội, KH. B.6220.

(5) Đồng Khánh dư địa chí (2005), Tỉnh Phú Yên, Biên dịch Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philip Papin, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ecole pratique des Hautes Etudes, Ecole Francaise d’Etrême-Orient, CD-R,Hà Nội.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek