Chủ Nhật, 22/09/2024 04:21 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 12/02/2011 10:00 SA

“Anh hùng nghĩa sĩ nỡ đi đâu?

Há để non sông ngập tủi sầu!

Hận bấy quân thù tham độc ác

Thương tình đồng loại nạn thương đau

Để cứu dân lành đành thế mạng

Không cam mãi quốc phải cúi đầu

Trải mật thi gan bồi đất tổ

Diệt thù rửa hận bạn mai sau” (1).

 

Hoặc bài Vịnh La Thiên (La Hiên):

 

“La Thiên vời vợi ngất trời mây

Đầu đội cao xanh chân đất dày

Bốn mặt non sông vầy thế cuộc

Một vùng tụ nghĩa khởi bình Tây” (2)

 

Khi bị giặc bắt, trước những dụ dỗ của kẻ thù về quyền cao chức trọng nếu ra hợp tác với chúng, Nguyễn Bá Sự đã cự tuyệt, chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn của đất nước: “Tôi nghĩ nước nhà đang lúc lâm nguy, bổn phận thần dân phải ghé vai gánh vác việc Quân Vương, tiếc rằng công việc không thành thì chỉ biết lấy cái chết để đền nợ nước, các ông cứ đem tôi ra chém đừng nói nhiều lời…” (3).

 

Giặc Pháp đã đem Nguyễn Bá Sự cùng 11 thủ lĩnh của nghĩa quân ra hành hình tại bãi cát Tuần thôn An Thổ, xã An Dân, phủ Tuy An vào tháng 2 năm 1892 lúc ông 47 tuổi. Nhận xét về Nguyễn Bá Sự, Brière viết như sau: “Đây rõ ràng không phải là một tên khuấy động tầm thường. Là một người thông minh, có tri thức, có dáng dấp tao nhã, ông ta nổi hẳn lên trên tất cả các thủ lĩnh thông thường. Có lẽ đây là một viên quan con dòng cháu giống, nhưng do tham vọng hoặc có thể do lòng yêu nước cuồng nhiệt, nên đã trở thành một tên nổi loạn không đội trời chung với chúng ta”. (4)

 

Xuất thân từ gia đình có truyền thống đấu tranh chống áp bức, các con của Nguyễn Bá Sự đều có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân Cần Vương Phú Yên. Người con trai cả là Nguyễn Khương, về sau trở thành một tướng lĩnh xuất sắc của phong trào và ông đã anh dũng hy sinh trong trận đánh cuối cùng của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên tại đèo Cục Kịch vào tháng 1-1892. Nguyễn Bá Sự có 4 người con gái là Nguyễn Thị Lắc, Nguyễn Thị Ân, Nguyễn Thị Xước, Nguyễn Thị Xin đều gia nhập nghĩa quân. Bà Nguyễn Thị Ân cùng với mẹ là Võ Bạch Ngọc Đường đảm nhận việc vận chuyển lương thực từ các nơi về kho Tổng Lương và phụ trách kho gạo ở đây nên được mọi người gọi là bà Sáu Gạo. Sau khi Nguyễn Bá Sự bị bắt, phong trào Cần Vương Phú Yên tan rã, các con của ông đều giữ vững khí tiết của người nghĩa quân không chấp nhận hợp tác với chính quyền thực dân nên bị Pháp bắt bỏ tù (5).

 

II. Phong trào Cần Vương Phú Yên tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Bá Sự (1887-1892)

1. Tình hình Phú Yên sau thất bại cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương

 

Vào những ngày cuối tháng 2/1887, sau khi cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương bị thực dân Pháp đàn áp, hầu hết các căn cứ vùng đồng bằng tan rã, nhiều vị chỉ huy ra đầu thú, gây nên sự tổn thất lớn cho lực lượng Cần Vương Phú Yên.

 

Bằng thủ đoạn tàn bạo nhằm trấn áp và tiêu diệt hoàn toàn phong trào ở Phú Yên, thực dân Pháp và Trần Bá Lộc thẳng tay chém giết nhân dân. Các làng, xã, thôn, buôn có người tham gia nghĩa quân trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của chúng. Ở đồng bằng Tuy Hòa, các căn cứ Núi Sầm, Tây Phú, Phú Thuận và hệ thống đồn trại của quân thứ các tổng trước đây đều bị thực dân Pháp san phẳng. Chúng muốn xóa sạch dấu vết liên quan đến nghĩa quân để dập tắt mọi hy vọng về sự phục hồi phong trào trong nhân dân. Người dân ở đây còn kể lại rằng: Trần Bá Lộc đầu đội nón dấu, tay cầm roi da bịt vàng đốc thúc quân lính sục sạo vào các thôn xóm lùng bắt nghĩa quân. Nhà nào, làng nào có người tham gia nghĩa quân không về đầu thú thì người thân sẽ bị giết chết, làng đó sẽ bị làm cỏ (6).

 

Trước hành động trấn áp khốc liệt của Trần Bá Lộc, hơn 40 thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương Phú Yên phải ra đầu thú để tránh thiệt hại cho nhân dân (7). Một số thủ lĩnh ra trình diện, nhưng bất hợp tác với chính quyền thực dân, chấp nhận tù đày như Đặng Đức Vĩ, Nguyễn Hữu Dực, Trần Đôn, Nguyễn Đức Thảo… Còn lại một vài người ẩn vào chùa chiền mượn áo cà sa để chờ đợi thời cơ nổi dậy. Nhìn chung phong trào phía nam Phú Yên về cơ bản tan rã, chỉ có một ít lực lượng rút lui về miền núi  phía tây huyện Tuy Hòa cố thủ và liên lạc với nghĩa quân phía bắc đang co cụm ở miền tây huyện Đồng Xuân.

 

(Còn nữa)

 

------------------

(1) Lê Xuân Cảnh (1984), Lịch sử cách mạng xã Xuân Phước, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng huyện Đồng Xuân xuất bản, tr.8.

(2) Nguyễn Khuê (2003), Ma Thiên lãnh-Tụ Hiền trang và phong trào kháng chiến ở Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám -1945, tr.33.

(3) Nguyễn Đình Tư (1965), Non nước Phú Yên, Nxb. Tiền Giang, Sài Gòn, tr.149.

(4) Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên(1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.50.

(5) Lê Xuân Cảnh (1984), Lịch sử cách mạng xã Xuân Phước, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng huyện Đồng Xuân xuất bản, tr.12.

(6) Tư liệu của Đào Chuyên cung cấp.

(7)  Ch. Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887) theo những nguồn tài liệu Pháp”, Nghiên cứu lịch sử  6/1982, tr.41.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek