Chủ Nhật, 22/09/2024 04:40 SA
Nguyễn Bá Sự lãnh đạo phong trào Cần Vương Phú Yên giai đoạn 1887-1892 (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 11/02/2011 07:00 SA

Nguyễn Bá Sự là người hoạt bát, tính cách phóng khoáng và giao du rộng rãi nên Tụ Hiền Trang trở thành ngôi tụ đường cho nhiều nhân sĩ khắp Trung Kỳ đến đàm đạo, bàn luận các vấn đề thời sự của đất nước. Các tướng lĩnh của triều Nguyễn như Đào Trí, Trịnh Hữu Thể cũng được đón tiếp chu đáo khi đến Tụ Hiền Trang. Nhiều nho sinh nổi tiếng trong tỉnh như Bùi Giảng, Lê Thành Bính, Nguyễn Hữu Dực, Hồ Trọng Đìa hoặc người đã đỗ đạt như cử nhân Trần Kỳ Phong, Đặng Mậu Thưởng, Đặng Châu cũng thường lui tới Tụ Hiền trang. Dưới sự điều hành của Nguyễn Bá Sự, Tụ Hiền Trang ngày càng nổi tiếng trở thành nơi đàm luận thế sự và là nơi học văn, luyện võ của nhân sĩ xứ Trung Kỳ. Từ Quảng Ngãi, cha con Nguyễn Hàn Lân, Nguyễn Hàn Mai, Nguyễn Hàn Liên, đến Hà Duy Tiên kéo vào tụ nghĩa; Bình Định có Võ Thiệp, Võ Trứ, Võ Đính vào tham gia. Khánh Hòa có Trịnh Phong, Trần Đường, Trần Đạt; Bình Thuận có Nguyễn Xương, Lữ Minh Việt cho đến các vua Hỏa Xá, Thủy Xá cũng được mời đến Tụ Hiền trang bàn bạc việc nước.

 

cho110211.gif

Chợ phiên thứ – nơi nghĩa quân trao đổi mua bán với dân – Ảnh: Thực địa

 

Tụ Hiền Trang được tổ chức khá quy mô: nhà phán là nơi hội họp bàn luận công việc đại sự, “nhà học” để dạy thơ văn, chữ nghĩa thánh hiền; khu vực núi Hòn Mát là thao trường luyện tập võ nghệ, có nơi luyện ngựa, luyện voi, rèn đúc vũ khí ở bầu Da… đến nay còn lưu lại dấu tích. Nòng cốt của Tụ Hiền Trang là đội “Thập nhị Hào anh” (mười hai hào kiệt) với các hào kiệt chủ chốt như Nguyễn Bá Sự (Hào Sự), Võ Thiệp (Hào Bá), Bùi Giảng (Hào Dũng), Nguyễn Thành Long (Hào Long), xã Sằng (Hào Nghĩa), xã Thước (Hào Hiệp), chức Nhưng (Hào Tuấn), đội Triều (Hào Vũ), đốc Quế (Hào Mã)(1),… và đội “Thập nhị Vân đương”(mười hai nàng mây) với các thành viên Nguyễn Thị Vân Đương, Nguyễn Thị Vân Đào, Nguyễn Thị Vân Hạnh, Nguyễn Thị Hàn Mai, Nguyễn Thị Hàn Liên, Nguyễn Thị Vân Trang, Nguyễn Thị Vân Bình, Nguyễn Thị Vân Phú, Huỳnh Thị Loan, Trần Thị Huệ, Võ Bạch Ngọc Đường, Trịnh Tuyết Anh.

 

Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn từng bước ký các hiệp ước năm 1862, năm 1874, cắt đất đai các tỉnh Nam Kỳ nhường cho giặc. Đặc biệt khi tướng quân Đào Trí được triều đình cử làm tổng đốc Nam - Ngãi đốc thúc phòng bị ở các tỉnh Trung Kỳ đề phòng giặc Pháp tiến ra khu vực này, Nguyễn Bá Sự và các nghĩa sĩ Tụ Hiền Trang chuẩn bị lực lượng, chiêu mộ nhân tài, xây dựng căn cứ để đánh Pháp.

 

Các vị cao niên làng Phú Xuân còn truyền tụng về hình ảnh của Nguyễn Bá Sự - một người giỏi võ, có tướng mạo phương phi, cao lớn, gương mặt hồng hào, đi lại nhanh chóng, thoắt ẩn thoắt hiện. Trong một lần từ căn cứ nghĩa quân về thăm nhà, Nguyễn Bá Sự bị quân Pháp nấp sau cánh cửa để phục bắt, ông đã nhanh chân nhảy qua hàng rào, vượt vòng vây của giặc thoát về căn cứ. Ngoài vai trò là võ tướng lãnh đạo phong trào, Nguyễn Bá Sự còn sáng tác một số bài thơ thể hiện chí khí của người nghĩa sĩ Cần Vương, một lòng yêu nước căm thù giặc, nguyện sống chết cùng với non sông. Khí phách, cốt cách đó thể hiện rõ qua bài thơ cảm khái Chờ bạn mà ông viết khi ở căn cứ La Hiên:  

 

(Còn nữa)

(1) Do đứng đầu đội Thập nhị Hào anh nên Nguyễn Bá Sự thường được nghĩa quân gọi là Nguyễn Hào Sự. Từ đó trong dân gian tên Nguyễn Hào Sự trở thành phổ biến, nhiều người biết.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek