Chủ Nhật, 22/09/2024 04:25 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 23/01/2011 13:00 CH

Cuối tháng 4/1886, Bùi Giảng chiêu mộ thêm quân từ Phú Yên kéo vào phối hợp với nghĩa quân Khánh Hòa tập kích cứ điểm Nha Điển nông tại phủ Ninh Hòa và bao vây quân Pháp đóng tại Bình Tây. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, Cheroutre nhận được lệnh phải triệt binh khỏi Hòn Khói ngày 17/5/1886 rút về Bắc Kỳ. Giải thích sự kiện này, Bộ chỉ huy Pháp viện lý do cần tập hợp lực lượng nên phải rút quân. Nhưng sau đó, Pháp công khai thừa nhận một thực tế “việc triệt khứ đồn Hòn Khói đã tạo điều kiện cho con đường nối Bình Thuận và các tỉnh phía bắc không bị cản trở”“không gì có thể giữ cho phong trào phản loạn khỏi lan rộng trong 3 tỉnh phía nam miền Trung, nơi phong trào ấy sẽ làm chủ tình hình trong một thời gian rất lâu…” (1)

 

Như vậy, đến ngày 17/5/1886 Khánh Hòa hoàn toàn do lực lượng Cần Vương kiểm soát, ngày này cũng chính là cột mốc lịch sử đánh dấu nam Trung Kỳ được giải phóng. Từ đây những đạo quân Cần Vương Phú Yên, Bình Định do Bùi Giảng, Bùi Đản chỉ huy tiến vào chiếm đóng Phan Rang, Phan Thiết và Phan Rí bên cạnh Nguyễn Xương, Ung Chiếm của Bình Thuận cùng nhau mưu tính kế hoạch lâu dài thu phục lại Nam Kỳ.

 

* Hoạt động phối hợp chiến đấu của nghĩa quân Phú Yên và Bình Thuận

 

Cuộc tấn công chớp nhoáng của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên - Bình Định do Bùi Giảng và Bùi Đản chỉ huy vào cuối tháng 8/1885 tại Bình Thuận là những đòn mang tính chất thăm dò khả năng phòng thủ và thực lực của chính quyền thân Pháp để chuẩn bị cho những cuộc tiến quân dồn dập sau đó.

 

Sau một thời gian bổ sung lực lượng, ngày 23/11/1885 Lê Thành Phương phái Bùi Giảng phối hợp quân thứ Tuy Viễn tỉnh Bình Định tiến vào Nam. Bấy giờ ở Bình Thuận chưa có một cuộc nổi dậy của văn thân địa phương, lá cờ Cần Vương do những lực lượng từ Bình Định, Phú Yên mang đến được nhân dân hoan nghênh nhiệt liệt, nhiều thanh niên người Chăm xin gia nhập nghĩa quân cùng với đội quân của Tú Lành, Nguyễn Xương, Trần Tu. Quân Bùi Giảng mở cuộc tấn công phủ Ninh Thuận, giải thoát những tù nhân yêu nước Bình Thuận đang bị giam cầm ở đây và bổ sung họ vào lực lượng nghĩa quân.

 

Ngày 25/11/1885 Bùi Giảng đột ngột rời khỏi phủ Ninh Thuận tiến về đóng ở trạm Thuận Mai. Lực lượng nghĩa quân lúc này rất đông và số lượng còn tăng lên do Bùi Giảng mộ thêm dân địa phương. Đạo quân hùng hậu của Bùi Giảng làm cho các quan chức Bình Thuận không ủng hộ Cần Vương hoảng sợ. Võ Doãn Tuân, quan tuần phủ Bình Thuận khẩn cấp yêu cầu thống đốc Nam Kỳ đem quân ra cứu, nhưng đề nghị đó chưa được đáp ứng, tuy rằng từ lâu chính quyền Nam Kỳ mong muốn được can thiệp vào Bình Thuận mà mấy tháng trước đây họ hết sức tìm kiếm thời cơ.

 

Trước tình hình đó, Võ Doãn Tuân cử bố chánh Trà Quý Bình dốc toàn lực đẩy lùi nghĩa quân Bùi Giảng. Ngày 12/12/1885 Bùi Giảng phối hợp với quân Tú Lành, Nguyễn Xương trở lại tấn công phủ Ninh Thuận, nhưng bị Trà Quý Bình đánh bại, nhiều nghĩa quân “bị bắt làm tù binh hoặc đầu hàng”. Thất bại này cho thấy sự yếu kém về tổ chức cũng như trang bị vũ khí của nghĩa quân, mà nguyên nhân có lẽ xuất phát từ các nhóm dân mới mộ tại địa phương. Họ là những người dân tràn đầy nhiệt tình yêu nước nhưng khả năng quân sự và vũ khí lại thiếu thốn, nhất là hỏa khí. Sau thất bại này, Bùi Giảng rút về Khánh Hòa phối hợp lực lượng Cần Vương ở đây đánh chiếm thành Diên Khánh (14/12/1885) rồi trở ra Phú Yên chiêu tập đạo quân mới. Sự kiện này được Cheroutre nhắc đến trong một bức thư viết ngày 28/2/1886 gửi thiếu tá Dumas tại Quy Nhơn: “Tháng 12 năm vừa qua, tên phiến loạn Bùi Giảng có ý đồ tổ chức cuộc nổi loạn song đã thất bại vì Bố Trà (Trà Quý Bình-TG chú) và các nhân viên quân sự ở đây nâng cao cảnh giác, kịp thời dập tắt mầm mống việc này. Hiện nay Bùi Giảng đang ở Phú Yên, và theo tin tôi nhận được là hắn đang tích cực hoạt động, quy tụ những phần tử bất mãn cùng những đồng sự của hắn họp thành nhóm phiến loạn khá nguy hiểm. Ông ta tập hợp được một số bộ hạ đáng kể, và với lực lượng này, ông ta dự định xuôi xuống phía nam và cố gắng khắc phục thất bại phải gánh chịu cách đây hai tháng ở Bình Thuận” (2).

 

(Còn nữa)

 

----------------------

(1) Général X***(1901), L’Anam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot Paris,p.94,95,95,95,96

(2) Général X***(1901), L’Anam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886, Chapelot Paris,p.177

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek