Chủ Nhật, 22/09/2024 04:28 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 19/01/2011 10:00 SA

Trên bờ hào được trồng tre gai và rào chông kín, bên trên phủ lớp đất mỏng ngụy trang các hầm chông. Trước mặt các cửa thành đều có cầu treo lớn làm bằng gỗ cứng, có thể đứng trên mặt thành dùng dây kéo treo cầu ngược vào bên trong để cản bước tiến công của đối phương.

 

Ngoài chức năng là trung tâm hành chính của tỉnh, thành An Thổ được xây dựng như một căn cứ quân sự gồm kho lương thảo, kho vũ khí, nhà tập võ, trường tập trận, đồn canh, đài quan sát, trại lính, khu các quan lại của tỉnh, khu chuồng ngựa chiến, nhà giam giữ… Bên ngoài, là hệ thống phòng thủ từ xa với các đồn Aman, Tiên Châu, Mằng Lăng, đồn Tả, đồn Hữu ở bến đò Cây Kông và Bà Trang làm thành các pháo đài vành đai. Lực lượng trấn giữ trong thành có khoảng gần 1000 quân bao gồm đại đội lính Pháp, lính Nam triều và một số giáo dân từ các nơi quy tụ về đây (1). Như vậy, An Thổ là một pháo đài lớn, kiên cố và rất mạnh của địch được phòng thủ vững chắc nên cuộc tiến công của nghĩa quân Lê Thành Phương không hề đơn giản. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng có tính chất chiến lược của trận chiến thành An Thổ, Bộ Chỉ huy khởi nghĩa Lê Thành Phương đã chuẩn bị rất công phu về mọi mặt cả về lực lượng, vũ khí cũng như chiến thuật đánh thành; đồng thời ông còn bí mật cho người ra Bình Định đề nghị Mai Xuân Thưởng đưa quân hỗ trợ phong trào Phú Yên. Đạo quân Bình Định gồm 2000 người do cử nhân Nguyễn Trọng Trì chỉ huy tiến vào Phú Yên phối hợp tác chiến (1).

 

Vào giữa tháng 9/1885, Lê Thành Phương huy động 1500 quân mở chiến dịch tấn công thành An Thổ. Nghĩa quân chia làm hai đạo do phó soái Bùi Giảng và Hữu tham quân Lê Thành Bính chỉ huy tiến đánh theo thế gọng kìm kết hợp bao vây, vu hồi, sử dụng các lực lượng bộ binh, kỵ binh, pháo binh phối hợp chiến đấu.

 

Đạo quân phía bắc do phó soái Bùi Giảng chỉ huy, xuất phát từ đại đồn Định Trung gồm Hữu tham quân Nguyễn Bá Sự, kiểm biện Võ Hữu Phú, đốc Ba, đốc Tấn, đội Sơn, lãnh binh Nguyễn Bảy và Tả tham quân Nguyễn Sách làm phụ tá. Lực lượng này tiến dọc theo bờ sông Ngân Thủy, sau khi xóa sổ 2 đồn Tả, Hữu ở làng Mỹ Long, nhanh chóng vòng lên làng Bình Chánh đánh vào mặt tây và bắc thành An Thổ. Đạo quân này tách ra một bộ phận do lãnh binh Nguyễn Bảy, tham tán Võ Thiệp và tướng Lê Nhàn chỉ huy đóng chốt ở cửa Vũng Lắm và Tiên Châu, chặn đường bọn địch rút ra biển (2).

 

Đạo quân phía nam do Hữu tham quân Lê Thành Bính chỉ huy xuất phát từ căn cứ Xuân Vinh, gồm các đội nghĩa quân của quản đốc Huỳnh Tần, lãnh binh Nguyễn Thành Ký, đề đốc Dương Văn Đính, đề đốc Dương Văn Đôn, đề đốc Trần Đôn, tham trấn Nguyễn Hữu Dực tấn công đồn Aman và Mằng Lăng rồi vượt qua sông Ngân bằng thuyền của dân giấu sẵn dưới sông. Sau khi chiếm thôn Bình Hòa và Long Uyên, nghĩa quân tiến đánh phía đông và nam thành An Thổ. Toàn bộ vùng hai bên bờ sông Ngân Thủy gồm các thôn Mỹ Long, Ngân Sơn, Bình Chánh, Cần Lương, Bình Hòa, Phú Mỹ, Mằng Lăng, Lò Giấy, Tiên Châu đến cửa vịnh Xuân Đài đều là bãi chiến trường (3).

 

(Còn nữa)

 

------------------------------

(1) Phan Văn Cảnh (1997), Phong trào Cần Vương ở Bình Định, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP Hà Nội, tr.63

(2,3) Danh nhân Lê Thành Phương (1825-1887), Bảo Tàng Phú Yên xuất bản năm 1997, tr.39, tr.40

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek