Chủ Nhật, 22/09/2024 04:40 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 20/01/2011 10:00 SA

Theo lời kể của các bô lão ở An Thổ thì cuộc chiến diễn ra ở đây vô cùng ác liệt, nghĩa quân dũng cảm vượt cầu treo, bắc thang leo vào thành; các ổ đề kháng của địch lần lượt bị đè bẹp. Nghĩa quân do Lê Thành Bính chỉ huy đánh chiếm cầu treo phá cổng thành. Quân của Bùi Giảng đoạt được thuyền địch để trên sông Nhân Mỹ, sông Bầu Mướp tiến vào công phá thành trì. Lính địch chạy tán loạn ra biển Xuân Đài, bị nghĩa quân do Lê Nhàn, Nguyễn Bảy chỉ huy chặn đánh tiêu diệt một số. Đến chiều, chiến cuộc kết thúc, nghĩa quân đã giành thắng lợi hoàn toàn. Trong trận đánh này, nhiều lính Pháp và Nam Triều chết, bị thương, án sát Huỳnh Côn, lãnh binh Nguyễn Văn Hanh theo tàn quân Pháp trốn ra Quy Nhơn, bố chánh Phạm Như Xương bị nghĩa quân bắt giữ (1).

 

Bố chánh Phạm Như Xương sinh ngày 22/6/1844, là người làng Ngân Câu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi Kiến Phúc lên ngôi, Phạm Như Xương đổi vào làm bố chánh tỉnh Phú Yên cuối năm 1883. Tại đây, mặc dù ông không ra mặt hợp tác với những đạo nghĩa quân đã tự động hình thành ở các nơi trong tỉnh, nhưng thái độ làm ngơ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân trong giai đoạn đầu chuẩn bị. Sau khi tỉnh thành An Thổ bị nghĩa quân Cần Vương Phú Yên đánh chiếm, Phạm Như Xương bị bắt và “xét thấy lầm nên trả lại tự do ngay” (2). Ông bị Viện cơ mật Nam triều tâu lên Đồng Khánh đòi làm án vì để mất tỉnh thành Phú Yên, nhưng đặc cách “ban ơn để mưu dùng về sau” (3). Sau đó ông tìm về quê hương Quảng Nam và gia nhập Nghĩa hội chống Pháp ở đây do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Ông là người đã chấp bút viết Hịch văn thân Quảng Nam.

 

Với chiến thắng An Thổ, giải phóng Phú Yên, thanh thế của cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương rất lớn, tác động mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị đối với nhân dân trong tỉnh và còn ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Kỳ cũng như cả nước. Vua Hàm Nghi bố cáo cho toàn thể quân dân biết và cử sứ bộ vào tấn phong cho Lê Thành Phương làm Tổng thống quân vụ Đại thần với quyền thống hạt cả 4 tỉnh Bình–Phú–Khánh–Thuận, toàn quyền quyết định các việc ở khu vực Nam Trung Kỳ và liên kết với phong trào kháng chiến ở Nam Kỳ.

 

Chiến thắng An Thổ đã đẩy phong trào kháng chiến trong tỉnh lên cao. Tại Tuy Hòa, tri huyện Đinh Duy Tân và bang tá Lê Đình Mại ra sức cố thủ huyện thành, về sau Đinh Duy Tân được thăng lên án sát, Lê Đình Mại được thăng chức tri huyện. Nhiệm vụ của quân khởi nghĩa lúc này là tập trung lực lượng vào phía nam tỉnh tiêu diệt vị trí cuối cùng, hoàn thành nốt việc giải phóng hoàn toàn Phú Yên. Các đạo quân của tham trấn Nguyễn Văn Tịnh ở căn cứ Phú Thuận, quân của đề đốc Trương Chính Đường từ tổng Hòa Lạc kéo qua họp quân của đề đốc Đặng Đức Vĩ từ tổng Hòa Bình đánh xuống kết hợp sự yểm trợ của quân Lê Thành Bính. Sau một tháng cố giữ, trước sức mạnh của nghĩa quân, Đinh Duy Tân trốn vào Khánh Hòa, Lê Đình Mại tử trận, huyện thành Tuy Hòa tại Đông Phước bị nghĩa quân đánh chiếm.

 

Cho đến lúc này, trên chiến trường Phú Yên, nghĩa quân Lê Thành Phương hoàn toàn làm chủ, chính quyền Nam triều thân Pháp bị xóa bỏ khiến cho thống đốc Nam Kỳ và vua bù nhìn Đồng Khánh hết sức bối rối. Chúng lo sợ một chuỗi phản ứng dây truyền từ sự kiện Phú Yên có thể ảnh hưởng đến tình hình chung của cả xứ Nam Trung Kỳ. A.Laborde trong cuốn La province de Phu Yen (Tỉnh Phú Yên) nhắc lại thời kỳ này và chỉ trích thiếu tá Dumas phụ trách việc đánh dẹp phong trào Cần Vương ở Phú Yên đã không thành công bằng việc dùng lực lượng tại chỗ và trong sách  L’Annam du 5 Juillet 1885 au 4 Avril 1886 (An Nam từ 5/7/1885 đến 4/4/1886) tướng Prud’homme nói rõ hơn: “Căn cứ vào những điều mắt thấy tai nghe, tôi thấy rằng miền Nam Trung Kỳ vẫn tiếp tục rối loạn sâu sắc và cần phải đánh một đòn mạnh để đưa miền đó vào trật tự. Nếu không tổ chức một cuộc tấn công chu đáo ở đây, tôi tin rằng sẽ không riêng gì ở Phú Yên là nơi quân phiến loạn đã làm chủ, mà ngay cả Khánh Hòa, Bình Thuận cũng hoàn toàn tin theo phe đảng của Hàm Nghi. Lúc bấy giờ tất cả phải bắt đầu lại và chắc chắn khó khăn sẽ lớn hơn bây giờ nhiều”.

 

*Củng cố hệ thống phòng thủ, sẵn sàng đánh địch

 

Trong quá trình xâm lược nước ta, quân Pháp nhờ ưu thế về tàu chiến nên thường tiến vào các cảng biển, men theo cửa sông đổ quân tiến vào nội địa. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến khi phải đương đầu với kẻ địch mạnh hơn, có vũ khí hiện đại, Lê Thành Phương và các thủ lĩnh gấp rút xây dựng hệ thống phòng thủ dọc theo bờ biển, đầu các cửa sông nhằm chặn đánh quân Pháp khi chúng đổ bộ lên đất liền tấn công vào căn cứ.

 

- Khu vực phía Bắc: Ngoài các căn cứ được xây dựng trước khi cuộc khởi nghĩa diễn ra, một số pháo đài bờ biển được thiết lập sau chiến thắng An Thổ.

 

+ Pháo đài Tiên Châu: được đặt tại cửa biển Tiên Châu thuộc tổng Xuân Đài nhằm bảo vệ căn cứ thủy - lục của nghĩa quân đóng ở vịnh Xuân Đài. Nhiều khẩu thần công được bố trí dọc theo làng chài từ cứ điểm Cây Cốc đến Hố Trủng. Người chỉ huy tại đây là lãnh binh Nguyễn Bảy. Ngoài ra, nghĩa quân còn có nhiệm vụ kiểm soát làng giáo dân Thiên chúa ở Tiên Châu, ngăn ngừa một số phần tử bắt tay với quân Pháp khi tiến vào nơi này.

 

(Còn nữa)

 

----------------------------

(1) Phan Văn cảnh (1997), Phong trào Cần Vương ở Bình Định, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP Hà Nội, tr.63

(2)(3) Danh nhân Lê Thành Phương (1825-1887), Bảo tàng Phú Yên xuất bản năm 1997, tr.39, tr.40

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek