Chủ Nhật, 22/09/2024 04:27 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887)(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 22/01/2011 08:07 SA

* Phối hợp với nghĩa quân Trịnh Phong đánh chiếm thành Diên Khánh giải phóng Khánh Hòa

 

Tỉnh Khánh Hòa tiếp giáp phía nam Phú Yên nên từ lâu có mối quan hệ gắn bó mật thiết:    

 

Anh về Bình Định thăm cha

Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”  

 

Có lẽ sợi dây tình cảm thắt chặt đó nên phong trào Cần Vương hai tỉnh trong quá trình phát triển đặt ra yêu cầu phải liên kết với nhau cùng chống kẻ thù chung.

 

at110122.jpg

Hồn Đồn - một cứ điểm quan trọng của căn cứ Định Trung - Ảnh thực địa

 

Tại Khánh Hòa các đạo quân ứng nghĩa Cần Vương đã được hình thành từ cuối năm 1885 do Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh lãnh đạo. Khi Lê Thành Bính, Nguyễn Đức Thảo thiết lập căn cứ phòng thủ từ xa cho Phú Yên trên vùng đất Tu Bông, Tân Định thì phong trào Khánh Hòa bắt đầu có những hoạt động mạnh mẽ, uy hiếp chính quyền Nam triều buộc phải co cụm về thành Diên Khánh và phủ lỵ Ninh Hòa, huyện lỵ Tân Định, đồng thời cầu cứu lực lượng Pháp đang đóng tại Hòn Khói. Theo kế hoạch của Cheroutre (chỉ huy đồn Hòn Khói-ĐNK chú), thì ông ta sẽ triển khai quân trong ngày 16-12-1885 đến khu vực huyện Ninh Hòa và thành Diên Khánh với phần lớn lực lượng hiện có, chỉ để “một tiểu đội lính zouaves canh giữ đồn Bình Tây” (1).

 

Nhưng kế hoạch trên chưa kịp thực hiện thì ngày 14-12-1885, Bùi Giảng sau khi rút từ Bình Thuận ra đã phối hợp với Lê Thành Bính từ Tu Bông đến, liên kết với nghĩa quân Khánh Hòa do Trịnh Phong chỉ huy mở cuộc tấn công lớn đánh chiếm thành Diên Khánh, lật đổ chính quyền thân Pháp, bắt sống bố chánh Tôn Thất Hoan và án sát làm tù binh. Do đó Cheroutre “buộc phải hoãn cuộc hành quân và quay về chỗ đóng quân Bình Tây vào ngày 18-12”(2). Thư của quan tỉnh Bình Thuận Võ Doãn Tuân gửi thống đốc Nam Kỳ ngày 25-12-1885 cũng nhắc đến sự kiện này: “Khi vừa đánh vừa rút lui, Bùi Giảng đã chiếm lại thành Khánh Hòa, bắt bố chánh và án sát tỉnh này ngày 14-12-1885”(3). Bùi Giảng giao lại thành Khánh Hòa cho Trịnh Phong và các thủ lĩnh Bình Thuận đi theo rồi trở ra Phú Yên chiêu tập lực lượng mới. Lê Thành Bính trở lại Tu Bông củng cố căn cứ của mình. Nhờ thắng lợi Diên Khánh, đập tan chính quyền thân Pháp, phong trào Cần Vương Khánh Hòa từ chỗ cố thủ vươn lên làm chủ tình thế trong toàn tỉnh.

 

Tháng 3-1886, sau thời gian bổ sung lực lượng tại các căn cứ phía nam Phú Yên, Bùi Giảng đem quân tiến vào Khánh Hòa với kế hoạch sẽ hội quân cùng với lực lượng Khánh Hòa tại Giã, một địa điểm phía bắc huyện Tân Định để nhận thêm vũ khí và tấn công làng Tân Khê (cách Tân Định 7km về phía nam). Tại đây nghĩa quân đã giao chiến với quân Pháp do trung úy Humbert chỉ huy đang đóng tại chợ Ninh Hoà. Theo sự mô tả của các sĩ quan Pháp tham chiến, thì có khoảng 500 nghĩa quân được phân tán thành từng nhóm nhỏ. Sau khi chạm trán với quân Pháp tại Tân Khê, ngày 24-3-1886 Bùi Giảng rút về Gĩa hội quân với Trịnh Phong gia tăng lực lượng lên đến “hàng ngàn tên được trang bị súng bộ binh và đại bác”(4) chuẩn bị tấn công quân Pháp tại Xuân Mỹ. Trước áp lực của nghĩa quân, Cheroutre buộc phải co cụm lực lượng đang rải chiếm các nơi trong vùng và triển khai quân đối phó. Ngày 25-3-1886, quân Pháp do trung úy Humbert, thiếu úy Bailly chỉ huy trung đội khinh quân kết hợp số quân địa phương 120 người đóng tại làng Xuân Mỹ đánh nhau với nghĩa quân Khánh Hòa tại đèo Bánh Ít. Trong lúc quân Pháp giao tranh với lực lượng Khánh Hòa phía nam huyện Tân Định, thì phía bắc Bùi Giảng tiến quân đánh chiếm “đồn Ban Nai cách đèo Bánh Ít 7km mà không gặp sự kháng cự nào”(5). Ngày 27-3-1885, Cheroutre đã “cử hai trung đội đẩy lùi lực lượng này sau khi gây cho chúng nhiều tổn thất” (6). Sau đó, Bùi Giảng rút quân về đóng tại Thùng Nhà Bùi, một thung lũng nằm sâu trong núi thuộc xã Ninh Đa phủ Ninh Hòa, có đường mòn nối với đường xuyên sơn ra phía bắc đến Phú Yên. Tại đây Bùi Giảng cho lập tiền đồn ở Phú Sơn với 500 quân trấn giữ, còn đại bộ phận hơn 2000 người đóng trong thung lũng. Lúc 9 giờ ngày 30-3-1886, quân Pháp gồm 3 trung đội bộ binh, 1 trung đội khinh quân và 1 trung đội pháo binh xuất phát từ đèo Bánh Ít tấn công làng Phú Sơn. Sau khi đẩy lùi nghĩa quân tại Phú Sơn, quân Pháp tiến vào thung lũng và “nã pháo dữ dội vào mục tiêu ẩn nấp mà họ nghi ngờ lực lượng chủ lực của Bùi Giảng đang tập trung”(7). Cuộc chiến diễn ra ác liệt tại thung lũng, pháo binh Pháp đã nã trúng đội hình nghĩa quân gây thương vong lớn, Bùi Giảng phải ra lệnh rút lui “bỏ lại tại chỗ 20 xác chết, 2 đại bác, 2 súng trường và một số lớn vũ khí thô sơ”(8) và rời khỏi Ninh Hoà rút ra hướng Phú Yên.

 

Cũng trong thời gian trên, đạo quân Phú Yên do Lê Thành Bính phối hợp với Trịnh Phong bố trí trận địa phục kích tại đèo Thị huyện Tân Định tiêu diệt một số lớn quân Pháp tại đây. Sau thắng lợi này, Lê Thành Bính lập một phòng tuyến dài từ phía nam đèo Cổ Mã đến đèo Cả, bảo vệ vùng biển giữa hai tỉnh đề phòng quân Pháp đánh vào phía nam Phú Yên, đồng thời đảm bảo sự thông suốt con đường hành quân chiến lược từ Phú Yên vào các tỉnh phía nam không bị gián đoạn.                          

 

 (Còn nữa)

 

Tiến sĩ  ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek