Chủ Nhật, 22/09/2024 04:25 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887)
Thứ Ba, 18/01/2011 08:00 SA

* Đánh chiếm tỉnh thành An Thổ, chính quyền về tay nghĩa quân

 

Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa, mặc dù nghĩa quân Lê Thành Phương liên tiếp giành thắng lợi, nhưng vẫn chưa có những trận đánh mang tính quyết định xóa bỏ cơ quan lãnh đạo cao nhất của chính quyền Nam triều thân Pháp tại Phú Yên. Nghĩa quân phải dồn sức vào việc chiếm lĩnh các làng xã, diệt trừ tay sai, giải quyết tình hình nội bộ có những bất đồng, củng cố các căn cứ… Nghĩa quân làm chủ rừng núi ở hai nguồn Thạch Thành, Hà Duy và phần lớn vùng nông thôn thuộc hai huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa. Lúc này chính quyền Nam triều rất hoang mang, bị cô lập, chỉ còn nắm giữ một vài vị trí chủ chốt ở huyện, phủ trong đó có trung tâm đầu não tỉnh thành An Thổ. Trước thời cơ việc giành lấy chính quyền hoàn toàn về tay nghĩa quân đang đến gần, Bộ chỉ huy khởi nghĩa Lê Thành Phương quyết định tập trung tất cả lực lượng đánh chiếm thành An Thổ, xóa bỏ tận gốc chính quyền Nam triều ở Phú Yên.

 

antho110118.jpg

Di tích Thành An Thổ, nơi diễn ra trận đánh vào tháng 9/1885 đưa phong trào Cần Vương lên đỉnh cao                        

 

Trước tình thế bị tiêu diệt và Phú Yên có thể do nghĩa quân kiểm soát hoàn toàn, án sát Huỳnh Côn vội viết thư gửi tướng Prud’homme (Tổng tư lệnh quân đoàn Pháp ở Trung kỳ) yêu cầu can thiệp về quân sự (1). Yêu cầu khẩn cấp này đã được Prud’homme đáp ứng, và ông ta lệnh cho thiếu tá Dumas cử ngay một đại đội viễn chinh Pháp xuất phát từ Quy Nhơn vào tăng cường phòng thủ thành An Thổ; đồng thời hàng ngày Dumas cho tàu chiến đi lại thị sát vùng biển Bình Định-Phú Yên, theo dõi chặt chẽ tình hình (2).

 

Để chuẩn bị đánh thành An Thổ, Lê Thành Phương tích cực đề ra phương án tác chiến. Một mặt ông bổ sung lực lượng các đạo quân tại chỗ, huấn luyện cách đánh các cứ điểm quân sự kiên cố và công thành; ông còn huy động nhân dân chặt tre làm nhiều chiếc thang, bí mật cất giấu ở các làng xung quanh An Thổ. Mặt khác, Lê Thành Phương triệu các viên tướng lừng danh như Bùi Giảng, Lê Thành Bính từ Khánh Hòa về lại Phú Yên vào đầu tháng 9/1885. Mục tiêu của trận đánh thành An Thổ được xác định là tiêu diệt lực lượng Nam triều và đội quân viễn chinh Pháp đang đóng ở đây, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên, tạo ra một hậu phương an toàn và hùng mạnh để thúc đẩy phong trào Cần Vương khu vực nam Huế tiến lên.

 

Thành An Thổ được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng (1836) là trung tâm hành chính, quân sự của tỉnh Phú Yên, đặt tại thôn An Thổ, phủ Tuy An (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An). Thành xây theo kiểu kiến trúc Vauban bằng đá vôi dày 0,8m có 2 lớp tường đá cách nhau khoảng 4m, ở giữa đổ đất kín, mặt trong cũng đổ đất thoai thoải có các bậc lên xuống để dễ dàng cơ động trong chiến đấu. Thành hình vuông, mỗi cạnh dài 200m, cao trên 4m, bốn góc nhô ra, được xây cao hơn tường thành, có những tháp canh. Thành có 4 cửa: tiền, hậu, tả, hữu xây theo kiểu vòm cuốn “tổ tò vò”. Xung quanh chân thành khoảng 40m là các chiến hào được đào sâu 6-7m, rộng 15-20m. Chiến hào ăn thông với sông Bầu Mướp bằng một đường thủy mở ra ở góc đông bắc thành nối với sông Phú Ngân đổ ra vịnh Xuân Đài.                     

 

 (Còn nữa)

----------------

 (1) J.Jean (1924), “Mesmoires de Son Excellence Huỳnh Côn dit Dan Tuong”, Edition de la Revue Indochinoise, Hanoi, p.357, p.357

(2) Phạm Văn Sơn (1963), Việt sử tân biên, Quyển 5, Tập Trung xuất bản, Sài Gòn, tr.188

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek